Học sinh lớp 6 cạnh tranh khốc liệt vào trường chuyên: Sự kỳ vọng hay bệnh thành tích?

Nguyễn Hoài 27/08/2021 13:50

Con số gần 1.000 hồ sơ dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2021-2022, trong khi chỉ tiêu năm học này là khoảng 200 học sinh đang thu hút sự quan tâm của nhiều người những ngày qua.

Năm nay do dịch Covid-19, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Thay vào đó nhà trường tổ chức xét tuyển với những học sinh đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ.

Việc xét tuyển sẽ được tiến hành căn cứ vào điểm xét tuyển được xác định bằng tổng điểm học tập cấp tiểu học, điểm ưu tiên và điểm khuyến khích.

Gánh nặng tâm lý

Kết thúc thời hạn nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 6 năm học 2021-2022 của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, thông tin từ nhà trường cho biết đã nhận được 958 hồ sơ. Trong đó, nhà trường sẽ tuyển 200 học sinh đủ điều kiện từ gần 1.000 hồ sơ hợp lệ này cho 5 lớp 6.

Thông tin về kỳ tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh trên một số diễn đàn.

Việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự từ điểm cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Nếu các em ở cuối có điểm xét tuyển bằng nhau, trường sẽ tính điểm khuyến khích bằng cách cộng toàn bộ giải thưởng học sinh đạt được và lấy từ điểm cao xuống thấp. Điểm khuyến khích là điểm được quy đổi từ các giải của cuộc thi học sinh giỏi, Olympic cấp quận/huyện/thị xã, thành phố, quốc gia, quốc tế mà Sở GDĐT Hà Nội đã công bố trước đó.

Theo kế hoạch, kết quả xét tuyển sẽ được nhà trường báo cáo về Sở GDĐT Hà Nội vào ngày 28/8. Ngày 30/8, Sở GDĐT Hà Nội sẽ phê duyệt danh sách trúng tuyển vào lớp 6 của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2021-2022.

Với tỉ lệ chọi 1/5, việc xét tuyển này sẽ không hề dễ dàng. Không riêng năm nay mà sự cạnh tranh để có được một “tấm vé” học tại trường này lâu nay được các phụ huynh ví như cuộc chạy đua khốc liệt. Như kỳ tuyển sinh năm ngoái của trường này đã có hơn 1.200 học sinh, trong đó phần lớn có điểm học bạ 5 năm cấp tiểu học toàn điểm 10 cạnh tranh 180 chỉ tiêu vào lớp 6.

Ngoài Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhiều trường trung học cơ sở chất lượng cao của Hà Nội như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ngoại Ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)… dù chỉ tiêu hằng năm thấp nhưng năm nào cũng thu hút lượng lớn phụ huynh quan tâm, chờ đợi và săn đón.

Kéo theo đó là cuộc chạy đua rốt ráo tìm các lớp học thêm cho con với kỳ vọng con “chắc chân” vào những trường tốp đầu. Trên một số diễn đàn, phụ huynh tham gia chủ yếu để tìm kiếm lớp luyện thi, thầy cô dạy tốt, chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện cho con…

Tham khảo thông tin trên các diễn đàn này cho thấy, nhiều phụ huynh không tiếc tiền bạc đầu tư cho con luyện thi từ khá sớm, thậm chí có không ít người cho con học thêm để luyện thi ngay từ năm lớp 1.

Áp lực từ bệnh thành tích?

Các điều kiện cao của các trường tốp đầu khiến nhiều người công tác trong ngành giáo dục nghi ngại. Với kinh nghiệm nhiều năm dạy bậc tiểu học, cô Lê Thị Liên, giáo viên dạy lớp 5 Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, để đạt được các điều kiện này đối với học sinh là rất khó.

Cô Liên phân tích, các học sinh có kết quả học tập đạt mức hoàn thành thành xuất sắc sẽ được giáo viên đánh giá ở 4 mức độ, trong đó, mức độ 4 là vận dụng cao. Hằng năm, tỉ lệ học sinh của lớp cô Liên không đạt mức độ này khá cao.

Vì vậy, theo cô Liên, để học sinh có kết quả học tập toàn điểm 9, điểm 10, kèm thêm các giải thưởng từ các cuộc thi đối với học sinh tiểu học là vô cùng áp lực. Cá nhân cô cũng không ủng hộ việc phụ huynh cho con học thêm quá nhiều, luyện thi từ quá sớm.

Cô Liên nêu quan điểm: “Tôi thấy rằng không phải học sinh nào có học bạ hoàn hảo cũng xứng đáng với kết quả học tập đó. Trong khi đó, nhiều học sinh có năng lực tốt nhưng gia đình lại không có điều kiện để cho con tham dự các kỳ thi tuyển vào các trường chất lượng cao. Theo tôi, phụ huynh nên coi các kỳ thi này như một sân chơi thử sức con cái thay vì đặt nặng việc con phải học trường này, trường kia”.

Cùng quan điểm trên, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã có chia sẻ khi trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết: “Con cháu tôi muốn học chuyên, thi chuyên tôi đều gàn. Bởi theo quan điểm của tôi học trường chuyên, lớp chọn không khẳng định người học đó là người tài hay không? Thực tế, tôi được biết, có nhiều người là học sinh “cá biệt” ở bậc phổ thông nhưng rất thành đạt sau khi tốt nghiệp đại học”.

Bàn về điều kiện tuyển sinh của các trường tốp đầu, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, các điều kiện này chỉ làm khó học sinh. Theo ông, học sinh giỏi toàn diện về mọi mặt là rất hiếm, trong khi đó, kết quả hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các trường này có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn học bạ của học sinh toàn điểm 10 là điều khó tưởng tượng.

GS.TS Phạm Tất Dong đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh không nên chạy theo thành tích mà tạo sức ép cho con trẻ từ quá sớm. Giai đoạn quan trọng nhất là đại học. Sự hao tổn về sức khỏe, thể lực, áp lực tâm lý ở lứa tuổi này là vấn đề các bậc phụ huynh cần suy nghĩ”.

Nguyễn Hoài