Nam Định: Hơn 1.800 thôn xóm, tổ dân phố thuộc diện phải sáp nhập

Duy Hưng 24/08/2021 17:24

Ngoài hơn 1.800 thôn xóm, tổ dân phố thuộc diện phải sáp nhập tỉnh Nam Định còn có gần 300 thôn (xóm), tổ dân phố thuộc diện khuyến khích sáp nhập…

Ngày 24/8, UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2022.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc chỉ đạo tại hội nghị.

Thông tin tại hội nghị cho biết, hiện toàn tỉnh có 3.674 thôn (xóm), tổ dân phố. Qua khảo sát sơ bộ có trên 1.800 thôn (xóm), tổ dân phố thuộc diện sắp xếp, sáp nhập do có quy mô số hộ dưới 50% theo tiêu chí; gần 300 thôn xóm, tổ dân phố thuộc diện khuyến khích sắp xếp, sáp nhập (có quy mô số hộ đạt trên 50% theo tiêu chí), chiếm gần 60% thôn xóm, tổ dân phố của cả tỉnh; nhiều nhất là ở TP Nam Định, các huyện Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh việc sắp sếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố của tỉnh được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ ngày 13/8/2021.

Hội nghị nhìn nhận việc sắp xếp, sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố hướng đến mục đích đảm bảo quy mô số hộ, tinh gọn bộ máy và nhiều mục đích khác.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố hướng đến mục đích đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định và tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ ở cơ sở; đồng thời tạo thuận lợi để các thôn xóm, tổ dân phố củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa.

Nhìn nhân đây là nhiệm vụ lớn, thời gian triển khai không nhiều, có phạm vi rộng liên quan đến hầu hết các xã, phường, thị trấn, tác động đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở và nhiều người dân, ông Phạm Đình Nghị chỉ đạo hệ thống chính trị của tỉnh phải vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo sau hội nghị, các huyện, thành phố tổ chức hội nghị cấp huyện và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các thôn, xóm, tổ dân phố tổ chức hội nghị phổ biến kế hoạch sắp xếp, sáp nhập đến người dân, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân, tạo sự đồng thuận.

Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu từ ngày 1/1/2022 các thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh sẽ đi vào hoạt động sau sắp sếp, sáp nhập.

Việc sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố cũng được nhìn nhận có tác động đếnđội ngũ cán bộ ở cơ sở và nhiều người dân.

Theo Quy chế tổ chức, hoạt động và phân loại thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn, do UBND tỉnh Nam Định ban hành năm 2020, tiêu chí phân loại thôn, tổ dân phố là số hộ gia đình đăng ký thường trú và tạm trú thường xuyên thuộc địa bàn thôn, tổ dân phố. Thôn, tổ dân phố được phân làm 2 loại, theo quy mô số hộ gia đình. Trong đó, thôn có từ 300 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình trở lên là loại 1; thôn có dưới 300 hộ gia đình và tổ dân phố có dưới 350 hộ gia đình là loại 2.

Duy Hưng