Cơm Pồi của người Chứt

Triệu Mai 28/08/2021 15:58

Cơm Pồi là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt sinh sống ở huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình).

Từ nguồn lương thực của đồng bào Chứt làm ra, đó là ngô, sắn, lúa nương, đỗ… bà con đã chế biến ra món cơm Pồi thơm ngon, độc đáo. Cơm Pồi được xem như sự tổng hòa tất cả sự tinh túy của các loại lương thực đó.

Theo lời bà con người Chứt, để có món cơm Pồi ngon thì phải chọn lựa nguyên liệu kỹ càng. Ngô hạt ngâm nước trong khoảng 12 tiếng, sau đó vớt ra để ráo, rồi cho vào cối giã mịn. Lúa nếp nương giã loại bỏ vỏ trấu rồi giã gạo mịn thành bột. Củ sắn bóc vỏ, thái mỏng, ép giập, vắt kiệt nước.

Các nguyên liệu chuẩn bị xong sẽ được trộn đều với một ít nước lã, muối. Sau đó, tùy theo điều kiện, hoặc sở thích của từng gia đình mà áp dụng những cách thức khác nhau. Có người cho nguyên liệu đã pha trộn này vào ống tre - như kiểu làm cơm lam của người Thái, người Mường - rồi lấy lá chuối rừng nút chặt phần miệng để giữ nhiệt cho cơm mau chín.

Cơm Pồi cũng được cho vào ống tre nướng tương tự món cơm lam.

Khâu chọn ống tre cũng đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của cơm Pồi. Để cho ống tre khỏi nứt, đồng bào Chứt dùng dao tước bỏ phần vỏ cứng bên ngoài của ống tre. Những ống tre đặt trên lửa than độ một giờ đồng hồ. Đến lúc có mùi thơm tỏa ra là cơm Pồi đã chín.

Ngoài ra, cách nấu cơm Pồi có thể làm theo phương thức luộc ống. Tức là cho các ống tre có đựng cơm Pồi vào nồi, dựng miệng ống có bịt lá chuối lên trên, đổ nước vào đun cho đến khi nào toả ra mùi thơm là cơm chín.

Cách thứ ba, như kiểu hấp cách thủy ở miền xuôi. Theo đó, cho nguyên liệu vào “nghè hôông” (một dạng chõ) cùng với nước gọi là “nồi nân”, lấy mo chuối vấn quanh miệng, bắc lên bếp đun lửa đồ chín thành “cơm Pồi” hay nấu như kiểu đồ xôi của người Việt. Tuy cách nấu này nhanh hơn nhưng cơm Pồi lại không ngon, không mang được hương vị độc đáo.

Mặc dù có nhiều cách nấu cơm Pồi nhưng bà con người Chứt thường dùng phương thức nướng than, bởi nó đem lại cho món cơm hương vị đặc biệt nhất, vừa có vị thơm của lớp lụa tre rừng vừa có độ dẻo của gạo nếp, độ bùi của các nguyên liệu khác.

Đồng bào Chứt thường ăn cơm Pồi với canh rau rừng, nấu với các loại cá, hoặc thịt chặt thành miếng vừa phải đem nướng hay ướp muối, cho vào ống tre vùi trong lửa than. Bên cạnh đó không thể thiếu món ốc đực. Ốc đực ở Minh Hóa rất nhiều và thường sống ở các khe suối có nước trong, sạch. Con ốc đực là món quen thuộc với vùng quê này và đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Ốc đực có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng món phổ biến nhất là ốc luộc. Ốc đực luộc chín lên chấm với muối lá chanh, muối ớt. Khi ăn thì lấy gai bưởi khều, vị ốc rất thơm ngon. Nước luộc ốc có thể nấu canh rau khoai hay các món canh chua khác, ăn rất đậm đà, bắt miệng trong mùa nắng nóng.

Ngoài ra, ốc đực còn được chế biến thành món ốc chiên, nước ốc chấm với bánh tráng (bánh đa) khiến thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Triệu Mai