Tâm sự của những F0 là bác sĩ, phóng viên

THANH GIANG 25/08/2021 08:30

Bệnh viện điều trị quá tải, giải pháp cho F0 nhẹ, không triệu chứng cách ly tại nhà trở thành phương án tối ưu nhất trong lúc này. Thực tế có nhiều trường hợp F0 cách ly tại nhà và điều trị hiệu quả, rất nhiều gia đình đã thoát khỏi cửa tử trong gang tấc.

Bác sĩ Tôn Nữ Thụy My tham gia chống dịch.

Bác sĩ trở thành bệnh nhân và thân nhân của F0

Bác sĩ Tôn Nữ Thụy My (làm việc tại Kinder Health) và các con là F1 đã cùng chồng F0 (chồng cũng là bác sĩ) đã chiến thắng Covid-19.

“Một khi đã chọn dấn thân với nghề, chúng tôi sẵn sàng đón nhận cái nghiệp sẽ đến. Nhưng không nghĩ rằng lại đến sớm như vậy. Cách đây hơn 2 tháng, nghe Covid-19 còn ở đâu xa xôi dữ lắm nhưng vừa rồi nó đến ngay trước mặt, kế bên mình. Covid-19 đến sớm khi bản thân mình F1, đang chăm sóc cho chồng F0. Covid-19 đến sớm đến mức khi cuộc chiến chỉ mới thật sự bắt đầu”, bác sĩ Thụy My tâm sự.

Nhiệt huyết với nghề nghiệp, bác sĩ Thụy My cho biết: “Chúng tôi còn muốn cống hiến nhiều hơn nữa để cùng đồng bào vượt qua đại dịch. Thế mà thời gian qua lại để đồng đội của mình ngoài kia, để tự nhốt mình tại phòng cách ly, cơm bưng nước rót hàng ngày. Thứ 7 vừa qua cả nhà đã test PCR lại và âm tính trong niềm hân hoan của tất cả mọi người vì bảo toàn lực lượng”.

Theo bác sĩ Thụy My, chồng của cô nhiễm Covid-19. Khi một bác sĩ trở thành bệnh nhân và bác sĩ trở thành thân nhân bệnh nhân để chăm sóc, điều trị chính người thân yêu của mình bị nhiễm Covid-19 tại nhà mới cảm nhận được nỗi đau cũng như sự lo lắng của những người bệnh đang tự chiến đấu tại nhà. Trong hơn 14 ngày đồng hành cùng chồng và hơn 1,5 tháng đồng hành cùng các gia đình trong chương trình “Đồng hành F0, F1 điều trị cách ly tại nhà miễn phí” mới thấy cái bị tiêu hao nhiều nhất chính là tâm lý người bệnh và tâm lý gia đình.

Tuy nhiên theo thống kê, hơn 80% người nhiễm Covid-19 triệu chứng nhẹ có thể điều trị, chăm sóc và theo dõi tại nhà. Việc quá lo lắng, nhập viện điều trị không cần thiết gây quá tải y tế, bỏ sót các trường hợp khác nặng cần cấp cứu.

Theo bác sĩ Thụy My, SARS-CoV 2 gây thiếu oxy thầm lặng và đông máu, từ đó gây biến chứng nặng. Người bị thiếu oxy thầm lặng ở giai đoạn đầu thường không thấy khó thở nên khó phát hiện, mà chỉ biểu hiện thở nhanh (bản thân người bệnh không nhận biết được) hoặc giảm oxy máu sớm dưới 94%. Người bệnh cần phát hiện sớm giai đoạn chuyển nặng và điều trị bằng Steroid. Thuốc chống đông sẽ giảm nguy cơ bệnh nhân phải thở máy và tiến triển nặng. Từ đó làm giảm tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, chăm sóc triệu chứng, tư vấn tâm lý và dinh dưỡng cũng giúp bệnh nhân mau chóng bình phục.

Cả gia đình F0 cùng cách ly tại nhà

Không riêng những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch rồi trở thành F0 lúc nào không hay, thời gian qua có nhiều phóng viên lăn xả, lo lấy thông tin dịch bệnh, chạy bài vở rồi phát hiện ra mình thành F0. Ông Phan Thanh Long - phóng viên báo Công an TP HCM cho biết, mọi ngày vẫn miệt mài với thông tin tuyên truyền cho phòng chống dịch. Bỗng một ngày nhận tin dương tính với Covid-19 khi chuẩn bị tiêm mũi vaccine lần thứ 2.

Gia đình ông Phan Thanh Long vui khỏe sau khi tự điều trị Covid-19 tại nhà.

“Nhận được kết quả nhiễm nCoV thấy băn khoăn vì không rõ nguồn lây từ đâu. Tuy nhiên, tôi sớm lấy lại bình tĩnh vì nghĩ lo lắng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Phần việc phải làm tiếp theo là xét nghiệm nCoV cho vợ và 2 con nhỏ dưới 6 tuổi”. Thực hiện xét nghiệm cho 3 người còn lại trong nhà, không may mắn cả 3 đều dương tính với Covid-19.

“Không gọi điện cho người thân thông báo tình hình vì làm vậy sẽ rất mất sức, thậm chí là rối tung, rối mù lên. Tôi và vợ cần có sức khỏe để tự chăm sóc, điều trị Covid-19 cho bản thân cùng 2 con nhỏ”, ông Long nói.

Sau khi trấn tĩnh, động viên vợ, ông Long quyết định cả gia đình sẽ tự cách ly, theo dõi, điều trị Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, để việc cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà hiệu quả hơn, ông Long đã tìm đến bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn hàng ngày. Tất cả mọi sinh hoạt, điều trị của gia đình điều làm theo những gì bác sĩ yêu cầu. Như vậy là sau 12 ngày điều trị Covid-19 cùng vợ và 2 con nhỏ cuối cùng cả nhà ông Phan Thanh Long đều nhận tin vui với kết quả xét nghiệm âm tính.

Ông Long cho hay: “Khi biết bị Covid-19 cần bình tĩnh. Lo lắng quá chưa chết vì bệnh thì chết vì sợ hãi. Cứ xem như mình bị cảm lạnh. Nếu triệu chứng nhẹ thì F0 nên ở nhà để được chăm sóc tốt nhất”.

Ông Long chia sẻ cách tự điều trị Covid-19, với các bệnh nhân bị nhiễm covid 19 đang điều trị tại nhà, bị tụt oxy trong máu, tức SP02 bị tụt dưới 94% hoặc bị huyết khối làm đông máu, tắc mạch máu là hai kẻ thù đáng sợ nhất. Theo đó, những ngày đầu mới bị nhiễm covid 19, cơ thể sẽ bị mệt mỏi, đau nhừ người. Sau đó bị sốt rồi đau họng, ho và mất vị giác, khứu giác. Nhiều người sẽ bị tiêu chảy và choáng váng mặt mày, người lâng lâng như thể đi trên mây.

Theo ông Long, từ ngày thứ 5 đến thứ 8 là thời gian dễ bị chuyển nặng nhất nên phải giám sát thật chặt chẽ. Khi SP02 bị tụt dưới 94% thì phải dùng kháng đông Raxelto (Rivaroxaban 20 mg) và 12 viên Dexamethasone 0,5 mg (6 mg) vào mỗi buổi sáng, uống sau ăn.

“Nhờ có tìm hiểu sâu thông tin Covid-19 nên tôi không quá lúng túng. Hy vọng dịch bệnh mau hết, mọi người đều vui khỏe và bình an”, ông Long mong mỏi.

THANH GIANG