Lại bùng phát lừa đảo vay qua mạng - Bài 2: ‘Nhắm mắt’ vay tín dụng đen
Đối diện với khó khăn, nhiều cá nhân đã phải tìm hiểu các thủ tục vay tiền trên mạng rồi bị lừa lấy hết thông tin, dữ liệu cá nhân, bị tín dụng đen buả vây và giăng bẫy.
Không vay cũng thành con nợ
Chị Trần Hồng (Bắc Ninh) kể với phóng viên, chị không hề đăng ký vay qua ứng dụng trực tuyến (app) vậy mà tài khoản báo về tăng 900.000 đồng kèm tin nhắn qua điện thoại: số tiền giải ngân của bạn đã được chuyển đến số tài khoản… “Hỏi lại tôi mới biết app chuyển tiền đến cho mình có tên nicevay”- chị Trần Hồng kể.
Chị Trần Hồng cũng kể vì sao lại liên quan đến app lạ kỳ kia. Cụ thể, do tình hình kinh doanh trì trệ nên 2 tháng qua không có lãi mà vẫn phải trả tiền thuê nhà chị lên mạng tìm hiểu cách vay vốn ngân hàng.
Ngày 5/8 có một người tên là Thảo Quyên tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng Sacombank hỗ trợ vay tiền online nhanh, với tính bảo mật cao chỉ cần chứng minh thư và hộ khẩu.
Thảo Quyên cũng gửi bảng lãi suất các khoản vay cho chị Trần Hồng tham khảo và lựa chọn gói vay. Do vậy khi có điện thoại số lạ gọi đến tự giới thiệu là từ Ngân hàng Sacombank chị tin tưởng ngay.
Người tự xưng là Thảo Quyên còn chia sẻ, hệ thống ngân hàng có hai hình thức giải ngân, cách thứ nhất vay vốn trình tự, thời gian giải quyết hồ sơ mất khoảng 10 - 15 ngày, cách thứ hai giải ngân cấp tốc, chỉ sau 40-50 phút tiền sẽ về tài khoản với điều kiện khách hàng chịu mất 850.000 đồng tiền phí.
“Bà này cũng yêu cầu mình gửi số tài khoản, số căn cước, ảnh cá nhân. Sau đó biến mất không liên lạc gì với tôi nữa” - chị Hồng nói.
3 hôm sau kể từ ngày đưa thông tin cho người lạ, tài khoản của chị Hồng nhận được số tiền kia. Từ đó chị Hồng luôn lo sợ, các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng thông tin của chị để đăng ký đi vay tại một app mà nhiều app.
Chị Hồng vì lo cũng đã gọi điện đến số điện thoại gửi tin nhắn giải ngân khoản tiền 900.000 đồng vào tài khoản của mình nhưng luôn trong hiện trạng “thuê bao tắt máy”.
“Giờ đúng là không biết xử lý như thế nào, đóng băng tài khoản thì không được vì chị là dân kinh doanh. Mà không đóng băng tài khoản thì lỡ đâu các app đổ tiền rồi mình tiêu và trả lãi cũng khổ…”- chị Trần Hồng băn khoăn.
Bất ngờ trở thành con nợ và phải gánh khoản nợ mặc dù không vay như chị Trần Hồng cũng khá phổ biến hiện nay, bởi các nhóm lừa đảo còn lập hẳn những nhóm riêng với mục đích thu mua dữ liệu cá nhân, để rồi đăng ký vay tiền, tăng doanh số mùa dịch.
Anh Lê Khánh Hòa (Bắc Giang) cũng cho biết, trong một lần tìm việc anh thấy một bạn đăng tin tuyển shipper online. Anh vào nói chuyện và gửi thông tin cá nhân, hình ảnh để mong tìm được việc làm. Vậy mà sau ít hôm, có một app tên là Ondic Lợi Tín bỗng nhiên thông báo chuyển khoản vào tài khoản của anh 500.000 đồng.
Trong suốt 3 hôm (từ 5/8 đến 8/8) liên tục điện thoại của mình có cuộc gọi nói chuyện tự động đến yêu cầu anh Hòa trả tiền. Trung bình mỗi ngày điện thoại của anh nhận hơn 10 cuộc gọi đến.
Anh Lê Khánh Hòa đã dùng điện thoại tải app Ondic đăng nhập đăng ký, tài khoản để tìm hiểu khoản vay mà không tài nào vào được.
Anh Hòa cũng cho biết, bạn bè anh cũng đã có nhiều trường hợp như vậy. Nếu anh Lê Khánh Hòa hấp tấp trả tiền theo lời giục nợ trước mắt sẽ không bị gì cả, nhưng sau đó các app sẽ nâng hạng vay, tự nhiên tiền lại về tài khoản nhiều hơn cùng đó tiền lãi “cắt cổ”.
Nhiều hình thức đe doạ
Một khi đã “dính” vay app, thì người vay có thể gặp nhiều hình thức đe dọa. “Thời gian vừa qua em bị app khủng bố tinh thần liên tục.
Chúng không chỉ gọi điện thoại cho người thân của em, mà điện thoại của em còn nhận được tin nhắn với nội dung đe dọa: “Ngay trong chiều nay khi bọn tao còn chưa đụng tới người nhà mày thì biết điều cầm tiền trả nợ. Đừng đem mái ấm gia đình ra đánh đổi vài đồng bạc,…”, anh H.T.T. cho phóng viên xem tin nhắn.
Được biết vào đầu tháng 1/2021, do người nhà anh bị ngã xe phải nhập viện, thiếu tiền nên anh có đăng ký vay qua app Mirea Asset 15 triệu đồng, tài khoản được nhận về 12 triệu đồng. 3 tháng đầu anh trả nợ đúng hẹn.
“Mùa dịch nên công việc bị gián đoạn, thu nhập giảm nên em xin chậm đóng tiền chứ không “bùng” vậy mà mấy hôm nay ngày nào cũng bị đe doạ”- anh H.T.T. kể.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đại diện Công ty Lendtop - Công ty cho vay trên nền tảng P2P, chủ sở hữu nền tảng MoneyCat - bà Natalia Kovalenko cũng cho biết số lượng các ứng dụng cho vay tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Tại các thời điểm dịch bệnh, người dân bị ảnh hưởng nhiều hơn, có người mất việc làm hay giảm thu nhập do các cơ sở kinh doanh đóng cửa, thiếu tiền chi tiêu khi ốm đau,… nên tìm đến các ứng dụng cho vay nhiều hơn, cuối cùng bị tín dụng đen bủa vây.
Cụ thể mới đây trong tháng 7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Tuyên Quang) tiếp nhận, xử lý tin báo của chị T.H.Y., trú tại huyện Yên Sơn. Cụ thể chị Y. có vay số tiền 3 triệu đồng qua app “Sieudong” và trả lãi và gốc trong 7 ngày. Tài khoản chị Y. chỉ nhận được 1,2 triệu đồng do các đối tượng giải thích thu lãi, gốc, phí dịch vụ.
Đến hạn, chị chưa có tiền trả, các đối tượng tiếp tục giới thiệu chị vay tiền qua các app khác để trả nợ.
Đến ngày 9/6, chị Y. đã vay tiền của 39 app như: “Cây phát tài”, “Vay tốt”, “Ví vui vẻ”, “Trạm tiền”, “Ví chanh”… với 164 giao dịch vay tiền.
Tổng số tiền chị Y. phải trả cho các app là gần 480 triệu đồng. Sau đó chị Y. liên tục bị hăm doạ, khủng bố điện thoại.
Thời điểm này lượng người truy cập vào các đường link, các trang web để tìm hiểu vay tiền tăng. Các đối tượng lừa đảo lưu lại các thông tin, sau đó chủ động chát và làm quen, rồi giới thiệu mình là nhân viên ngân hàng để hỗ trợ vay vốn, sau đó lừa người dân rơi vào bẫy tín dụng đen.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng lừa đảo rất tinh vi trong việc che giấu thông tin, dấu vết. Giới chuyên gia kinh tế cũng đưa ra lời khuyên người dân cần tìm hiểu thông tin chính thống thay vì tin vào các lời mời chào “nhanh gọn”, “hiệu quả”, “tối ưu”, chi phí rẻ... Vì tin vào những lời mời chào ấy, người dân vô tình vướng vào bẫy tín dụng đen.
Có hàng ngàn trường hợp bị lừa không dám lên tiếng
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Giám đốc Công ty Luật ANVI, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ, lợi dụng dịch dã, lợi dụng người dân khó khăn, bọn lừa đảo đục nước béo cò, các tình huống lừa đảo ngày càng tinh vi. Những trường hợp báo chí phản ánh bị mất tiền, bị lừa chuyển tiền, lừa vay tín dụng đen chỉ là số ít vì trong thực tế còn hàng ngàn trường hợp khác mất tiền vẫn cắn răng chịu đựng không dám chia sẻ, không dám báo công an. Việc lừa đảo bằng hình thức mạo danh cán bộ ngân hàng, sử dụng hình ảnh ngân hàng khiến cho ngân hàng bị ảnh hưởng uy tín tín chứ ngân hàng không mất tiền. Vì vậy mà các ngân hàng chỉ lên tiếng cảnh báo và khuyến cáo. Trong khi đó người thiệt là người dân.