Đạo diễn 'Ơn nghĩa sinh thành' và 2 niềm day dứt khôn nguôi với cha mẹ

26/08/2021 20:16

“Có một niềm ân hận cho đến tận bây giờ là khi mẹ mất, tôi không trở về kịp để gặp mẹ lần cuối. Rồi khi tôi đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định thì bố mẹ lại không còn nữa. Tôi mong rằng những ai may mắn đang còn cha mẹ, xin hãy phụng dưỡng và chăm sóc khi còn có thể…”, đạo diễn Mai Thanh Tùng chia sẻ.

“Tiếng gọi mẹ cha” là tiếng lòng của đạo diễn Mai Thanh Tùng muốn gửi tới đấng sinh thành, cũng là lời nhắn nhủ với những người làm con may mắn vẫn còn cha mẹ, xin hãy dành thời gian phụng dưỡng cha mẹ nhiều hơn khi còn có thể...

PV: Nhắc đến đạo diễn Mai Thanh Tùng, công chúng nhớ đến chương trình nghệ thuật nổi tiếng "Ơn nghĩa sinh thành" tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay một lần nữa chương trình lại "lỡ hẹn" với khán giả, cảm xúc của anh thế nào?

ĐD Mai Thanh Tùng: Với tôi, "Ơn nghĩa sinh thành" không đơn thuần là chương trình nghệ thuật, mà còn là tâm huyết, là tấm lòng tri ân của tôi gửi tới bố mẹ đã khuất, cũng là nói hộ tiếng lòng của những người con với các bậc sinh thành. Thế nhưng, thêm một năm Covid-19 là thêm một mùa Vu lan tôi không thể hoàn thành được tâm nguyện.

Bù lại, từ những xúc cảm trong mùa Vu lan, từ những day dứt, tiếc nuối khi không thể tổ chức "Ơn nghĩa sinh thành", tôi đã thực hiện MV "Tiếng gọi mẹ cha".

Từ 2017-2019, chương trình “Ơn nghĩa sinh thành” do Mai Thanh Tùng làm tổng đạo diễn tổ chức tại Hà Nội đã tạo được tiếng vang lớn.

Ngay từ nhan đề có thể đoán, hẳn ca khúc có câu chuyện rất đặc biệt?

- Bài hát được nhạc sĩ Tuấn Hồ - một người em của tôi đã cùng chắp bút, phổ nhạc từ một bài thơ "con cóc" tôi sáng tác 3 năm trước trong một lần về thăm lại ngôi nhà quê hương.

Ngôi nhà thuở nhỏ của gia đình tôi ở Nam Định, bao nhiêu năm nay dù cha mẹ không còn nhưng tôi vẫn trùng tu, sửa sang để lấy chỗ đi về, để mái ấm năm xưa lúc nào cũng có hơi người. Năm 2018, trong một lần về nhà, tôi chợt thấy mình bơ vơ, không còn "cây cao bóng cả" để dựa vào, bất giác trong lòng tôi bật lên "Tiếng gọi mẹ cha" bằng những câu thơ.

Những ngày ở nhà giãn cách do dịch Covid-19, tôi có thêm thời gian viết thành bài hát với phần lời ca từ bài thơ đó. Lời bài hát "Tiếng gọi mẹ cha" gần gũi như hơi thở cuộc sống hàng ngày mà bất kì người con nào cũng có thể thấy mình trong đó. Rất nhiều chi tiết trong bài hát là sự gợi nhớ hình ảnh vô cùng gần gũi và xúc động về những kí ức đẹp đẽ như cha ngồi đan tre, mẹ ngồi khâu áo hay món khoai độn thay cơm…

Đúng lễ Vu lan, tôi gửi MV "Tiếng gọi mẹ cha" như món quà nhỏ, xin được tri ân các bậc làm cha mẹ. Tôi mong rằng những ai may mắn đang còn cha mẹ, xin hãy phụng dưỡng và chăm sóc khi còn có thể…

Nhưng khác với những sản phẩm nghệ thuật trước đây anh chỉ đứng sau cánh gà, còn với MV lần này, anh là ca sĩ chính thể hiện ca khúc?

- Dù hoạt động nghệ thuật nhiều năm nhưng tôi tự nhận rằng bản thân rất hiếm khi hát, thậm chí không biết hát, vì tôi là đạo diễn và không phải ca sĩ. Tuy nhiên, ca khúc này nói lên cuộc đời của tôi cũng như nhiều người nên tôi liều hát. Tôi vẫn sẽ hát thật to tiếng lòng của mình thông qua bài hát do chính mình sáng tác. Được trải lòng mình qua lời ca giai điệu cũng giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ cha mẹ: "Ước gì thời gian quay trở lại. Để con được gọi to mẹ ơi con đã về…"

Còn đón nhận ca khúc hay không phụ thuộc người nghe. Bản thân tôi làm nghệ thuật là tình nguyện, làm "0 đồng" nên sản phẩm này hoàn toàn từ tâm, không màu sắc thương mại. Tôi vui vì tiếng lòng của mình, cảm xúc của mình được nói lên, được bộc lộ.

“Tiếng gọi mẹ cha” là tiếng lòng của đạo diễn Mai Thanh Tùng muốn gửi tới đấng sinh thành, cũng là lời nhắn nhủ với những người làm con may mắn vẫn còn cha mẹ, xin hãy dành thời gian phụng dưỡng cha mẹ nhiều hơn khi còn có thể...

Cảm xúc ùa về mỗi mùa Vu lan, chắc hẳn anh có những câu chuyện, nỗi nhớ đeo theo đến tận bây giờ?

- Công chúng đều biết tôi trưởng thành trong gia đình nghèo khó nhưng thú thật, khi tôi mới sinh ra, nhà tôi có điều kiện - trong ký ức của tôi là như thế. Hồi đó tôi còn quá nhỏ để hiểu mọi chuyện, chỉ biết khi tai hoạ ập đến, bố làm ăn thua lỗ nên gia đình rơi vào khó khăn. Rồi bố đổ bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị tốn kém khiến kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ.

Tôi nhớ một năm Tết đến xuân về, khi các gia đình có thịt treo trong nhà thì nhà tôi không có gì. Bố tôi khi đó cũng yếu đi nhiều vẫn phải đạp chiếc xe lọc cọc xuống nhà anh chị em ở huyện và được họ cho cân thịt. Ông treo thịt ở ghi đông xe để về cùng vợ con ăn Tết. Nhưng trên đường gió to, cả bố và xe đạp bị nhao ngã xuống cống nước. Ông về nhà với một bên mặt sưng tím rất to, nhìn bố rất thương nhưng tôi khi đó còn quá nhỏ, không hiểu chuyện nên cứ thế nhìn bố và cười. Giờ mỗi khi nhớ lại cảm xúc nghẹn nghẹn trong tôi cứ ùa về. Nghẹn ngào và day dứt mãi!

Còn với mẹ, chắc là người có nhiều kỷ niệm hơn. Căn nhà tường đất, lợp mái rạ được bà ngoại cho gia đình tôi tại vùng ven biển Nam Định khiến tôi nhớ những đêm cùng mẹ đi bắt cua biển. Những năm ấy, mùa đông rất lạnh, cả gia đình phải nằm trên ổ rơm, đắp 2 cái chăn lên người mà vẫn còn co ro, buốt giá. Thế mà đều như vắt chanh, cứ 6h chiều hàng ngày, cậu bé lớp 9 đang ở tuổi ăn tuổi lớn lại lóc cóc theo mẹ ra biển ngâm mình dưới nước bắt cua, bắt cá để 6h sáng hôm sau đem bán trong buổi chợ sáng.

Tôi có nhiều kỷ niệm với mẹ nhưng có một niềm ân hận cho đến tận bây giờ là khi mẹ mất tôi không có mặt ở nhà. Khi đó, tôi đi công tác Sài Gòn và không trở về kịp về gặp mẹ lần cuối. Rồi khi tôi đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định thì bố mẹ lại không còn nữa. Muốn báo đáp, phụng dưỡng thì đều không thể. Đó là những điều tôi day dứt mãi không nguôi.

Đó là lý do anh quyết giữ ngôi nhà tranh vách đất xưa cũ ở quê, dù bố mẹ đã mất nhiều năm nay?

- Nói là nhà tranh vách đất nhưng thực sự đó là một ngôi nhà cổ. Tôi thích những thứ gần gũi với thiên nhiên nên nhiều năm trước tôi bỏ mái rạ, vách đất và trùng tu thành ngôi nhà vườn nhưng vẫn giữ được nếp nhà cũ, giữ 5 gian gắn liền tuổi thơ, giữ hồn quê.

Hơn nữa, tôi là người rất tâm linh. Với tôi, bố mẹ mất cũng như chưa mất. Hàng tuần nếu không bận công việc, tôi đều cùng các con trở về ngôi nhà - nơi đã nuôi lớn tôi, cho tôi sự mạnh mẽ, bản lĩnh với cuộc đời. Tôi cũng muốn nhắc nhở, giáo dục các con tôi sống hiếu nghĩa với bố mẹ ông bà tổ tiên, cư xử với người xung quanh, phải uống nước nhớ nguồn.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng trong MV “Tự hào Việt Nam”.

Giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến người ta dễ quên đi nhiều thứ, là một nhân vật với những sản phẩm âm nhạc truyền cảm hứng (Tự hào Việt Nam, Việt Nam rạng rỡ hoan ca), anh muốn nhắn nhủ điều gì?

- Mùa Vu lan năm nay thật đặc biệt và cũng thật xót xa. Vì dịch bệnh, những người con xa quê không thể trở về bên cha mẹ; những người mất bố mẹ không được thắp những nén nhang lên mộ; hay những người đang vùng ở trong vùng dịch căng thẳng cũng không thể làm trọn chữ hiếu,... Đặc biệt và xót xa! Nhưng tôi luôn có niềm tin vào sự đồng lòng, yêu thương và tương trợ lẫn nhau của người dân Việt Nam. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.

Là một người sản xuất các chương trình nghệ thuật lâu năm, tôi vẫn tâm niệm, cùng với sự cẩn thận sát sao, cùng với cái tâm làm nghệ thuật hướng đến những giá trị nhân văn cho cộng đồng thì chắc chắn "trời sẽ chẳng phụ lòng người". Tôi vẫn sẽ tiếp tục con đường làm nghệ thuật đó trong chặng đường sắp tới, đặc biệt hi vọng mùa Vu lan năm sau, lại được tiếp nối chuỗi chương trình ý nghĩa.

Xin cảm ơn chia sẻ của đạo diễn!