Phá đường dây buôn người trên TikTok, hơn 500 cô gái trẻ bị bán vào ổ chứa

25/08/2021 07:10

Hơn 500 cô gái trẻ người Bangladesh đã bị những kẻ buôn người lừa bán sang Ấn Độ để làm nghề mại dâm thông qua những video lừa đảo được chia sẻ trên mạng xã hội TikTok.

Những kẻ buôn người đã lợi dụng TikTok để tiếp cận và lừa nhiều cô gái nhẹ dạ, cả tin (Ảnh minh họa).

Theo tờ báo Dhaka Tribune, mới đây cơ quan chức năng Bangladesh đã phá được một đường dây buôn người thông qua mạng xã hội TikTok, với hơn 500 cô gái trẻ Bangladesh bị bán sang Ấn Độ trong 5 năm qua.

Thủ đoạn của đường dây buôn người này là sử dụng mạng xã hội TikTok để thu hút những cô gái trẻ và hứa hẹn với họ những công việc được trả lương cao ở bên kia biên giới, nhưng sau đó lại bán họ để làm gái mại dâm tại Ấn Độ.

Lợi dụng TikTok là mạng xã hội nhắm đến đối tượng người dùng trẻ tuổi, những kẻ buôn người đã có thể tiếp cận và lừa những cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin.

Đường dây buôn người này đã bị phát giác sau khi một đoạn video được lan truyền trên TikTok, cho thấy một cô gái trẻ người Bangladesh bị tra tấn. Cơ quan chức năng của cả Bangladesh và Ấn Độ đã vào cuộc và kẻ chủ mưu của đường dây buôn người này đã bị cảnh sát Ấn Độ bắt giữ.

Hồi tháng 6 vừa qua, cảnh sát Cairo (Ai Cập) cũng đã phá được một đường dây buôn người thông qua mạng xã hội TikTok, với sự tham gia của 2 TikToker nổi tiếng, có hàng triệu người theo dõi tại Ai Cập.

Bangladesh "cấm cửa" TikTok và loạt ứng dụng nổi tiếng để "cứu trẻ em"

Việc mạng xã hội TikTok bị những kẻ buôn người lợi dụng đã trở thành "giọt nước làm tràn ly", khi mới đây tòa án Tối cao Bangladesh đã yêu cầu chính phủ quốc gia này phải cấm quyền truy cập vào hàng loạt các ứng dụng nổi tiếng trên các nền tảng di động, bao gồm TikTok, PUBG, Free Fire…

Lý do được đưa ra cho quyết định này là nhằm "cứu trẻ em và thanh thiếu niên thoát khỏi sự suy đồi về đạo đức và xã hội".

Trước đó, vào tháng 6, Luật pháp và Đời sống, một tổ chức hoạt động vì xã hội tại Bangladesh, đã gửi kiến nghị lên chính phủ quốc gia này, yêu cầu cấm TikTok và các game di động, mà tổ chức này lo ngại là ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Không nhận được phản hồi từ phía chính phủ, tổ chức này đã gửi đơn kiến nghị lên Tòa án Tối cao.

Trong đơn kiến nghị, các luật sư của Tổ chức Luật pháp và Đời sống đã khẳng định rằng thanh thiếu niên tại Bangladesh đang ngày càng đam mê các nền tảng mạng xã hội và game trực tuyến trên di động. Họ gọi đây là một xu hướng "đáng báo động" và lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các thế hệ trẻ, cũng như tạo cơ hội cho các hành vi tội phạm.

Đơn kiến nghị cũng cho rằng các giao dịch với số tiền khổng lồ thông qua các game di động có thể bị lợi dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.

Lệnh cấm có hiệu lực trong vòng 3 tháng và sẽ tiếp tục được xem xét sau khi thời hạn này kết thúc. Các ứng dụng bị cấm có thời hạn 10 ngày để kháng cáo phán quyết.

Đây không phải là lần đầu tiên TikTok bị cấm tại một quốc gia. Trước đó, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Armenia… cũng đã ban hành lệnh cấm mạng xã hội này vì nhiều lý do khác nhau.

Chẳng hạn như vào tháng 7/2018, Indonesia đã ban hành lệnh cấm TikTok sau khi chính phủ quốc gia này cáo buộc TikTok "phát tán nội dung khiêu dâm, nội dung không phù hợp và báng bổ". Lệnh cấm này đã được bãi bỏ 8 ngày sau đó khi TikTok cam kết sẽ có một đội ngũ nhân viên kiểm duyệt nội dung kỹ càng tại Indonesia.

Tháng 6/2020, Ấn Độ cũng đã ban hành lệnh cấm TikTok cùng hàng loạt ứng dụng của Trung Quốc như WeChat, UC Browser, Meitu… với lý do là những ứng dụng này ảnh hưởng đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Lệnh cấm được ban hành trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc tăng cao. Đến tháng 1/2021, Ấn Độ tuyên bố cấm vĩnh viễn TikTok và loạt 58 ứng dụng khác của Trung Quốc.

Bản thân Bangladesh cũng đã từng cấm TikTok vào tháng 11/2018 vì cáo buộc mạng xã hội này liên quan đến nội dung khiêu dâm và cờ bạc. Lệnh cấm sau đó đã được bãi bỏ sau khi TikTok cam kết sẽ loại bỏ những video vi phạm tại Bangladesh.