Vaccine sản xuất theo công nghệ ADN: Bước tiến mới trong cuộc chiến chống Covid-19
Mới đây, Cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã phê duyệt vaccine sản xuất theo công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới, để ngừa Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp. Đây là tin vui trong lúc cuộc chiến chống Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt trước sự tấn công của biến thể Delta đe dọa tính hiệu quả của những loại vaccine đang được sử dụng.
Theo một nghiên cứu được trích dẫn bởi nhà sản xuất vaccine Cadila Healthcare, vaccine Covid-19 ZyCoV-D tiêm 3 liều đã ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở mức 66% số người được tiêm chủng. Công ty có kế hoạch sản xuất tới 120 triệu liều vaccine này mỗi năm.
Đương đầu với những biến thể virus mới
Được biết, các vaccine sản xuất theo công nghệ ADN trước đây đã hoạt động tốt ở động vật nhưng không phải ở người. Cadila Healthcare cho biết họ đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng lớn nhất đối với loại vaccine này ở Ấn Độ cho đến nay, với sự tham gia của 28.000 tình nguyện viên tại hơn 50 trung tâm. Đây cũng là lần đầu tiên, Công ty tuyên bố, vaccine Covid-19 đã được thử nghiệm ở những người trẻ tuổi ở Ấn Độ, thuộc nhóm 12-18 tuổi với kết quả được ghi nhận là “an toàn và được dung nạp rất tốt”. Đặc biệt, nó còn được coi là hiệu quả chống lại các chủng đột biến, đặc biệt là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Giáo sư Shahid Jameel - một nhà virus học nổi tiếng nói: “Tôi khá hào hứng với vaccine này vì nó mang lại nhiều tiềm năng tốt”. Ông Shahid còn cho biết, đây là thành công lớn trong nỗ lực tìm kiếm những loại vaccine đủ mạnh, có thể đương đầu với những biến thể mới của virus. “Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, vaccine thường đi sau, tạo ra một cuộc rượt đuổi không mong muốn. Lần này, với ZyCoV-D, chúng ta có thể coi đó là sự mở đường để có thể vượt lên trước virus”.
Nghiên cứu của Cadila Healthcare bắt đầu từ nhận thức ADN và RNA là các đoạn gene chứa vật chất di truyền, đơn vị cơ bản tạo nên sự sống của tế bào. Chúng là các phân tử mang thông tin di truyền được truyền từ cha mẹ sang con cái. Tương tự như các loại vaccine khác, vaccine được sản xuất theo công nghệ ADN khi sử dụng sẽ “dạy” cho hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại virus thực sự nếu chúng xâm nhập.
Trong quá khứ, vaccine theo công nghệ ADN được phát triển để điều trị các bệnh truyền nhiễm ở người nhưng đã thất bại. Tiến sĩ Jeremy Kamil (Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Bang Louisiana, Mỹ) cho biết: “Các loại vaccine ADN đã được thử nghiệm trước đây, nhưng thật khó để đưa nó vào nhân tế bào người, đặc biệt là ở người lớn. ZyCoV-D đã vượt qua điều đó, thành công ban đầu là rất thuyết phục. Tuy nhiên, hạn chế của nó là yêu cầu 3 liều, thay vì 2 liều như các loại vaccine khác”.
Những bài học đắt giá
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 với biến thể Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đã phải chịu đựng những hậu quả nặng nề. Trong suốt thời gian từ tháng 3 đến tháng 7, Ấn Độ trở thành tâm dịch của thế giới, với số ca nhiễm kỷ lục, cùng đó là rất nhiều người thiệt mạng.
Tuy nhiên, tới nay, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết số ca dương tính ghi nhận tại nước này đã giảm xuống còn 369.846 ca, mức thấp nhất trong 146 ngày, chiếm 1,15% tổng số ca nhiễm của Ấn Độ, thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Đáng chú ý, tỷ lệ phục hồi của các bệnh nhân Covid-19 tại Ấn Độ là 97,51%.
Vì thế, chính quyền Trung ương Ấn Độ đã cho phép các chính quyền địa phương như bang Kerala tự quyết định về việc phong tỏa hay mở cửa trở lại, tùy diễn biến dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nguy cơ bùng phát các điểm nóng dịch bệnh mới, kể cả khi số ca mắc giảm.
Theo trang mạng của kênh truyền hình New Delhi TV, một năm rưỡi qua đã dạy cho Ấn Độ nhiều bài học, và rồi họ nhận ra rằng vô cùng quan trọng để thể chống lại Covid-19 hiện tại và cả những biến thể mới trong tương lai chính là khẩu trang, duy trì giãn cách, ngăn chặn những đám đông hình thành các sự kiện siêu lây nhiễm. “Hành vi đúng đắn của mỗi cá nhân là loại vaccine bền vững nhất” - Giáo sư Shahid Jameel nói và thêm rằng khi xuất hiện làn sóng của đại dịch nếu đã nhận ra việc phong tỏa là không thể khác thì không được chần chừ.
Một nghiên cứu của Bộ Thống kê Ấn Độ chỉ ra rằng các lệnh phong tỏa tại Ấn Độ đã giúp giảm khoảng 78.000 ca tử vong và giảm khoảng 2,3 triệu người nhiễm Covid-19.
Có thể hiểu thế nào về vaccine?
Vaccine là chế phẩm có chứa kháng nguyên (có thể là các virus rút hoặc vi khuẩn sống, giảm độc lực, hay bị bất hoạt, đã chết) dùng để kích thích cơ thể tạo miễn dịch chủ động, nhằm chống lại tác nhân gây bệnh. Vaccine kích thích cơ thể tạo nên miễn dịch “bắt chước” giống như nhiễm trùng tự nhiên. Nhưng vaccine có chứa tác nhân gây bệnh đã được làm yếu đi hoặc đã bị bất hoạt, nên nó không thể gây bệnh.
Khi vaccine được đưa vào cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện nó như là “vật lạ”, kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể trung hòa tác nhân gây bệnh, giống như nhiễm trùng tự nhiên. Quá trình tạo kháng thể thường mất khoảng vài tuần. Sau khi quá trình nhiễm trùng “bắt chước” này kết thúc, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào lympho có trí nhớ miễn dịch, sẵn sàng đáp ứng nhanh khi gặp lại các tác nhân gây bệnh trong những lần sau, giúp cho cơ thể chủ động sẵn sàng chống lại tác nhân gây bệnh khi bị phơi nhiễm.
Chính vì thế, vaccine chính là vũ khí cực kỳ quan trọng trong bất cứ cuộc chiến chống dịch bệnh nào do virus hoặc vi khuẩn gây ra.
6 vaccine Covdi-19 đã được WHO phê duyệt gồm sản phẩm của Mỹ, Anh sử dụng công nghệ mới như mRNA hoặc vector virus; của Trung Quốc với phương pháp virus bất hoạt truyền thống. Cụ thể đó là vaccine Pfizer (ngày 1/1/2021), vaccine AstraZeneca (ngày 15/2/2021), vaccine Johnson & Johnson (ngày 12/3/2021), vaccine Moderna (ngày 30/4/2021), vaccine SinoPharm (ngày 7/5/2021), vaccine SinoVac (ngày 1/6).