Lớp 1 học trực tuyến: Lúc ở nhà, mẹ chính là cô giáo
Dù đã xác định rõ tinh thần đón năm học 2021- 2022 theo cách mới, nhưng thời điểm này trước thềm năm học mới chỉ ít ngày, nỗi lo dạy- học trực tuyến với học sinh (HS) lớp 1 vẫn đang là sự quan tâm chung của người lớn.
Theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh cần phải phối hợp với giáo viên (GV) nhà trường trong các hoạt động giáo dục, để khi cần có thể học cùng con, giúp con thích nghi với hoạt động học tập.
Trước mắt, giúp HS tương tác với giáo viên
Chỉ còn 1 tuần nữa, năm học mới 2021- 2022 sẽ chính thức bắt đầu. Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GDÐT khẳng định, học sinh (HS) lớp 1 là đối tượng đặc thù, các địa phương xây dựng kế hoạch dạy học làm sao tận dụng tối đa thời gian vàng để dạy trực tiếp trên lớp, hạn chế học trực tuyến.
Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, HS lớp 1 tại tỉnh Hưng Yên đã tựu trường từ ngày 25/8. Sau ngày khai giảng, các em học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Phòng chống Covid-19, các em sẽ học theo hình thức chia đôi lớp, chia ca sáng - chiều, đảm bảo không quá 1/3 số học sinh lớp 1 đến trường tại cùng thời điểm.
Trong khi đó, Thừa Thiên-Huế quyết định không dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1, địa phương này sẽ mời giáo viên giỏi ghi hình, tập hợp video để các em học qua truyền hình. Mỗi tiết học dự kiến sẽ chỉ từ 20-25 phút, thay vì 35 phút như học trực tiếp và chỉ học các môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức.
Lãnh đạo Sở GDĐT Thừa Thiên-Huế cho rằng, học sinh chưa biết chữ, khó có thể học trực tuyến hiệu quả. Khi dạy qua truyền hình, các bài giảng được lưu lại, các em có thể chủ động học đi, học lại nhiều lần. Chưa kể, giải pháp này giải quyết được cả vấn đề ở những vùng khó khăn, học sinh không có mạng internet để học.
TP. Đà Nẵng thì xác định không coi phương thức dạy trực tuyến là chủ yếu, nhất là với học sinh đầu cấp, vì ngoài việc không đạt hiệu quả như mong muốn, còn có thể ảnh hưởng sức khoẻ, tinh thần của học sinh. Nếu sau hai tuần làm quen, dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, thành phố sẽ xin ý kiến, hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Còn tại Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội chia sẻ, sau khi Hà Nội hết giãn cách theo Chỉ thị 16, có thể học sinh chưa được đến trường ngay để đảm bảo an toàn cho các em. Do đó, các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học sao cho hiệu quả, nhất là học sinh lớp 1. Sở GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, tinh thần là các trường dành 7-10 buổi đầu để học sinh làm quen, tương tác với giáo viên.
Cần lắm sự đồng hành của cha mẹ
Cô giáo Nguyễn Minh Tâm, Trường Tiểu học Đại Kim (Hoàng Mai- Hà Nôi) chia sẻ, các HS từ bậc học mầm non vào lớp 1 còn bỡ ngỡ trong cách học, chưa biết thao tác máy móc, ý thức học chưa cao, chưa thể chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở đúng yêu cầu môn học, tiết học…
Như vậy, học trực tuyến nếu không có hỗ trợ của phụ huynh thì rõ ràng các GV sẽ vô cùng vất vả trong quá trình dạy học.
Kinh nghiệm nhiều năm chủ nhiệm lớp 1, cô Tâm khẳng định: Để trò học online thành công, phụ huynh góp công sức 40%, GV 30%, HS 30%. Việc hỗ trợ, kèm cặp HS lớp 1 của PH cần ít nhất trong 1 - 2 tháng mới có thể tạm yên tâm. Bởi phải mất chừng đó thời gian thì HS mới làm quen và bắt nhịp với môi trường, điều kiện, thói quen học tập mới.
Nhằm giúp HS lớp 1 học tập đạt hiệu quả, ngay từ bây giờ Ban giám hiệu Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm – Hà Nội) đã yêu cầu GV phải làm tốt khâu phối hợp với cha mẹ. Cụ thể, sau khi chia lớp, GV chủ nhiệm lập các nhóm Zalo để hướng dẫn phụ huynh cách đăng nhập phần mềm Zoom; tổ chức cho phụ huynh, HS gặp mặt trực tuyến và phổ biến quy định, nội quy. Ngay sau khi dự khai giảng trực tuyến (5/9), HS lớp 1 có thể bước vào học tập dưới sự hỗ trợ thành thạo của bố mẹ.
Theo các chuyên gia giáo dục, trong dạy và học trực tuyến, dạy và học từ xa ứng phó với dịch bệnh như hiện nay, lúc ở nhà cha mẹ cũng chính là thày/ cô giáo theo đúng nghĩa. Để tránh tương tác một chiều, để hình thức trực tuyến lớp 1 hiệu quả đòi hỏi kỹ năng cả hai phía: GV và phụ huynh. GV chuẩn bị nội dung ghi hình hoạt động bằng những kênh khác nhau như gửi link, YouTube để phụ huynh dựa vào hướng dẫn con em khi ở nhà.
TS Nghiêm Xuân Huy -Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), khẳng định: Chỉ có sự tác động của GV về mặt kiến thức, kỹ năng thì chưa đủ mà PH, gia đình cần hỗ trợ thêm cho HS từ phương diện kỹ thuật, hạ tầng, hình thành thói quen học tập, sự thích ứng với bối cảnh học tập…
Hơn nữa, phải hiểu lớp 1 khi dạy trực tiếp đã khó thì dạy qua màn hình còn khó hơn. Không phải phụ huynh nào cũng có thể dành hết được thời gian cho tất cả các ngày con học, nhưng phụ huynh nên dành mọi thời gian có thể để cùng con nắm lại kiến thức, và giúp con ôn luyện bài như cách mà GV đã trao đổi.
Không đủ điều kiện dạy trực tuyến, sẽ học qua truyền hình
Trong hướng dẫn mới nhất của Bộ GDĐT về thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022. Bộ yêu cầu các địa phương không đủ điều kiện dạy trực tuyến đối với lớp 1, lớp 2 có thể cho trẻ học qua truyền hình.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục phối hợp cùng cha mẹ HS triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” đã được Bộ GDĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng, phát sóng bắt dầu từ ngày 6/9/2021; hướng dẫn giáo viên sử dụng các bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” để gửi bài giảng đến cha mẹ HS qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email … ;phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn HS chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.