Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp cần những điều kiện gì?
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, rất nhiều người lao động đã rơi vào tình trạng thất nghiệp. Do vậy, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không chỉ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục đăng ký mà còn cần đáp ứng điều kiện hưởng trợ cấp.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Dự tính có khoảng hơn 20 triệu lao động bị ảnh hưởng, mất việc, giảm việc, giảm thu nhập.
Đặc biệt, từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm một phần đời sống của người lao động bị thất nghiệp và gia đình của họ.
Theo đó, ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 12 chính sách hỗ trợ. Một trong những nội dung hỗ trợ của Nghị quyết là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Uớc tính, 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được dành hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Qua đó, duy trì việc làm cho người lao động trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng này.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Điều 43 Luật Việc làm 2013, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp phải tham có hợp đồng lao động, xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng thời vụ nhưng có thời hạn từ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Theo đó, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; người lao động chấm dứt hợp đồng và được nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng).
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với loại hợp đồng có xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
- Lao động phải nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ (trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; đi giáo dưỡng; cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; tử vong)…
Hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Khi nộp hồ sơ, người lao động cần chuẩn bị đủ 1 bộ hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015;
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động;
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
Trường hợp lao động ốm đau, thai sản, bị tai nạn giao thông, gặp hỏa hoạn, thiên tai, dịch bênh...: Có xác nhận của cơ sở y tế, cảnh sát giao thông hoặc chính quyền địa phương... thì người lao động được ủy quyền nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện.
Sau khi gửi hồ sơ tới Trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương, chờ giấy hẹn kết quả. Sau 3 ngày kể từ thời điểm có giấy hẹn tới nhận kết quả, lao động không tới nhận, hoặc không ủy quyền cho người khác tới nhận thì xem như không nhận trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp nơi nộp hồ sơ thực hiện giãn cách xã hội: Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp qua bưu điện và xác nhận nhận trợ cấp thất nghiệp qua điện thoại, zalo, email mà không cần trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm.
Ngoài ra, với một số lao động trong vùng giãn cách theo Chỉ thị 16, không thể ra ngoài gửi hồ sơ, hoặc không thể tới nơi để nhận kết quả hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì được ra hạn thời gian để nộp hồ sơ khi hết thời hạn giãn cách. Lao động có thể gọi tới số hotline của các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.