TP Hồ Chí Minh: Bước vào cao điểm dập dịch
Từ 0h hôm nay (23/8), TP Hồ Chí Minh thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ quyết liệt trong 2 tuần, nhằm ngăn chặn bằng được tốc độ lây lan dịch bệnh đã và đang diễn biến hết sức phức tạp. Những “pháo đài chống dịch” được hình thành và mỗi một người dân trở thành những chiến sĩ trong cuộc chiến cam go này.
Không để người dân thiếu lương thực
Trong hai ngày cuối tuần, tại TP HCM, nhiều người dân đổ xô ra đường để mua sắm và tích trữ lương thực, thực phẩm. Các siêu thị ở quận Gò Vấp và Bình Tân, khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), người dân tràn vào mua hàng dẫn tới việc một số siêu thị đã “thất thủ” không thực hiện được quy định “5K” cũng như không đưa kịp hàng hóa lên kệ.
Đại diện siêu thị AEON Việt Nam quận Bình Tân cho biết, siêu thị này trong hai ngày cuối tuần đã tăng đột biến gấp 3 lần so với các ngày trước đó. Khách hàng chủ yếu mua thực phẩm tươi sống, rau củ quả cùng nhiều mặt hàng lương thực khô như mì, miến, bún… Tại một số hệ thống Mega Market (TP Thủ Đức) và chuỗi cung ứng Co.opFood cũng phản ánh “cháy hàng” nhóm thực phẩm đông lạnh, sữa… và hàng thiết yếu do nhu cầu của người dân tăng mạnh trước thời điểm 23/8.
Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM Phạm Đức Hải cho biết, tình trạng này xảy ra đã gây mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, tăng nguy cơ lây lan mạnh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh.
“Thành phố trân trọng đề nghị người dân bình tĩnh, cảnh giác, thực hiện phòng, chống dịch theo phương châm 5K + Vaccine + Thuốc. Cùng nhau “thắt lưng buộc bụng” trong 14 ngày, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, cùng chung tay, đoàn kết, chúng ta sẽ vượt qua dịch bệnh” - ông Hải đề nghị, đồng thời cho biết thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp để người dân không thiếu lương thực từ thời điểm ngày 23/8.
Theo đó, TP HCM sẽ chia các địa phương làm 2 nhóm, bao gồm nhóm 1 gồm “vùng xanh”, “vùng vàng” và nhóm 2 là “vùng cam”, “vùng đỏ”. Tại nhóm 1 người dân có điều kiện, chưa cần sự hỗ trợ được tự được đi chợ 1 lần/tuần. Phần còn lại, người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ. Các gói này sẽ do Tổ công tác đặc biệt phân phát tới tận nhà dân với thời gian 1 lần/tuần.
Tại nhóm 2, thành phố cũng chia ra 2 đối tượng. Cụ thể, người dân có điều kiện, chưa cần giúp đỡ sẽ được Tổ công tác đặc biệt đi chợ giúp với thời gian 1 tuần/lần. Trong khi đó, người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ như tại “vùng xanh”, “vùng vàng”.
Nỗ lực điều trị F0 tại nhà, giảm tỷ lệ nặng và tử vong
Để hạn chế bệnh nhân chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong, ngành y tế TP HCM đẩy mạnh hoạt động chăm sóc F0 tại nhà. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh TP HCM (HCDC) cho hay, chủ trương chính của việc lập gần 400 trạm y tế lưu động sẽ tạo tâm lý thoái mái cho các F0, kéo giảm số ca Covid-19 tử vong và giảm sự quá tải cho các bệnh viện. Ngoài ra, thành phố sẽ kịp thời xử trí khi bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng. Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cũng khẳng định, việc thành lập các trạm y tế lưu động nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong.
Chủ động ứng phó với số ca bệnh tăng cao, TP HCM cũng đã khẩn trương thành lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà trên tất cả các phường, xã, thị trấn. Mỗi tổ phản ứng nhanh gồm bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế và tình nguyện viên là công an, đoàn thanh niên... Phương tiện vận chuyển cho nhân viên của trạm y tế lưu động khi khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho F0 là xe máy, taxi. Điểm đặc biệt của trạm y tế lưu động là cung cấp Túi chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà với thuốc hạ sốt, vitamin, thuốc kháng viêm, thuốc kháng đông... Các nhân viên y tế của trạm hướng dẫn và theo dõi sát việc sử dụng thuốc điều trị của F0.
Tăng cường xét nghiệm truy tìm F0 trong cộng đồng
Ngoài việc nỗ lực phát triển mạng lưới chăm sóc và điều trị cho F0 tại nhà, TP HCM sẽ đẩy mạnh công tác xét nghiệm tầm soát. HCDC cho biết, thành phố phân loại các tổ dân phố, tổ nhân dân thành 4 nhóm: xanh, vàng, cam, đỏ và được tổ chức xét nghiệm theo quy định của UBND TP HCM. Việc làm này nhằm giải phòng vùng sạch, đánh giá vùng nguy cơ, duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng. F0 tại khu cách ly tập trung được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR lần 1 trong vòng 24 giờ khi được tiếp nhận và vào ngày thứ 7. F0, F1 tại khu cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà được lấy mẫu vào ngày 1 và ngày thứ 14 bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, tại “vùng xanh” và vùng “gần xanh”, người dân sẽ được xét nghiệm 2 lần, cách nhau 7 ngày. Riêng tại các “vùng vàng” sẽ thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5), đại diện hộ gia đình. Đối với các khu phong tỏa, sẽ tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 theo hộ gia đình. Nơi ngoài khu vực khu phong tỏa thì thực hiện xét nghiệm đối với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Tùy vào điều kiện thực tiễn, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm theo mẫu gộp hộ gia đình.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM thông tin thêm, thành phố sẵn sàng 1 triệu test nhanh/tuần và đảm bảo lấy mẫu 200.000 người/ngày. Thành phố cũng đưa 10 xe xét nghiệm lưu động đến các quận, huyện xa trung tâm
Liên quan đến việc đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, ngày 22/8, Trung tâm Điều phối xét nghiệm thành phố bổ sung vào kế hoạch xét nghiệm một số đối tượng sau: nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (lái xe, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu (7 ngày/lần).
Từ 0h ngày 23/8, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) đã yêu cầu các doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” không được để người lao động di chuyển khỏi nơi sản xuất. HEPZA cũng thông báo không tiếp nhận đăng ký mới đối với doanh nghiệp muốn sản xuất theo 2 mô hình trên. Ngoài ra, doanh nghiệp không thay đổi, bổ sung hoặc giảm lao động đang vừa cách ly, vừa sản xuất, trừ trường hợp cấp cứu phải ra khỏi nơi sản xuất. Song song đó, các doanh nghiệp tiếp tục tuân thủ nghiêm túc thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần; tiếp tục chăm lo cho người lao động đang thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất.