Hà Nội: Đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Ngày 21/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến tới hơn 200 điểm cầu của các phòng GDĐT, các nhà trường.
Giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước
Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh về quy mô, chất lượng. Toàn thành phố có 2.792 trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,1 triệu học sinh, 159.400 cán bộ, giáo viên; tăng 44 trường, gần 69.000 học sinh so với năm học 2019-2020.
Tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn của thành phố đạt 76,9%, hoàn thành kế hoạch trước 1 năm và vượt 7% so với kế hoạch thành phố giao năm 2020. Với 139 giải, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số học sinh đạt nhiều giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 365 giải và 57 huy chương tại các kỳ thi quốc tế.
Đây cũng là năm học đầu tiên Hà Nội triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1; cũng là năm đầu tiên, hầu hết học sinh của thành phố làm bài kiểm tra học kỳ II, tổng kết năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến.
Với vô vàn khó khăn của năm học thứ hai bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ GDĐT, TP Hà Nội, sự nỗ lực của toàn ngành và sự đồng hành bền bỉ của phụ huynh học sinh, ngành Giáo dục Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ kép: Phòng, chống dịch an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục, giữ vững vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.
Thích ứng lâu dài với dạy học trực tuyến
Các ý kiến tham luận tại hội nghị đã làm rõ hơn những giải pháp của các nhà trường với quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của ngành Giáo dục Hà Nội. Toàn ngành đã chủ động chuyển trạng thái dạy học hiệu quả, giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn, thể hiện ở việc giành 5 trong số 12 Huy chương vàng của cả nước tại các kỳ thi Olympic quốc tế.
Về nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục xác định việc dạy học trực tuyến là giải pháp lâu dài, đòi hỏi các nhà trường cần tiếp tục chủ động, linh hoạt, tích cực triển khai nhiệm vụ.
Ngành giáo dục Hà Nội cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, coi đây là yếu tố cốt lõi, quan tâm bồi dưỡng giáo viên, tổ chức dạy học hiệu quả theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục thực chất trong bối cảnh dạy học trực tuyến.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, Bộ đang chuẩn bị xây dựng tài liệu này để tăng cường kỹ năng, giúp giáo viên thích ứng lâu dài với việc dạy học trực tuyến.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm học 2021-2022, các trường học cần chủ động xây dựng phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp.
Thông tin thêm về năm học mới, ông Chử Xuân Dũng cho biết, lễ khai giảng năm học 2021-2022 của TP Hà Nội sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh và giáo viên. Qua đó, khẳng định với nhân dân Thủ đô, dù khó khăn đến đâu, ngành giáo dục Hà Nội vẫn quyết tâm duy trì dạy tốt, học tốt.
Về nhiệm vụ cụ thể, thành phố giao Sở GDĐT Hà Nội tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả với quan điểm coi đây là giải pháp bền vững, đặc biệt là tập huấn về kỹ năng thích ứng của giáo viên, học sinh trong việc dạy, học trực tuyến.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu ngành Giáo dục và các quận, huyện, thị xã rà soát, xây dựng thêm nhiều trường chuẩn quốc gia; tạo điều kiện phát triển hệ thống trường ngoài công lập; tăng cường quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn đồng thời với việc quan tâm nhiều hơn nữa đến các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà để rút ngắn khoảng cách giữa các nhà trường, địa phương.