Đào tạo chuyên ngành nghệ thuật: Lại bị làm khó
Sở GDĐT Hà Nội vừa ban hành văn bản số 2785 về việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT trường đào tạo nghệ thuật trong năm học 2021-2022. Trong đó, nhiều yêu cầu đưa ra trong văn bản khiến các cơ sở đào tạo nghệ thuật cho rằng rất khó để thực hiện.
Văn bản gây hoang mang
Văn bản số 2785 của Sở GDĐT Hà Nội được gửi tới Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Trong đó yêu cầu: Từ năm học 2021 - 2022, các đơn vị trên sẽ phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tổ chức giảng dạy văn hoá đối với các học viên trường đào tạo nghệ thuật có nguyện vọng học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS để xét tốt nghiệp THCS, cấp bằng tốt nghiệp THCS hoặc học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Văn bản cũng nhấn mạnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có trách nhiệm chủ trì thực hiện trong các khâu chọn, cử và phân công giáo viên; tổ chức thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá, quản lý, lưu trữ hồ sơ, phê học bạ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình và thực hiện cấp văn bản theo đúng quy định. Về phía trường đào tạo nghệ thuật và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thống nhất bố trí địa điểm học văn hoá tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc tại trường đào tạo nghệ thuật trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về phòng học, thí nghiệm thuận lợi cho học viên trong quá trình học tập.
Trường đào tạo nghệ thuật chủ động kết hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sử dụng tối đa đội ngũ giáo viên dạy văn hoá (nếu có), cơ sở vật chất để tổ chức việc giảng dạy đạt hiệu quả và đảm bảo quyền lợi cho người học theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Ngay sau khi nhận được văn bản, các trường đã không khỏi băn khoăn về yêu cầu có phần gấp gáp này.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ VHTTDL và các đơn vị đào tạo trực thuộc Bộ, hầu hết ý kiến đều cho rằng: Việc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có trách nhiệm chủ trì các khâu sẽ làm khó các đơn vị, thậm chí làm ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo.
Bên cạnh đó, yêu cầu trên sát với kỳ tuyển sinh là không phù hợp với thực tế đào tạo năng khiếu nghệ thuật đặc thù hiện nay và cũng làm xáo trộn cách thức đào tạo giáo dục thường xuyên ở các trường.
Băn khoăn nhiều về học phí, cách quản lý học sinh
Theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội Ngô Lê Thắng, hiện nay các trường đào tạo nghệ thuật đều có khoa Văn hóa hoặc khoa Kiến thức phổ thông.
Các khoa này đáp ứng đủ điều kiện quy định đối với một trung tâm giáo dục thường xuyên theo quy định của Bộ GDĐT về tiêu chuẩn công tác quản lý, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị…
Chính vì vậy, nếu bắt buộc phải thực hiện đào tạo tại các trung tâm giáo dục thường xuyên thì việc phải chịu mức học phí văn hoá theo quy định của trung tâm sẽ gây khó khăn về kinh tế cho nhiều gia đình, trong khi học sinh đào tạo nghệ thuật đang thuộc diện hưởng trợ cấp của Nhà nước theo Đề án đào tạo các chuyên ngành khó tuyển sinh.
Cũng theo ông Thắng, trong cùng một thời gian, việc “chồng chéo” giữa vừa là học sinh của trường nghệ thuật vừa là học sinh của trung tâm sẽ gây khó khăn về mặt quản lý nhà nước trong giáo dục, đào tạo. Chưa kể, độ tuổi tuyển sinh ở các trường rất khác nhau, có trường phải thực hiện cả chế độ bảo mẫu đối với học sinh, nhằm đảm bảo cho các em được giáo dục toàn diện, được chăm sóc, quản lý chu đáo.
“Nếu liên kết với trung tâm thì việc tổ chức đưa đón, đảm bảo an toàn cho học sinh sẽ rất khó thực hiện, hoặc nếu thực hiện được thì sẽ phát sinh chi phí rất lớn cho nhà trường và phụ huynh học sinh” - ông Thắng băn khoăn.
Đồng quan điểm, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam Trần Văn Hải cho rằng, lứa tuổi đào tạo, thời gian đào tạo, đặc thù của từng loại hình nghệ thuật… ở mỗi trường đều rất khác nhau, không thể theo công thức chung giống như đào tạo ở các ngành nghề khác trong xã hội.
Đó là lý do các trường nghệ thuật rất mong được quyền tự chủ, lựa chọn hình thức đào tạo riêng. Với việc dạy và học văn hoá phổ thông nên để mỗi cơ sở tự xây dựng đề án đào tạo để đảm bảo hoàn thành cả hai chương trình một cách hợp lý.
Còn Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Lê Anh Tuấn cho rằng, đề nghị Học viện phải thực hiện triển khai liên kết đào tạo với trung tâm giáo dục thường xuyên ngay vào tháng 9/2021 là một yêu cầu có phần “đánh đố” đối với trường.
Trước những ý kiến của lãnh đạo các nhà trường, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn cho rằng, việc kết hợp giữa cơ sở đào tạo nghệ thuật với các trung tâm giáo dục thường xuyên cần có sự nghiên cứu, bàn thảo cụ thể chứ không thể vội vàng. Quan trọng nhất vẫn phải là hiệu quả của chất lượng đào tạo. Làm sao để học sinh các trường nghệ thuật đảm bảo được kiến thức chuyên môn và văn hoá.
Vụ trưởng cũng đề nghị, các trường nhận được công văn của Sở GDĐT Hà Nội cần có sự trao đổi cụ thể với phía Sở, làm sao thống nhất để có thể chủ động được trong việc xây dựng kế hoạch học tập, tận dụng được những điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất cũng như cách thức đào tạo để không làm xáo trộn việc học hành cũng như phương thức đào tạo của nhà trường.
Được biết, để tháo gỡ các vướng mắc trên tại các trường đào tạo nghệ thuật, Bộ VHTTDL đang tiến hành xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và sẽ có những quy định sửa đổi bất cập vướng mắc trong công tác đào tạo.
Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 9 hoặc tháng 10/2021, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội thảo khoa học “Tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch năm học 2021-2022” tại miền Bắc hoặc miền Trung. Tại Hội thảo sẽ tập trung đánh giá thực trạng và giải pháp về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong giai đoạn hiện nay; Việc triển khai các quy định hiện hành trong tuyển sinh và đào tạo các trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; Đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, làm rõ những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ…