Nghiêm với cán bộ cũng là để chống dịch
Tới nay, Bình Dương là địa phương thứ hai trong cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất, trong khi dân số của Bình Dương chỉ bằng khoảng 1/5 dân số TP HCM. Đáng chú ý, những ngày gần đây, số ca nhiễm mới tính theo ngày tại tỉnh này tương đương với TP HCM, có ngày còn cao hơn: Ngày 20/8, Bình Dương 4.223 ca; TP HCM 3.375 ca.
Như vậy Bình Dương cũng đã trở thành tâm dịch của cả nước, công tác phòng, chống dịch chưa được làm tốt, trong đó có thị xã Tân Uyên. Chính vì thế việc chấn chỉnh là rất cần thiết.
Ngày 22/8, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh và Sở Y tế đình chỉ công tác đối với Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã là ông Nguyễn Văn Đặng, do ông này “chưa thực hiện tốt nhiệm vụ”.
Kiến nghị của ông Đoàn Hồng Tươi ngay lập tức được đáp ứng. Tỉnh đã rút ông Đặng về Sở Y tế, bố trí công tác khác và điều động, bổ nhiệm ông Huỳnh Minh Chín - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên.
Nhưng, sự việc chưa thể dừng lại khi mà Tân Uyên bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác, phòng, chống dịch bệnh. Ngay ngày hôm sau, ngày 23/8, chính ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên (người mới đề nghị đình chỉ chức Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã đối với ông Đặng) đã bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương) kỷ luật khiển trách vì thiếu sâu sát, chống dịch không hiệu quả, để xảy ra những sai sót, yếu kém trong phòng, chống dịch. Cùng đó, ông Nguyễn Văn Dành, Bí thư Thị ủy cùng Ban Thường vụ Thị ủy phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong địa bàn.
Dư luận người dân thị xã Tân Uyên cho rằng, việc Tỉnh ủy Bình Dương xử lý kỷ luật như vậy là còn nhẹ và nếu tiến hành sớm thì sẽ tốt hơn nhiều, không đến nỗi để cho địa phương trở thành điểm nóng dịch bệnh, cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh lâm vào cảnh khó khăn.
Cũng cần lưu ý, ngay trong ngày 23/8, khi Tỉnh ủy Bình Dương ra quyết định kỷ luật thì cũng là ngày số ca lây nhiễm mới vẫn rất cao: Toàn tỉnh ghi nhận thêm 3.183 ca, riêng tại thị xã Tân Uyên thêm 2.061 ca. Có tới 7 phường của thị xã này được đánh giá là có ca F0 trong cộng đồng “đậm đặc” nên phải tiến hành Chỉ thị 16 tăng cường để sàng lọc F0.
Diễn biến dịch tại thị xã Tân Uyên kéo dài, ngày càng phức tạp trong khi từ 0 giờ ngày 21/6, thị xã này đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CP/TTg trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, ngày tháng trôi đi nhưng dịch bệnh không được khống chế, cho thấy công tác phòng, chống có nhiều lỗ hổng, trong đó có việc tổ chức xét nghiệm. Ở đây nổi lên vai trò của những cán bộ đứng đầu thị xã cũng như y tế cơ sở. Đó là việc thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong việc phòng, chống dịch, để dịch lây lan rất rộng trong cộng đồng.
Cùng với TP HCM, Đồng Nai, Long An... Bình Dương là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Hoạt động kinh tế tại địa phương này vốn rất nhộn nhịp. Chính vì thế, khi dịch bệnh kéo dài, phức tạp, lây lan rộng trong cộng đồng thì các hoạt động sản xuất kinh doanh lập tức gặp khó khăn, ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng không chỉ trong nước mà còn cả với thế giới khi các đơn hàng không thực hiện được theo hợp đồng. Cần nhận thức sâu sắc vấn đề này: phòng, chống dịch quyết liệt để đảm bảo an toàn cho người dân cũng là để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mà điều đó thuộc về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đứng đầu địa phương. Đã qua rồi cái thời thành tích thì thuộc về người có chức có quyền, thất bại thì đổ cho tập thể. Nếu anh không biết “nắm lấy cây gậy quyền lực”, hơn nữa lại thiếu trách nhiệm thì hậu quả sẽ đến.
Việc Chủ tịch thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) bị khiển trách; Bí thư Thị ủy cùng Ban Thường vụ Thị ủy phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn - cần được xem là bài học sâu sắc cho tất cả các địa phương trong cả nước.