Những đề xuất để hệ thống hợp tác xã 'không bị bỏ lại phía sau'

29/08/2021 07:00

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị miễn giảm toàn bộ phí lưu kho cho các doanh nghiệp, hợp tác xã dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu theo mùa vụ phục vụ cho tiêu dùng, xuất khẩu...

Nông dân tại hợp tác xã trồng dưa lưới và sản xuất cây giống rau. (Nguồn: TTXVN).

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động không nhỏ đến nền kinh tế, trong đó 90% tổng số hợp tác xã đã giảm mạnh doanh thu và nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ, trong khi chi phí đầu vào lại tăng.

Thế nhưng, dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo không đề cập đến những khó khăn hay tác động tiêu cực đối với khu vực kinh tế hợp tác xã.

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, có thể thấy vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân của khu vực kinh tế hợp tác xã qua việc cả nước có 26.145 hợp tác xã; trong đó, có 17.060 hợp tác xã nông nghiệp và 7.897 hợp tác xã phi nông nghiệp gồm: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại và tiêu dùng, môi trường, du lịch…; 106 liên hiệp hợp tác xã và gần 120.000 tổ hợp tác, thu hút hơn 8 triệu thành viên là đại diện hộ gia đình, tác động đến đời sống và thu nhập của khoảng 30 triệu người, chủ yếu là địa bàn nông thôn.

Vì vậy, trong văn bản mới đây được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Văn phòng Chính phủ góp ý dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề nghị xem xét chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo và cần ghi cụm từ “doanh nghiệp, hợp tác xã” trong toàn bộ nội dung nghị quyết.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau, quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các tổ chức kinh tế là hài hòa về lợi ích và chia sẻ rủi ro. Do đó, nhà nước áp dụng chính sách hỗ trợ công bằng giữa hợp tác xã và doanh nghiệp là cần thiết và hợp lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi trong tổ chức thực hiện chính sách của các bộ, ngành và địa phương.

Ngoài ra, góp ý thêm vào bản dự thảo nghị quyết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng mục tiêu hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã bị khó khăn và thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Hơn thế nữa, không nên xác định cụ thể số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã thụ hưởng chính sách hỗ trợ bởi thiếu căn cứ thực tế và không chính xác, gây nên bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách.

Về việc tổ chức thực hiện nghị quyết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị cần bổ sung ở Điểm 2 là “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề..."

Đối với việc hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, góp ý với bản dự thảo, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị miễn giảm toàn bộ phí lưu kho cho các doanh nghiệp, hợp tác xã dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu theo mùa vụ phục vụ cho tiêu dùng, xuất khẩu và chế biến, thời hạn tối đa là 3 tháng.

Bên cạnh đó, cần giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, phân bón và các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu khác cùng với việc giảm các loại phí, lệ phí, tiền thuê đất do Nhà nước quản lý.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thời hạn cho vay phù hợp với luân chuyển vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã do tác động của dịch COVID-19 để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã khắc phục khó khăn, chuyển tiếp thuận lợi sang Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khi ngăn chặn được dịch bệnh.