Paralympic Tokyo 2020: Thế vận hội lan tỏa niềm hi vọng
Tối 24/8, Paralympic Tokyo 2020 chính thức khai mạc tại Sân vận động quốc gia Tokyo (Nhật Bản). 2 tuần sau khi kết thúc Olympic 2020, thủ đô Tokyo lại sôi động với Đại hội Thể thao dành cho người khuyết tật toàn thế giới - Paralympic 2020.
Số vận động viên tham dự đông kỷ lục
Nếu Olympic được xem là nơi vinh danh mọi hoạt động thể chất, sự nỗ lực không ngừng của con người trong việc cải thiện sức khỏe, tốc độ, hình thể thì Paralympic là nơi để những người khuyết tật chứng minh cho cả thế giới thấy năng lực và hy vọng hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của mình.
Paralympic năm nay cũng sử dụng thương hiệu và biểu tượng năm 2020 giống như kỳ Olympic vừa được tổ chức. Ban tổ chức Thế vận hội dành cho người khuyết tật (IPC) cho biết, số lượng vận động viên (VĐV) tham gia tranh tài tại Paralympic năm nay đông nhất trong lịch sử giải đấu.
Ngoài 161 quốc gia và vùng lãnh thổ, Paralympic 2020 có sự góp mặt đặc biệt của đoàn VĐV tị nạn. Số VĐV đông nhất trong lịch sử là 4.403 người, số lượng VĐV nữ cũng lập kỷ lục là 1.853 người. Đoàn chủ nhà Nhật Bản có số lượng VĐV đông nhất là 254 người, với mục tiêu chinh phục được 20 Huy chương Vàng.
Paralympic Tokyo 2020 diễn ra ở thời điểm này mang theo nhiều hy vọng sự kiện thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật sẽ mãi là “nguồn cảm hứng và hy vọng” cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, đặc biệt là khi giải đấu năm nay được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Bà Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo cho biết, các VĐV, quan chức thể thao khi tới sân bay Nhật Bản sẽ phải trải qua quy trình kiểm dịch, xét nghiệm và theo dõi sức khỏe, cũng như bắt buộc phải đeo khẩu trang. Nhật Bản cân nhắc các đặc trưng riêng của Paralympic và các VĐV khuyết tật để thiết kế các biện pháp phòng dịch và hệ thống giao thông phù hợp, kể cả các biện pháp hỗ trợ khi có người dương tính. “Chúng tôi sẽ sử dụng kinh nghiệm phòng dịch ở Olympic để bảo đảm Paralympic diễn ra an toàn và an ninh” - bà Yuriko Koike nói.
Phấn đấu mang vinh quang về cho Tổ quốc
Gia nhập Làng Thế vận hội từ ngày 20/8, trong những ngày qua, các thành viên của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã bước vào tập luyện, khởi đầu hành trình chinh phục Paralympic Tokyo 2020.
Ngay trước khi Paralympic khai mạc, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020 đã cho biết: Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Paralympic lần này có 7 VĐV của ba môn. Hiện nay, tất cả các VĐV đều có sức khỏe tốt, tinh thần hết sức phấn chấn và sẵn sàng thi đấu để giành thành tích tốt nhất, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Các VĐV Việt Nam sẽ thi đấu ở 3 môn thể thao là Lê Văn Công (cử tạ, hạng 49 kg nam), Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ, hạng 55 kg nữ), Cao Ngọc Hùng (ném lao nam, hạng thương tật F57), Nguyễn Thị Hải (ném đĩa nữ và đẩy tạ nữ, hạng thương tật F57), Trịnh Thị Bích Như (bơi, hạng thương tật S6), Võ Thanh Tùng (bơi, hạng thương tật S5), Đỗ Thanh Hải (bơi, hạng thương tật SB5).
Cũng giống Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 trước đó, tại Lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020, Ban tổ chức cho phép 2 VĐV của mỗi quốc gia tham dự làm nhiệm vụ cầm lá quốc kỳ trong lễ diễu hành. 2 VĐV Châu Hoàng Tuyết Loan và Cao Ngọc Hùng là những người vinh dự cầm quốc kỳ trong phần diễu hành.
Đây là lần thứ hai, VĐV môn điền kinh Cao Ngọc Hùng từng giành Huy chương Đồng tại Paralympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016 có vinh dự này sau khi cầm cờ tại Lễ khai mạc Paralympic London 2012. Còn VĐV Châu Hoàng Tuyết Loan là một trong những người có bề dầy kinh nghiệm thi đấu Paralympic cho thể thao người khuyết tật Việt Nam qua việc dự 5 kỳ liên tiếp tới lúc này. Năm nay, nữ lực sĩ này đã ở tuổi 46.
Hôm nay (25/8), VĐV Trịnh Thị Bích Như sẽ là VĐV đầu tiên của Việt Nam xuất trận ở nội dung bơi tự do 50 m nữ S6 vào lúc 10 giờ 24 phút tại Trung tâm Thể thao dưới nước Tokyo, nếu vào chung kết sẽ thi đấu tiếp vào chiều tối cùng ngày. Chưa đầy một giờ sau đó, cũng ở địa điểm này, VĐV Võ Thanh Tùng sẽ thi đấu nội dung bơi tự do 200 m nam S5.
Ngoài nội dung trên, Bích Như còn tranh tài các nội dung khác như 200 m hỗn hợp (ngày 26/8), 100 m ếch (ngày 28/8) và 50 m bướm (ngày 30/8), trong khi Thanh Tùng tranh tài ở các nội dung 100 m tự do (ngày 26/8), 50 m bướm (27/8), 50 m ngửa (30/8) và 50 m tự do (1/9). VĐV Đỗ Thanh Hải sẽ tranh tài ở nội dung 100 m ếch nam SB5 vào ngày 28/8.
Môn cử tạ, đương kim vô địch Lê Văn Công sẽ tranh tài nội dung cử tạ hạng cân 49 kg nam vào ngày 26/8. Một ngày sau đó, đô cử Châu Hoàng Tuyết Loan sẽ tranh tài hạng cân 55 kg nữ. Ở môn điền kinh, VĐV Nguyễn Thị Hải tranh tài nội dung ném đĩa F57 nữ vào ngày 28/8 và đẩy tạ F57 nữ vào ngày 2/9, trong khi VĐV Cao Ngọc Hùng sẽ tranh tài nội dung ném lao F57 nam vào ngày 28/8.