Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim của một cựu binh
Năm nay đã bước sang tuổi 96 nhưng cựu chiến binh Đoàn Ngọc Dãn, ở xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) vẫn mạnh khỏe và minh mẫn. Ông nhớ như in hai lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Một ngày mùa thu, bên chén nước trong ngôi nhà bình dị, trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh Đoàn Ngọc Dãn nhớ lại, ông nhập ngũ tháng 7/1949 ở Sư đoàn 338. Năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm thời chia cắt 2 miền. Sau đó, đơn vị của ông tập kết ra Bắc trên chuyến tàu chạy từ bến Chắc Băng, Bạc Liêu ra Sầm Sơn (Thanh Hóa) đúng vào ngày mồng một Tết Nguyên đán năm 1955.
Đầu tháng 3/1955, cả đơn vị được lệnh tập trung để đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, ai cũng phấn khởi vì lần đầu tiên được gặp Đại tướng. Ông Dãn kể: Từ 3 giờ sáng mọi người đã dậy, quần áo nghiêm chỉnh, hành quân ra vị trí. Đúng 7 giờ sáng, đơn vị đã tập kết ở rừng thông. 7 giờ 30 phút, Đại tướng đến. Khi Đại tướng vừa xuống xe, cả đơn vị vỗ tay chào mừng. Đại tướng giơ tay vẫy chào mọi người, rồi đến bắt tay các cán bộ đứng đầu hàng quân. Đại tướng nói: “Tôi biết bộ đội tập kết ra Bắc đã hơn 2 tháng nhưng hôm nay tôi mới có điều kiện đến thăm. Thấy các đồng chí ai cũng hồng hào, khỏe mạnh, vui vẻ, phấn khởi, tôi rất mừng, đúng là những người lính chiến thắng trở về”.
Năm 1963, bộ đội Sư đoàn 338 đã tập kết ra Bắc hơn 8 năm nhưng vẫn chưa được trở lại miền Nam chiến đấu. Tháng 6/1963, đơn vị của ông Dãn có lệnh chuẩn bị đi B thì nhận tin vui Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, nói chuyện động viên cán bộ, chiến sỹ.
Khi Đại tướng đến, ai cũng phấn khởi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe mọi người, kết quả huấn luyện, Đại tướng đã chia sẻ rằng, cuộc chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, quân đội ta là quân đội nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Không có dân thì cơm đâu mà ăn, áo đâu mà mặc, súng ống đâu mà đánh giặc và khi đánh thắng giặc để đưa quyền lợi lại cho dân.
Cho nên quân sự và chính trị phải đi đôi với nhau, có sự hỗ trợ lẫn nhau, quân với dân như cá với nước, không thể nào tách rời nhau được. Nhưng nếu chỉ có quân sự và chính trị kết hợp với nhau cũng chưa thắng được địch mà phải là quân sự - chính trị - binh vận, 3 mũi giáp công đó là sách lược tối ưu nhất, hiệp đồng chặt chẽ với nhau.
Kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) là nội dung rất cơ bản của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta, là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhờ kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công mà quân và dân ta đã đánh thắng, làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu…
Chúng tôi hỏi ông Dãn, khi nghe Đại tướng nói chuyện, điều gì bác ấn tượng nhất? Người cựu chiến binh tuổi 96 khẳng định rằng: “Tôi cảm phục nhất là phương pháp giải thích của Đại tướng dễ hiểu, rất khoa học, rất ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch từng vấn đề và cũng rất tình cảm, vui vẻ làm cho tôi đến nay vẫn nhớ rành rọt từng câu, từng chữ mà Đại tướng đã nói”.