Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch: Hạn chế nguy cơ bị hủy hợp đồng

Minh Phương 25/08/2021 06:30

Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang bộc lộ nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đối diện với nguy cơ bị hủy hợp đồng, giá trị xuất khẩu không cao, đối tác đột ngột đóng cửa... Bởi vậy, đẩy nhanh, đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường chính ngạch là giải pháp cần thiết để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, rủi ro.   

Ùn tắc nông sản lại tái diễn

Mỗi năm xuất khẩu khoảng 3000 tấn nông sản, trái cây sang Trung Quốc, nhưng bà Nguyễn Thị Tươi (Đồng Đăng, Lạng Sơn) cho biết, hầu như năm nào bà cũng thiệt hại vài xe hàng do quá trình chở hàng, hoa quả bị dập nát, hỏng, thối (mỗi xe mất đứt gần 20 triệu đồng). Thế nhưng bao nhiêu năm nay, bà Tươi vẫn giao dịch với bạn hàng thông qua đường tiểu ngạch.

“Nhanh chóng, thuận lợi nhưng rủi ro cao, vì chủ yếu là hợp đồng miệng nên phía bên kia có ép giá thế nào, thậm chí là trả lại hàng, không lấy cũng phải chịu” – bà Tươi nói. Biết rõ nhiều rủi ro, nguy cơ hủy hợp đồng... song bà Tươi cũng như nhiều thương nhân, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản lâu nay vẫn “bám chắc” con đường xuất khẩu tiểu ngạch.

Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thời điểm này, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lượng xe chở nông sản tồn đọng ở cửa khẩu rất lớn. Điều này gây ra nhiều thiệt hại cho các DN Việt do phải tăng chi phí trong thời gian đợi thông quan. Bà Đặng Thị Thanh - một DN chuyên làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi sang Trung Quốc cho biết, những ngày gần đây, DN đưa hàng qua biên giới gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Thanh cho biết: “Hiện lái xe Việt phải đưa hàng sang gần bãi của phía Trung Quốc, giao phương tiện và hàng hóa cho lái xe phía Trung Quốc vận chuyển vào bãi. Chi phí thuê vận chuyển giao động từ 1000- 1.300 tệ (tương đương 3,5 triệu - 4,5 triệu VNĐ). Đó là chi phí đối với các xe hàng thuận lợi khi sang tới nơi được DN bên kia sang tải bốc xếp ngay, với các xe chưa được bốc hàng ngay thì phải chạy lạnh để giữ cho nông sản tươi, chờ hôm sau bốc xếp, khi đó chi phí đội thêm lên thêm 200 tệ/đêm (khoảng trên 700 nghìn VNĐ).

“Chi phí này được các DN thỏa thuận miệng với nhau, nên khi xảy ra các rủi ro về hỏng hàng, va quệt xe… DN Việt Nam phải chịu và nhiều khi cũng không biết lái xe Trung Quốc đưa hàng của mình đi đâu” - bà Thanh nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho công tác thông quan hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam và Hữu Nghị gặp nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa, nhất là hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu được thuận lợi, đơn vị yêu cầu các chi cục hải quan cửa khẩu phân chia khung giờ cho từng loại hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là hàng xuất. Đồng thời, thường xuyên trao đổi với DN, chủ hàng nắm tình hình để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, thương nhân kinh doanh xuất khẩu mặt hàng nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Chuyển mạnh sang chính ngạch

Thực tế cho thấy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhưng nhiều năm qua hoạt động giao thương chủ yếu diễn ra bằng loại hình giao dịch tự do, mua bán trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác của Việt Nam và Trung Quốc (trao đổi qua đường tiểu ngạch), chỉ có một số ít DN, tư thương ký kết hợp đồng ngoại thương.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, chính hình thức giao thương qua đường tiểu ngạch (chủ yếu bằng cam kết miệng) đã dẫn đến nhiều rủi ro, tiềm ẩn thiệt hại cho DN, tư thương trong quá trình xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới, đặc biệt là đối với người bán như: rủi ro trong thanh toán, chậm giao nhận hàng, bị ép giá sản phẩm; bị trừ tiền, trả lại hàng do chất lượng không đảm bảo...

Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch để hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là điều mà các ngành chức năng của cả Việt và Trung Quốc đều hướng các DN xuất- nhập khẩu thực hiện. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh mới đây đã có văn bản yêu cầu các DN xuất khẩu cần sớm thực hiện chuyển nhanh, chuyển mạnh từ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các DN, hiệp hội đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch để thuận lợi cho việc thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía Bắc.

Theo Bộ Công Thương, thực tế, hàng hóa xuất khẩu chính ngạch có khả năng thông quan thuận lợi hơn so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên. Trường hợp vì lý do khách quan nên chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, đề nghị chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng về địa chỉ tiêu thụ...

Việc chuyển sang xuất khẩu chính ngạch đối với các DN là cần thiết, song theo giới chuyên gia, nông sản của Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn được sản xuất một cách nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn quốc tế về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên rất khó đáp ứng các yêu cầu trong các hợp đồng lớn với đối tác nước ngoài. Bởi vậy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, trước hết phải đồng bộ ngay từ khâu sản xuất.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Hướng sang chính ngạch để giảm thiểu rủi ro

Chuyển sang xuất khẩu chính ngạch là vấn đề không phải bây giờ chúng ta mới bàn. Hàng chục năm nay nhiều ý kiến đã đề xuất vấn đề này khi mà, việc chúng ta xuất khẩu qua qua đường tiểu ngạch thường bị động, phía bạn hàng bất ngờ đóng cửa mặt hàng này, không thanh toán mặt hàng kia... gây nhiều rủi ro cho DN Việt. Tuy nhiên, chuyển sang chính ngạch đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Trước hết hàng chính ngạch phải đảm bảo phẩm cấp chất lượng theo quy định của cả phía Việt Nam và đối tác, như vậy hàng phải đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc... Trong khi nông sản của chúng ta phần lớn vẫn sản xuất nhỏ lẻ khó đáp ứng được các yêu cầu, quy định nói trên. Một vấn đề khó hơn để xuất khẩu chính ngạch là phải ký kết được các hợp đồng chắc chắn với các đối tác, ở đây phải là những hợp đồng lớn, với tiểu thương hoặc các DN tư nhân thì việc này khá khó khăn.

Nhà quản lý khuyến cáo DN đẩy mạnh xuất khẩu sang đường chính ngạch nhằm hạn chế các rủi ro, để từ đó giúp cho DN kinh doanh ổn định, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với các tiểu thương, DN nhỏ, thuận mua vừa bán, nên họ cứ tiếp tục bán hàng bằng hình thức đó, và như vậy, họ phải chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, nếu để hướng đến phát triển bền vững, DN cần thay đổi tư duy, hướng đến xuất khẩu chính ngạch bằng cách tuân thủ các điều kiện, quy chuẩn của đối tác, điều này sẽ rất thuận lợi cho DN Việt trong xu thế hội nhập hiện nay.

Duy Phương (ghi)

Minh Phương