Phía trước của Afghanistan
Kể từ đầu tháng 5/2021, khi Mỹ và liên quân tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, ngay lập tức lực lượng Taliban dù không được trang bị vũ khí hiện đại, đã mở nhiều cuộc tấn công vào quân đội Chính phủ. Chỉ sau hơn 3 tháng, Taliban đã trở lại Kabul, nắm quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này.
Phong trào Taliban ra đời vào năm 1980, hoạt động ban đầu khá đơn lẻ. Tuy nhiên, kể từ năm 1989 cho đến năm 1994, Taliban tổ chức thành một lực lượng nổi dậy tại các tỉnh miền Đông và Đông Nam Afghanistan. Chỉ 2 năm sau, 1996, Taliban chiếm Kabul lập lên tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan và nắm quyền đến năm 2001 dưới sự lãnh đạo của giáo sĩ Mohammad Omar.
Sau các vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ 11/9/2001, Hoa Kỳ cùng các đồng minh NATO đã mở những cuộc tấn công ồ ạt vào Afghanistan để truy tìm trùm khủng bố Oussama Bin Laden bị tình nghi đang được chính quyền Taliban che chở. Kể từ năm 2001, Taliban đã bị Mỹ tấn công đánh đuổi, chấm dứt 5 năm kiểm soát đất nước Afghanistan.
Cũng từ đó, lực lượng Taliban chuyển sang hoạt động theo các nhóm nhỏ, tại những vùng biên giới, nhất là biên giới với Pakistan. Tới năm 2003, khi quân đội đồng minh phương Tây cắt giảm quân số chia sẻ cho cuộc chiến tranh Iraq, Taliban đã nhanh chóng tổ chức những cuộc tập kích vào quân đội Chính phủ. Và cũng từ đó, những cuộc giao tranh giữa quân Chính phủ với Taliban liên tục nổ ra, tuy đó chỉ là những trận đấu súng nhỏ lẻ nhưng nó cũng đủ để đặt đất nước Afghanistan vào tình trạng bất ổn.
Bước ngoặt quan trọng bậc nhất là vào năm 2020, sau nhiều lần đàm phán không thành, cuối cùng Taliban và Mỹ đã ký thỏa thuận Doha, ấn định các điều kiện rút quân đội nước ngoài ra khỏi Afghanistan. Lịch trình rút quân bắt đầu từ ngày 8/7/2021. Ngay lập tức 75.000 tay súng Taliban đã chớp thời cơ, tập hợp lực lượng, tấn công vào nhiều địa điểm trên khắp đất nước Afghanistan. Trong khi đó, quân Chính phủ lại rời rã, không có tinh thần chiến đấu. Trong hầu hết các cuộc giao tranh với Taliban, quân Chính phủ đều bỏ chạy.
Cho đến ngày 1/5/2021, khi có thông tin rút dần 9.500 quân của Mỹ và NATO khỏi Afghanistan, thì Taliban chính thức triển khai phản công trên diện rộng và nhanh chóng kiểm soát được nhiều vùng miền Nam, cũng như một số tỉnh quan trọng ở phía Bắc Afghanistan.
Ngày 2/7 mở ra thời cơ mới cho các cuộc tấn công của Taliban khi quân Mỹ và NATO trao lại cho quân đội Afghanistan quyền quản lý căn cứ không quân Bagram, cách phía Bắc Thủ đô Kabul 50km - một trung tâm đầu não của các chiến dịch quân sự của liên quân nước ngoài trong suốt 20 năm hiện diện ở nước này. Chỉ trong tháng 7, các tay súng Taliban liên tiếp đánh chiếm thủ phủ của các tỉnh trọng yếu. Đến cuối tháng 7, Taliban đã kiểm soát được 65% lãnh thổ đất nước.
Tháng 8 chính là cuộc tấn công tổng lực của lực lượng Taliban. Chỉ vẻn vẹn 10 ngày, các tay súng Taliban đã tiến vào kiểm soát hầu hết thủ phủ các tỉnh của Afghanistan. Vòng vây Kabul dần siết lại. Cho đến sáng ngày 15/8, Taliban tiến vào Kabul mà không gặp sự kháng cự nào của quân Chính phủ. Cũng trong ngày này, Tổng thống Ashral Ghani rời khỏi Afghanistan.
Như vậy là 20 năm “lang bạt”, Taliban chỉ mất 3 tháng tấn công đánh bại quân Chính phủ, kiểm soát hoàn toàn đất nước Afghanistan. Sự sụp đổ nhanh chóng của quân Chính phủ không chỉ từ sự rút đi của các lực lượng quân đội nước ngoài mà còn bởi chính bản thân họ không được tổ chức tốt, không có tinh thần chiến đấu.
Đất nước Afghanistan trong vòng 20 năm qua dù được hậu thuẫn lớn từ Mỹ và đồng minh phương Tây nhưng đã không tự đứng được trên đôi chân của mình.
Đó cũng là thời gian nội chiến kéo dài, khiến người dân chịu nhiều đau thương mất mát. Chính quyền Kabul kế tiếp nhau lại cho thấy thiếu khả năng lãnh đạo đất nước, nạn tham nhũng tràn lan càng khiến xã hội bất an.
Thế giới đang hướng sự chú ý về Afghanistan khi Taliban nắm quyền. Phía trước của Afghanistan là gì? Quốc gia Tây Nam Á này có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng, vì thế những động thái tiếp theo ở Afghanistan nhận được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế.