Hội họa không giãn cách

Thư Hoàng 22/08/2021 10:20

Không xôn xao như giới ca sĩ mang âm nhạc vào vùng dịch, các họa sĩ giá vẽ lặng lẽ sáng tác trong mùa giãn cách, đồng thời có các hoạt động đấu giá tác phẩm để góp tiền mua khẩu trang, dụng cụ y tế tặng các bệnh viện tuyến đầu…

1. Không phải tới thời điểm này, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội giới họa sĩ giá vẽ mới nhập cuộc. Mà ngay từ tháng 4 năm ngoái, nhiều họa sĩ như Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Phạm Luận… đã tham gia cuộc phát động triển lãm “Tranh trong mùa giãn cách” sau đó nhiều bức tranh đã được bán qua hình thức đấu giá.

Đợt đó số tiền hơn 500 triệu đồng từ tiền bán đấu giá 48 bức tranh của các nghệ sĩ hiến tặng đã được gửi tới các thầy thuốc, y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Từ đó đến nay, nhiều họa sĩ, nhóm họa sĩ khác ở các tỉnh, thành vẫn âm thầm sáng tác và âm thầm tổ chức các đợt đấu giá tranh trên mạng xã hội để đóng góp tiền cho các quỹ, hoặc trực tiếp chuyển đến tay những đối tượng cần trợ giúp. Mới đây, hơn 1,7 tỷ đồng đấu giá tranh cũng đã được ủng hộ bà con gặp khó khăn trong đại dịch.

Cụ thể, triển lãm “Câu chuyện dòng sông” được Quỹ Sống tổ chức trực tuyến qua nền tảng phòng tranh 3D. Trong triển lãm, nhiều sự kiện đấu giá được tổ chức nhằm gây quỹ cho chiến dịch “Be Strong VietNam” - chiến dịch hỗ trợ cộng đồng gặp khó khăn do Quỹ Sống điều hành.

Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế như họa sĩ Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Quốc Thái, Ngô Bình Nhi, Phương Bình, Nguyễn Thế Hùng… Trong đó, nhiều bức được mua với giá cao như “Những ngày nhiều mây” của họa sĩ - nhà thiết kế Tia Thủy Nguyễn giá 450 triệu đồng.

Đặc biệt, một nhà sưu tập ẩn danh đã trả 450 triệu đồng để “mua ngay” bức “Miền xanh” (tổng hợp trên toan, 170x570cm, 2021) của họa sĩ Trần Nhật Thăng, ngay sau đó vị này tặng lại Quỹ để tiếp tục đấu giá và sau đó một nhà sưu tập đã trả 270 triệu đồng để sở hữu bức tranh này…

“Cây viết” (phấn màu, 80x60 cm, 1998) của họa sĩ Thành Chương được một nhà sưu tập tặng lại để đấu giá lấy tiền mua giường hồi sức tặng Bệnh viện dã chiến số 5.

2. Góp thêm vào sự phong phú là các phiên đấu giá của nhóm Đa diện, gồm các họa sĩ Tào Linh, Nguyễn Minh, Doãn Hoàng Lâm, Bùi Văn Tuất, Vũ Thái Bình… Sau cuộc đấu giá tranh từ thiện tối 17/8, gần 100 triệu đồng là số tiền các họa sĩ nhóm Tranh giấy dó góp vào quỹ “Chuyến rau vui vẻ” hướng về người dân khó khăn ở miền Nam.

Tại TP HCM, nhóm của họa sĩ Nguyễn Sơn cũng đã tổ chức bán đấu giá 10 tác phẩm trong chương trình “Sài Gòn ta dìu nhau”, dành 139 triệu đồng đóng góp cho các quỹ từ thiện uy tín để giúp đỡ người dân khó khăn vùng dịch. Bên cạnh đó, nhóm ông Ngô Trần Vũ cũng đấu giá hơn 100 bức tranh từ hơn 60 họa sĩ cả nước góp cho quỹ Gieo gạo, đến nay đã góp được hơn 1,2 tỷ đồng để mua gạo và thực phẩm cho người dân khó khăn.

Đáng chú ý, họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An) trong thời gian qua đã hoạt động khá tích cực. Theo đó, ngày 6/8, họa sĩ 14 tuổi này vừa bán đấu giá thành công bức tranh NFT đầu tiên trên nền tảng Binance với giá 22.899 USD (tương đương 527 triệu đồng). Bức tranh NFT có tên “Hoa mai may mắn” được Xèo Chu hoàn thành hồi đầu năm nay.

Chia sẻ về tác phẩm nghệ thuật số đầu tay được đấu giá thành công, Xèo Chu nói: “Tôi vô cùng hào hứng khi thấy tác phẩm nghệ thuật của mình vượt ra ngoài ranh giới vật lý thông thường để tiếp cận những người yêu mến”. Toàn bộ số tiền đấu giá được từ bức tranh NFT đầu tay được Xèo Chu dùng cho mục đích từ thiện.

Trước đó, Xèo Chu cũng đã dùng 2,9 tỷ đồng từ tiền bán đấu giá 8 bức tranh do chính cậu vẽ để mua các trang thiết bị y tế gồm: 6 máy thở, 2 máy sốc tim, 1.000 bộ bảo hộ y tế cá nhân (PPE) và 10.000 khẩu trang N95 cho Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM dùng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tuần này, vừa hay tin Bệnh viện dã chiến số 5 (Thuận Kiều Plaza, Q.5, TP HCM) cần giường chuyên dụng để hồi sức bệnh nhân điều trị Covid-19, thông qua nhà sưu tập Lý Đợi, các họa sĩ đã cùng góp tranh để đấu giá mua giường gửi tặng. Chỉ sau 48 tiếng đồng hồ xin tranh, hơn 100 tác phẩm đã được gửi tới, trong đó có nhiều bức tranh của các họa sĩ tên tuổi như Lưu Công Nhân, Thành Chương, Phạm An Hải, Đinh Quân, Đặng Tiến…

Bên cạnh đó, còn nhiều họa sĩ trẻ, sung sức hiện nay như: Trần Minh Tâm, Bùi Hoàng Dương, Nguyễn Công Hoài, Phạm Khắc Quang… cũng gửi tác phẩm tham gia ủng hộ. Khoảng 70 tác phẩm mỹ thuật phù hợp với tiêu chí đã được chọn và đưa lên các phiên đấu giá, diễn ra từ ngày 20/8 cho đến cuối tuần này.

3. Có thể nói, mỗi họa sĩ một tấm lòng. Tất cả đều chung một suy nghĩ, trong những ngày khó khăn thì cùng đồng lòng chung sức. Mỗi người, tùy theo khả năng của mình, góp một phần để đẩy lùi đại dịch, mong muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Nói như họa sĩ Tào Linh, đại dịch đang khiến cho rất nhiều đồng bào ta trên cả nước lâm vào khó khăn, mất việc làm, không có thu nhập, không có đủ nhu yếu phẩm, thậm chí đứt bữa… Nhưng hình ảnh đó đã đánh thức ý thức “người trong một nước thì thương nhau cùng” trong mỗi con người chúng ta.

Vẽ những tấm lòng thơm thảo

Khi chứng kiến những hình ành xúc động của bà con hướng về miền Nam ruột thịt, họa sĩ Lê Sa Long đã vẽ cảnh bạn trẻ, nông dân ở Đà Lạt thu hoạch rau củ trong các nhà lồng gửi về TP HCM những ngày giá thực phẩm ở thành phố leo thang đầu tháng 8. Hay hình ảnh cụ già hơn 100 tuổi ở Thanh Hoa mang ít gói cá khô, túi gạo gửi cho người miền Nam, lan truyền trên mạng xã hội, được họa sĩ khắc họa bằng phấn tiên trên giấy Canson.

Họa sĩ Lê Sa Long vẽ loạt tranh “Sài Gòn những ngày giãn cách” từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả đều xuất phát từ những câu chuyện, hình ảnh có thật được báo chí, truyền thông đăng tải. Họa sĩ trích tiền bán tranh góp quỹ vì người nghèo, đồng thời dự định tổ chức triển lãm, ra sách ảnh sau này.

Thư Hoàng