Dòng tiền nhàn rỗi chảy về đâu?
Lãi suất huy động tiền gửi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, cùng với ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, khiến lượng tiền tiết kiệm của người dân gửi vào ngân hàng sụt giảm. Phải chăng dòng tiền tích lũy của người dân đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao?
Nhiều người chuyển tiền tiết kiệm sang kênh khác
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 6/2021 là 5,293 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm 2020. Trước đó, quy mô tiền gửi của dân cư ở các tổ chức tín dụng tính đến tháng 4/2021 ở mức 5.262.299 tỷ đồng. Như vậy sau 2 tháng lượng tiền gửi cá nhân tới ngân hàng chỉ tăng khoảng 31 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý riêng tháng 6, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng 5. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm. Trong khi đó tổng hợp dữ liệu trên thị trường ngân hàng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mức thấp, 3 - 4% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5,0% với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng và 4,2 - 6,5% với kỳ hạn trên 12 tháng. Tuy một số ngân hàng tăng lãi suất cục bộ nhưng cũng không vượt quá mức 8%/năm.
Gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng luôn được xem là kênh đầu tư an toàn nhất, thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh cùng với mức thu hút tiền gửi có lãi suất thấp nên kênh đầu tư này ngày càng kép hấp dẫn. Nhiều người dân rút tiền tiết kiệm để xoay kênh đầu tư khác.
Chị Mai Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) làm ngành nội thất cho biết, hồi giữa tháng 7, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội và tạm dừng thi công các công trình xây dựng, chị ở nhà nhiều hơn. Với thời gian rảnh rỗi, chị bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán và rút 50 triệu đồng tiền tiết kiệm tham gia kênh đầu tư này. “Lãi suất tiền gửi thấp, trong khi đó xung quanh mình người người chơi chứng khoán, nên tôi quyết quay sang kênh này”, chị Phương chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Anh Tú (toà nhà Sun Grand City – Lương Yên, Hà Nội) cho biết, trước dịch vợ chồng anh kinh doanh hàng phụ tùng xe máy, hàng tháng dư dả vẫn gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Techcombank. Từ tháng 4 đến nay, hàng hoá không bán được, anh Tú còn phải rút tiền tiết kiệm để chi tiêu đồng thời gửi vào một số kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao.
Dòng tiền chảy về đâu?
Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán bùng nổ quy mô giao dịch, với nhiều phiên duy trì tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng, thậm chí đạt tới khoảng 30.000 tỷ đồng, đi cùng là lượng tài khoản các nhà đầu tư cá nhân mở mới liên tục gia tăng. Số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, cao hơn tới 58% so với tổng số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).
Lý giải nguyên nhân, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cho biết, tiền gửi tiết kiệm giảm chủ yếu do thu nhập người dân giảm khi bị tác động bởi Covid-19. Thêm vào đó, lãi suất huy động đã chạm đáy, không còn hấp dẫn khiến một bộ phận người dân chuyển tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác như bất động sản chứng khoán, vàng…
Theo ông Hiển, việc người dân chuyển tiền từ ngân hàng sang chứng khoán, bất động sản... là dấu hiệu đáng lo, tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư lẫn nền kinh tế. “Sự đổ xô của các nhà đầu tư cá nhân sẽ tạo thành các đợt sóng lên - xuống, khiến nguồn vốn vào thị trường dựa theo “lướt sóng” và biến chuyển không tương xứng với thực chất hoạt động của doanh nghiệp (DN). Có DN kinh doanh không tốt, nhưng nhiều cá nhân tham gia vào cổ phiếu của DN đó thì sẽ lên giá, sau đó lại xuống nhanh chóng, thiếu bền vững” – ông Hiển phân tích.
Cũng theo ông Hiển, kinh nghiệm về vận hành thị trường tài chính tại các quốc gia phát triển cho thấy, số nhà đầu tư cá nhân tham gia trực tiếp vào giao dịch chứng khoán rất ít. Người dân chủ yếu chuyển vào các kênh đầu tư như quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện, như một cách đóng thêm tiền hưu để được hưởng cuộc sống an nhàn về sau...