Một năm nhìn lại chương trình, sách giáo khoa: Kiên định để về đích
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1. Nhìn lại chặng đường 9 tháng vừa học trực tiếp vừa học online của thầy và trò lớp 1, theo đánh giá của Bộ GDĐT, chương trình cơ bản đã hoàn thành.
Sáng 20/8, Bộ GDĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT.
Nỗ lực vượt khó
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, năm học vừa qua được triển khai trong bối cảnh có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước khi toàn ngành vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; vừa triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1.
Khó khăn là trước khi vào lớp 1, trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà nên các em học sinh hầu như không được trực tiếp học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi trên lớp, việc được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được.
Do tình hình dịch Covid-19, ngành giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, nhiệm vụ mới, tập huấn với hình thức mới, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên, trong khi đó Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên, nhà trường tự chủ nhiều hơn; cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình nên có biểu hiện lo lắng...
Thực tế, từng có xôn xao về SGK Tiếng Việt lớp 1 ở một số bộ sách lớp 1 mới, trong đó có băn khoăn về các ngữ liệu được sử dụng trong SGK, chương trình học nặng hơn so với sách 2006… Tuy nhiên, sau đó, Bộ đã có những chỉ đạo kịp thời để giáo viên và phụ huynh yên tâm đồng hành cùng với học sinh lớp 1.
Về kết quả đạt được, trước đó tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học đã được ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Tiểu học thông tin: Học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006 như mạnh dạn, tự tin hơn và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Yếu tố tạo nên thành công
Với việc tổ chức việc biên soạn, thẩm định SGK, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã bước đầu có kết quả tích cực; đã có 5 nhà xuất bản với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định 5 bộ SGK lớp 1, 3 bộ SGK lớp 2, 3 bộ SGK lớp 6 đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bài học kinh nghiệm rút ra sau 1 năm triển khai Chương trình GDPT 20218 đó là: Quá trình đổi mới, hơn ai hết những người làm lãnh đạo, quản lý cần hiểu thấu và kiên định mục tiêu; nhưng có thể linh hoạt, mềm dẻo ở phương pháp. Nếu mục tiêu lớn, cốt lõi không kiên định thì đổi mới đã khó, sẽ càng khó hơn. Bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ, tạo đồng thuận, thấu suốt để xã hội đón nhận và đồng hành trong công cuộc đổi mới.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Sơn nhấn mạnh việc tiếp tục kiên trì tư tưởng, quan điểm đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. Đổi mới để chuyển mạnh từ việc trang bị kiến thức, truyền thụ bị động, sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học.
Lấy thực hiện mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về Tiếng Việt, về nhận thức, về tư duy… làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Liên quan đến việc biên soạn SGK, theo Bộ trưởng cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia, để bảo đảm có được chất lượng bản thảo sách tốt nhất. Các yêu cầu về quá trình thẩm định, phát hành, chọn sách, cũng phải điều chỉnh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, dựa trên cơ sở tiếng nói chuyên môn của các nhà giáo và cơ sở giáo dục.
Siết chặt hơn khâu thực nghiệm SGK
Bộ GDĐT đang lấy ý kiến dự kiến đối với dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
So với Thông tư 33, dự thảo này có nhiều điểm mới trong công tác biên soạn, thẩm định SGK. Cụ thể, khoản 3 mới được bổ sung vào Điều 9 nêu rõ yêu cầu và quy trình thực nghiệm SGK.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10 về tiêu chuẩn của tổ chức biên soạn SGK, trong đó có nội dung việc đề nghị thẩm định SGK không nhất thiết phải qua nhà xuất bản. Dự thảo đã siết chặt hơn ở tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK (về thời gian trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với SGK môn học). Hồ sơ đề nghị thẩm định SGK cũng được yêu cầu chặt chẽ hơn.
Bộ GDĐT lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đến hết ngày 2/10/2021.