Tuyển sinh đại học: Cơ bản giữ ổn định đến năm 2025
Công tác tuyển sinh đại học (ĐH) sẽ cơ bản giữ ổn định đến năm 2025 với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng để tuyển sinh; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
Sáng 24/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021. Hội nghị trực tuyến với điểm cầu tại Bộ GDĐT kết nối khoảng 500 điểm cầu tại các trường đại học và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Những tín hiệu vui
Tính đến 31/7, đã có 142/175 cơ sở GD ĐH công lập kiện toàn hội đồng trường; trong đó, 34/35 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT đã kiện toàn hội đồng trường.
Về hợp tác quốc tế, hiện có 21.000 học sinh nước ngoài tại Việt Nam. 200.000 du học sinh Việt Nam đang theo học ở các nước, trong đó có 4.000 du học sinh diện hiệp định và 2.500 du học sinh theo các đề án của Chính phủ.
Đối với các bài báo quốc tế, bài báo WoS (ISI) và bài báo SCOPUS của các cơ sở GDĐH lần lượt đạt 22.531 bài, chiếm 57,2% trong tổng số bài báo WoS (ISI) và SCOPUS và 52.871, tương đương 90,5% số bài báo của cả nước.
Tên tuổi của một số cơ sở GDĐH Việt Nam (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân) tiếp tục có tên trong một số bảng xếp hạng có uy tín của thế giới trong năm 2021 như Times Higher Education (THE), Center of World University Rankings (CWUR) ở một số tiêu chí đánh giá cụ thể.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận những đóng góp của các cơ sở GDĐH trong thực hiện mục tiêu kép: Vừa thực hiện nhiệm vụ GD - đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; vừa tham gia công tác phòng, chống dịch; trong đó đặc biệt ghi nhận nỗ lực của các trường khối y dược, công an, quân đội.
Nhiều thách thức trong tuyển sinh 2021
Tại hội nghị, nhiều vấn đề đã được đặt ra trong năm học hiện nay khi các địa phương giãn cách theo Chỉ thị 16, các cơ sở GDĐH và sinh viên buộc phải chấp nhận đã, đang và sẽ học trực tuyến trong một thời gian vì không thể di chuyển trong điều kiện dịch bệnh. Ngay cả việc xác nhận nhập học đối với sinh viên khóa mới nhất cũng phải hoàn thành trực tuyến, giấy tờ sẽ gửi qua đường bưu điện sau.
Mặc dù chủ trương của ngành trong năm qua là đẩy mạnh tự chủ ĐH song việc triển khai tự chủ ĐH còn chậm, có nơi còn lúng túng. Trong quá trình tiếp cận với dạy học trực tuyến, một số trường còn chậm đổi mới phương pháp dạy và học để khai thác thế mạnh của công nghệ.
Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo (thiếu nguồn lực); trong khi đó, một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực.
Số lượng chương trình đào tạo của GDĐH được kiểm định chưa tăng nhiều. Đến nay cả nước có 216 chương trình đào tạo đạt chuẩn theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Tại hội nghị, đại diện Trường ĐH Thái Nguyên đề xuất tuyển sinh phải gắn với kiểm định chất lượng. Trong đó, Bộ GDĐT chỉ đạo sớm hoàn thiện bộ kiểm định chất lượng nhà trường và các tiêu chuẩn kiểm định của các trường hướng theo chuẩn của quốc tế và ASEAN, nên chỉnh sửa cho gọn lại hơn. Kiểm định cũng phải gắn liền với công bố, quảng bá và giới thiệu. Bởi nếu một chương trình ĐH không đạt được yêu cầu của hội đồng kiểm định thì những sinh viên đã học qua chương trình đó trong 5 năm vừa rồi có thể có ý kiến về đầu vào.
Năm học 2021-2022, GDĐH sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH. Xa hơn, mục tiêu đến năm 2025, trên 35% chương trình đào tạo nói chung, 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định. Phấn đấu có 2 cơ sở GDĐH lọt tốp 100 và 10 cơ sở lọt tốp 400 Châu Á; 4 cơ sở GDĐH lọt tốp 1.000 thế giới.
Về công tác tuyển sinh ĐH, theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ GDĐH, sẽ cơ bản giữ ổn định đến năm 2025 với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng để tuyển sinh; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH.
Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GDĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập.
Cụ thể, nếu các trường thi riêng, thi bổ sung, thi đánh giá năng lực thì phải bảo đảm yêu cầu gọn nhẹ, có thể thi 1-2 môn, thi năng khiếu, kết hợp kết quả thi THPT. Có thể hình thành Trung tâm Khảo thí độc lập, với yêu cầu là chuẩn hóa ngân hàng đề thi, thi trên máy tính, có thể thi nhiều lần trong năm…