Mặt trận vùng đồng bào dân tộc nỗ lực vận động, kiểm soát dịch bệnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, MTTQ các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn khu dân cư.
Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Dân tộc tính từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 8/2021, các tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS), miền núi có 234.609 ca F0.
Trước tình hình đó, hưởng ứng thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, hệ thống Mặt trận các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 gắn với việc phổ biến quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc.
Cụ thể, MTTQ các cấp đã tổ chức tuyên truyền bằng tiếng DTTS về phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, tiếp sóng và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng các thứ tiếng của đồng bào DTTS của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh nói chung, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19.
Nhiều địa phương, MTTQ cấp cơ sở đã có sáng kiến phối hợp với các đồn biên phòng xây dựng mô hình “Tiếng loa biên phòng” để tuyền truyền các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cho đồng bào DTTS và miền núi. Mô hình này khá đơn giản và tiết kiệm, nhưng lại phát huy tối đa hiệu quả đối với nơi có địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn, hệ thống loa truyền thanh xã, phường không đáp ứng được nhu cầu.
Chỉ với 1 chiếc “loa kẹo kéo”, chiếc USB có sẵn các nội dung tuyên truyền bằng tiếng kinh, Dao, Nùng, Khmer, M’Nông và xe môtô 2 bánh, đi đến được tất cả những nơi có người dân sinh sống, để truyền đạt những thông tin cơ bản nhất về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thông qua mô hình, người dân đồng bào DTTS đã nghe, hiểu về mức độ nguy hiểm của Covid-19 và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thông điệp 5K.
Các tỉnh vùng đồng bào DTTS cũng đã thành lập các “Tổ Covid Cộng đồng”, “Tổ giám sát cộng đồng phòng, chống dịch”, tổ tự quản nhằm phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận, tổ dân phố, các chi hội đoàn thể, các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào DTTS trong việc giám sát và vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại từng khu dân cư.
Tiêu biểu tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có 42% dân số là người DTTS. MTTQ huyện đã phối hợp kiện toàn, thành lập 113 tổ phòng, chống dịch Covid- 19 trong đó có 10 tổ kiểm tra, giám sát của huyện, xã, thị trấn; 103 tổ Covid cộng đồng với hơn 1.000 thành viên, mỗi tổ Covid cộng đồng phụ trách từ 30 - 50 hộ.
Các tổ Covid cộng đồng chủ động bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh trong thực hiện, giám sát, quản lý phòng, chống dịch.
Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các tổ Covid cộng đồng huyện Tam Đảo đã phát huy vai trò nòng cốt tuyên truyền giúp bà còn vùng đồng bào DTTS nâng cao nhận thức phòng, chống dịch. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền sớm đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Hệ thống Mặt trận các cấp tổ chức đã chú trọng vận động nhân dân dọc các tuyến biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng, công an, cùng các lực lượng khác giám sát, kiểm tra, tham gia tuần tra bảo vệ, quản lý biên giới; bảo vệ “vùng xanh” ở nông thôn miền núi, góp phần phòng chống dịch bệnh tại địa phương; phát hiện, phản ánh các hiện tượng bất thường ở cơ sở đến các lực lượng chức năng, để ngăn chặn kịp thời các sự việc làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở nơi cư trú, nhất là việc xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới làm lây lan dịch bệnh; phát hiện đề xuất việc biểu dương, khen thưởng đột xuất hoặc định kỳ những tổ chức (thôn, làng, tổ dân phố; xã, phường, thị trấn) và cá nhân vùng đồng bào DTTS tích cực tham gia phòng chống Covid-19.
Bên cạnh việc tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, nhiều tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho đồng bào DTTS. Tại tỉnh Cao Bằng, từ ngày 20/7 đến ngày 30/7/2021, UBND, MTTQ xã Thị Hoa (huyện Hạ Lang) đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho bà con dân tộc Tày, Nùng sinh sống tại khu vực biên giới của xã.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine Covid-19 mũi 2 cho người dân trên địa bàn huyện, nhất là các huyện vùng đồng bào DTTS. Trong đó, huyện Bình Liêu, đã triển khai tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho 15.196 người dân, chủ yếu là người DTTS như Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa… đủ 18 tuổi trở lên.
Mục tiêu cao nhất trong đợt tiêm dịch lần này là tạo ra miễn dịch cộng đồng trên diện rộng, hướng tới đảm bảo sức khỏe của cộng đồng và đạt mục tiêu “kép” của địa phương.
Với tư cách là thành viên của MTTQ Việt Nam, tổ chức Đoàn, Hội cũng đã phát huy vai trò xung kích trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổ chức Đoàn các cấp đã có sáng kiến thành lập mô hình “Đoàn Thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”. Mô hình được tập trung xây dựng nhiều tại các tỉnh Nghệ An, Hà Giang, Bình Định, Đắk Lắk, An Giang, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Đoàn Thanh niên Quân đội, Công an.
Cùng với đó, nhiều cơ sở Ðoàn vùng đồng bào DTTS đã xây dựng mô hình Bản tin phòng, chống dịch Covid-19 bằng 3 thứ tiếng Kinh, Dao, Nùng đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook để tuyên truyền cho bà con phòng chống dịch. Bản tin cung cấp thông tin phong phú, kịp thời về tình hình dịch bệnh Covid-19, các biểu hiện và cách phòng chống dịch bệnh thông qua hình ảnh sinh động.
Bằng nhiều nội dung và cách làm sáng tạo, MTTQ Việt Nam các cấp vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang góp phần thiết thực cùng cả nước trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bà con các dân tộc tại địa phương.