Miền Tây, dịch vẫn khó lường
Với khoảng gần 50.000 ca nhiễm được ghi nhận cho tới ngày 26/8, khu vực miền Tây Nam bộ chiếm gần 13% toàn bộ số ca nhiễm của cả nước.
Trong đó, tỉnh Long An ghi nhận khoảng 40% số ca nhiễm của toàn vùng, kế đến là Tiền Giang (8.400 ca) và Đồng Tháp (6.300 ca).
Ở chiều ngược lại, các địa phương ghi nhận ít ca nhiễm gồm có Cà Mau và Bạc Liêu (dưới 150 ca)...
Tuy nhiên, hầu hết các địa phương ở miền Tây Nam bộ cơ bản đều chưa kiểm soát được dịch Covid-19 và đưa cuộc sống trở lại mức “bình thường mới” vào ngày 25/8 như dự kiến trước đó. Việc các địa phương không “hoàn thành mục tiêu” có nhiều nguyên nhân.
Tuy nhiên, điểm sáng là chiến lược xét nghiệm nhanh đại trà toàn dân nhằm tìm kiếm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng đang được tiến hành triệt để. Hiện nay, một số địa phương có số ca nhiễm ít như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang đã lên kế hoạch để đưa đưa cuộc sống người dân về mức “bình thường mới” trong một vài ngày tới.
Đánh giá về việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội thời gian qua, một số ý kiến cho rằng số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận hàng ngày ở các địa phương “vùng đỏ” như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các tỉnh như Long An vẫn có trung bình khoảng 400 ca/ngày, Tiền Giang khoảng 100-200 ca/ngày... nên chưa thể giảm mức giãn cách xã hội trong thời gian ít ngày tới được.
Cụ thể hơn, nhiều địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc vẫn có mức nguy cơ lây nhiễm cao, rất cao (vùng cam, đỏ) và chưa thể kéo ngày về mức bình thường mới (màu xanh) chỉ sau một vài ngày. Vì vậy, hầu hết các địa phương có vài ngàn ca nhiễm ở vùng Tây Nam bộ đều lên kế hoạch kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, thời gian kéo dài và khu vực (huyện, thị xã, thành phố trực thuộc) vẫn đang được cân nhắc tùy tình hình. Một số địa phương như Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang đã lên kế hoạch phân vùng chi tiết, cho phép những địa phương huyện, thị, thành phố trực thuộc quay trở về mức “bình thường mới” sau khi thực hiện việc test nhanh trong cộng đồng, bóc tách các F0 và thu hẹp các khu vực “vùng đỏ”.
Đây là chiến lược hợp lý bởi việc kéo dài thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 (thậm chí là 16 bổ sung) khiến đời sống xã hội của người dân gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng cũng như đời sống người dân ở vùng Tây Nam bộ khác khu vực TP HCM rất lớn nên không thể áp dụng các mô hình chống dịch như tại TP HCM vào các tỉnh vùng Tây Nam bộ.
Trong đó quan trọng là nhiều loại nông sản như lúa, thanh long, trái cây, thủy sản... của người dân tới vụ thu hoạch. Ngoài ra, thói quen mua bán trao đổi hàng hóa ở đây cũng khác TP HCM rất nhiều, khi mà công nghệ internet chưa thể thay thế thói quen mua bán trực tiếp của cộng đồng.
Sau 45 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam hiện nay “bản đồ” dịch Covid-19 ở khu vực này đã có sự phân hóa rõ rệt. Trong đó nhiều khu vực vẫn có mức nguy cơ cao và rất cao nhưng nhiều khu vực ít nguy cơ, có thể áp dụng các biện pháp nới lỏng, đưa cuộc sống người dân về mức “bình thường mới” nhằm giảm áp lực đời sống dân sinh cũng như ít nhiều chi viện lương thực, thực phẩm cho các vùng còn lại.
Tuy nhiên, việc hạ mức giãn cách và áp dụng mô hình “bình thường mới” cần có sự đồng ý của lãnh đạo cấp trên cũng như duy trì việc giám sát chặt chẽ, không để lỗ hổng như nhiều địa phương thời gian qua.