Đại tướng Võ Nguyên Giáp với xây dựng lực lượng dân quân tự vệ
LTS: Trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tên tuổi lớn. Nhân Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Đại tá, Ths Đỗ Mạnh Cường, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam về vị tướng này, với hy vọng thêm thông tin để bạn đọc hiểu hơn về những đóng góp của vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.
Đại tướng cho rằng, dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang của quần chúng, cùng với bộ đội địa phương là công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân ở cơ sở, là lực lượng chủ yếu để tiến hành chiến tranh du kích, nhằm tiêu diệt giặc ngoài, trấn áp thù trong, bảo vệ hậu phương rộng lớn. Đồng thời, dân quân tự vệ là lực lượng hậu bị hùng hậu, lực lượng chiến đấu phối hợp đắc lực và là nguồn bổ sung không bao giờ cạn cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương1.
Ngay từ những ngày mới thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Xung quanh Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có các đơn vị vũ trang ở các huyện, các đội dân quân tự vệ ở các xã làm chỗ dựa cho Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thực thi nhiệm vụ của mình. Ba thứ quân đó gắn bó với nhau trong mọi hoạt động, khi tác chiến thì phối hợp chặt chẽ với nhau”2.
Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Pháp đã chứng minh, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Đội giải phóng quân, những đơn vị du kích và tự vệ chiến đấu trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã nhanh chóng được củng cố, phát triển mạnh mẽ. Lực lượng dân quân tự vệ, “từ khoảng chục vạn người trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã tăng lên khoảng 1 triệu người đầu năm 1946, có quy mô rộng khắp cả nước, tạo thành một mạng lưới giăng khắp núi rừng, đồng bằng, đô thị”3, làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện cuộc chiến tranh du kích chống thực dân Pháp xâm lược.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên coi trọng và đề cao chất lượng tổ chức, tư tưởng, trình độ kỹ, chiến thuật, chiến đấu của dân quân tự vệ, nhằm đẩy mạnh chiến tranh du kích ở sau lưng địch, biến hậu phương địch thành tiền tuyến của ta. Đại tướng ra huấn lệnh cho các Ủy ban kháng chiến cần chú trọng tới vấn đề dân quân du kích; mỗi một châu, phủ, huyện cần tổ chức một đại đội du kích thoát ly sản xuất, đồng thời phải chú trọng đến du kích không thoát ly sản xuất; “về tổ chức, phải trọng chất hơn lượng. Trong mỗi một phủ, huyện, châu phải chọn lọc đội viên khá, cán bộ khá, tập trung vũ khí một phần để tổ chức ra một đội du kích tương đối gương mẫu, ít thì tổ chức một trung đội, nhiều thì tổ chức một đại đội, nhưng trong đại đội cũng phải có một trung đội khá hơn. Tuyệt đối tránh lối tổ chức chia đều vũ khí”4.
Cùng với chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức, Đại tướng yêu cầu các đội dân quân tự vệ, du kích, tập trung nâng cao trình độ đánh quấy rối, tiêu hao địch ven làng và trên các trục giao thông, cả đường bộ và đường sông, đánh địch bằng chông, mìn, cạm bẫy, phá hoại đường sá, kho tàng, phương tiện quân sự, cắt điện tín, điện thoại của địch, làm giảm sức tiến công của chúng, tạo điều kiện cho bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực hoạt động. Đại tướng chỉ rõ: “Đã là du kích thì phải đánh du kích mới có thể mạnh lên được”; muốn thế phải tích cực trừ gian, phòng gian, tìm cách tiêu diệt một vài tên địch, cướp được một khẩu súng, một viên đạn... đều là những việc cần được khuyến khích 5.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng dân quân tự vệ và dân quân du kích được tổ chức rộng khắp các địa phương cả nước. Ở vùng tự do, họ làm nhiệm vụ canh gác, phòng gian, chống gián điệp, giữ gìn trật tự an ninh, đồng thời là lực lượng xung kích trong sản xuất, xây dựng hậu phương, phục vụ tiền tuyến, là công cụ đắc lực của Đảng và chính quyền địa phương ở cơ sở. Ở vùng sau lưng địch, dân quân tự vệ, du kích ngày đêm chống giặc, giữ làng, góp phần phá tan các cuộc càn quét của địch, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; đồng thời họ luôn chủ động đánh địch khắp nơi, làm rối loạn hậu phương của địch. Vì vậy, theo Đại tướng, để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, vấn đề mấu chốt là “phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của đảng ủy các cấp, các ngành đối với dân quân tự vệ, đi đôi với kiện toàn cơ quan quân sự địa phương”6. Có như vậy, mới kết hợp được công tác của các địa phương, các ngành với xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, bảo đảm cho lực lượng dân quân tự vệ làm tròn nhiệm vụ của một lực lượng vũ trang không thoát ly sản xuất.
Nhìn lại sự phát triển của lực lượng dân quân tự vệ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), chúng ta thấy rõ công lao to lớn, những đóng góp tuyệt vời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, vai trò chiến lược của lực lượng dân quân tự vệ vẫn vẹn nguyên giá trị, cần vận dụng sáng tạo, phù hợp để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ngày càng vững mạnh, rộng khắp, vững chắc, thực sự là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở.
1. Võ Nguyên Giáp: Dân quân tự vệ, một lực lượng chiến lược, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1974, tr. 5.
2. Nguyễn Văn Sự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 379.
3. Cục Dân quân tự vệ: Lịch sử 65 năm ngành dân quân tự vệ Việt Nam (1947-2012), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr. 19.
4,5. Võ Nguyên Giáp: Dân quân tự vệ, một lực lượng chiến lược, Sđd, tr. 21, 22.
6. Võ Nguyên Giáp: Dân quân tự vệ, một lực lượng chiến lược, Sđd, tr.103.