Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ về lại lo sạt lở
Nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đang đổ về hạ nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gây nguy cơ xảy ra sạt lở. Các chuyên gia cảnh báo, địa phương cần nhanh chóng triển khai giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân…
Tần suất sạt lở sẽ diễn ra nhiều những tháng cuối năm
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, những tháng cuối năm 2021 nước lũ từ thượng nguồn Mê Kông đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tạo thành hàm ếch rỗng chân ăn sâu vào bờ phía bên dưới, khi đó khối đất sẽ mất mái taluy và khả năng xảy ra sạt lở, đổ ụp xuống sông là rất cao, diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp.
An Giang là tỉnh đầu tiên của hạ nguồn sông Mê Kông, chịu tác động lớn của dòng chảy lũ thượng nguồn đổ về, đây là lý do An Giang luôn là địa phương có tần xuất sạt lở nhiều hơn các địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Năm 2002, An Giang chỉ có 25 đoạn cảnh báo sạt lở thì đến năm 2020 tăng lên 53 đoạn nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài hơn 171/400km đường bờ, gây ảnh hưởng hơn 20.000 hộ dân, trong đó hơn 5.380 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 27 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 1.568 m, ước tính thiệt hại 13,2 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ sông.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Tô Hoàng Môn khẳng định: “Nguy cơ sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao và có chiều hướng phức tạp trong thời gian sắp tới”.
Ông Võ Minh Tâm (67 tuổi) ngụ tại ấp Long Định, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, An Giang vẫn còn bàng hoàng khi kể lại vụ sạt lở khiến một phần mái nhà bên hông bị sụt lún xuống sông và một phần căn nhà hiện đang ở có nguy cơ bị sạt lở. “Trước đó vài ngày thấy nền nhà nứt 1 đường chạy dài, tôi mua 5 bao xi măng về đắp, đến hôm sau đường nứt tiếp tục hở rộng, đột nhiên một phần nền sạt xuống sông. Hoảng quá tôi phải kêu bà con lối xóm phụ tiếp dọn tài sản ra khỏi nhà và tháo dỡ nhà khẩn cấp, rất may không bị ảnh hưởng đến người...” - ông Tâm kể lại.
Đồng Tháp cũng là địa phương chịu nhiều tác động từ thượng nguồn sông Mê Kông. Qua rà soát, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.900 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở khẩn cấp cần phải di dời (cự ly 0-30m). Trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Hồng Ngự.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt (điều chỉnh) Dự án Phòng, chống sạt lở bờ sông để bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng cho hơn 1.200 hộ dân dọc sông Cái Vừng, tại khu vực xã Phú Thuận A và xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, đồng thời bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch liên xã và các cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Nhanh chóng thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa thiệt hại
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để xử lý vấn đề sạt lở không thể cứ sạt lở xảy ra rồi lại bố trí kinh phí để xử lý thì nguồn lực sẽ không đáp ứng nổi. Cần ưu tiên tập trung xử lý những khu vực cảnh báo cực kỳ nguy hiểm, đông dân cư, trung tâm thương mại và khu quốc phòng, an ninh. Còn những khu vực khác phải kết hợp hài hòa giữa nạo vét khơi thông và chỉnh trị dòng chảy để hạn chế sạt lở. Về lâu dài, nên thay đổi tập quán sống ven sông của người dân. Cùng với đó, cần quy hoạch không gian, bố trí dân cư ở nơi xa sông, các công trình quan trọng không nên bố trí ven sông, đó mới chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.
Mới đây, tỉnh An Giang đã triển khai khẩn cấp đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế-xã hội khu vực ven sông, kênh, rạch, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tỉnh này cũng đề ra giải pháp cấp bách trước mắt, thực hiện ngay các công trình khắc phục sự cố sạt lở và khu vực nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm bờ sông, kênh, rạch (nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt). Ngoài cắm biển cảnh báo, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Giải pháp lâu dài, trong quá trình lập các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của tỉnh và huyện phải có quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, sạt lở. Cần xử lý sạt lở bảo vệ công trình quan trọng, điều chỉnh tuyến, di dời dân cư, cần thực hiện các giải pháp phi công trình. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông, đoạn sông cong có diễn biến xói, bồi phức tạp cần chỉnh trị.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, từ nay đến năm 2025 sẽ cơ bản xử lý xong hiện tượng sạt lở tại các đoạn thuộc những sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao. Tuy nhiên, ông Thư cũng nhìn nhận khó khăn nhất hiện nay vẫn là việc di dời những hộ dân sinh sống 2 bên bờ của các tuyến sông.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bố trí dân cư tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm di dời, bố trí chỗ ở ổn định cho các hộ dân tại khu vực bị sạt lở ven sông và các khu vực khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo thứ tự ưu tiên: Các hộ dân sinh sống trong vành đai sạt lở khẩn cấp, phải di chuyển chỗ ở nhưng chưa có chỗ ở nào khác, hiện đang ở tạm, ở nhờ; các hộ dân di cư tự do khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp; các hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 chưa được bố trí ổn định chỗ ở. Dự án có tổng mức đầu tư 235,898 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương), được thực hiện tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông và thành phố Cao Lãnh. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2025…