Dạy học trực tuyến: Cách nào hiệu quả?

Nhóm Phóng viên 30/08/2021 06:30

Dạy và học trực tuyến như thế nào để đạt hiệu quả là băn khoăn của không chỉ các bậc phụ huynh mà còn của ngành giáo dục.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, học trực tuyến (online) là một giải pháp tình thế cần phải áp dụng rộng rãi tại các tỉnh, thành đang áp dụng giãn cách xã hội. Bởi năm học mới đã bắt đầu, và buổi học đầu tiên của phần lớn học sinh sẽ bắt đầu từ thứ 2, ngày 6/9. Nhưng dạy và học trực tuyến như thế nào để đạt hiệu quả là băn khoăn của không chỉ các bậc phụ huynh mà còn của ngành giáo dục.

Nữ sinh TP HCM trong ngày khai giảng năm học 2020 – 2021 Ảnh: Thanh Tùng.

1. Hà Nội là một trong những tỉnh thành hiện đang áp dụng giãn cách xã hội. Tuy vậy, ngành giáo dục Thủ đô đã triển khai nhiệm vụ năm học mới theo khung kế hoạch mà Bộ GDĐT đã ban hành. Hiện Hà Nội có 786 trường tiểu học với gần 789.000 học sinh, hơn 29.000 giáo viên.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục tiểu học hôm 23/8, một trong những nội dung chính được đề cập đó là việc tổ chức dạy học trực tuyến - giải pháp quan trọng để thực hiện đúng tiến độ kế hoạch thời gian năm học 2021-2022, đồng thời bảo đảm an toàn cho học sinh. Bởi trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 như hiện nay, nếu ngày 6/9, Hà Nội gỡ lệnh giãn cách xã hội thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay được. Điều này đã được ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định: Ngày 6/9/2021 là hết hạn áp dụng giãn cách xã hội lần thứ 3 theo Chỉ thị số 16-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội được kiểm soát thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay. “Do đó, các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả các khối lớp là giải pháp ổn định trong thời gian đầu của năm học 2021-2022. Vì vậy, việc xây dựng phương án dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1”, ông Tiến nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. “Tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh; dành từ 7 đến 10 buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn... sau đó mới triển khai kế hoạch học tập”, ông Tiến nói.

Từ phía các đơn vị, nhà trường cũng đã dành nhiều sự quan tâm cho việc triển khai học online. Một số sáng kiến, giải pháp riêng cũng đã được áp dụng, đặc biệt là đối với học sinh lớp 1, bởi các em chưa biết đọc, biết viết.

Theo bà Đỗ Thị Mai- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (Q. Cầu Giấy), nhà trường đã sẵn sàng các phương án dạy học thích ứng với diễn biến của dịch, kể cả phương án dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1. Điều thuận lợi là các bậc phụ huynh luôn đồng thuận, hỗ trợ và bảo đảm tối đa các điều kiện học tập cho con em mình. Học sinh lớp 2 đến lớp 5 đã cơ bản quen với hình thức học trực tuyến nên không gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn với học sinh lớp 1, nhà trường dự kiến tổ chức họp phụ huynh vào ngày 28/8 để xác định thời gian học tập phù hợp và các biện pháp cần hỗ trợ học sinh. Chủ trương của nhà trường là dành thời gian đầu năm học để học sinh làm quen cách tương tác với thầy cô và bạn bè qua thiết bị điện tử, sau đó triển khai dạy tập đọc, làm toán; việc dạy tập viết sẽ triển khai sau.

Bà Nguyễn Thị Thúy Minh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Q. Tây Hồ) cho biết: Năm học 2021-2022 nhà trường có 8 lớp 1 với hơn 300 học sinh. Mục tiêu quan trọng nhất được đặt ra đối với 8 giáo viên chủ nhiệm lớp 1 là làm sao để các em háo hức, hứng thú vào lớp học tập. Căn cứ tình hình thực tế, nhà trường dự kiến tổ chức cho học sinh lớp 1 học trực tuyến vào buổi tối với yêu cầu 100% học sinh đều có phụ huynh hỗ trợ trong suốt buổi học.

Trong khi đó, theo ông Lê Văn Thăng- Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Mỹ Đức, các trường tiểu học ở 21 xã, thị trấn đã sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến. Phòng yêu cầu từng giáo viên chủ nhiệm tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh, có biện pháp hỗ trợ phù hợp với học sinh lớp 1 trên địa bàn. Riêng với Trường Tiểu học An Phú có nhiều học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ năm học trước, Phòng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện rà soát, hỗ trợ thiết bị học tập, bảo đảm mọi học sinh đều có thể học tập trực tuyến. Trong quá trình triển khai, các trường lưu ý lựa chọn nội dung học tập phù hợp với học sinh ở địa bàn mình, những nội dung chưa thể triển khai sẽ thực hiện bổ sung khi học sinh quay trở lại trường học.

Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) học trực tuyến.

2. Tại TP HCM, nơi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, câu chuyện chuẩn bị cho năm học mới càng được tổ chức một cách khoa học, cẩn thận hơn. Đáng chú ý, theo thống kê của Sở GDĐT TPHCM, hiện nay toàn thành phố có 249 trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm và tiêm vaccine. Trong thời gian sắp tới, các địa phương chưa thể bàn giao những trường đang được sử dụng trong phòng chống dịch để tổ chức giảng dạy năm học mới.

Điều đó, đồng nghĩa với việc TP HCM sẽ áp dụng triệt để hình thức học online, dự kiến có thể hết học kỳ 1. Theo đó, phương án dạy học bắt đầu năm học 2021-2022 tại TPHCM được đưa ra:

- Giáo dục trung học (THCS, THPT, kể cả giáo dục thường xuyên): Từ ngày 1 đến 5/9 sẽ tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức; từ ngày 6/9 sẽ giảng dạy chương trình mới.

- Giáo dục tiểu học: Từ ngày 8 đến 19/9 tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, củng cố kiến thức; từ ngày 20/9 dạy chương trình mới.

- Giáo dục mầm non: Do đặc thù phải dạy học trực tiếp (giữ, giáo dục và chăm sóc trẻ), bậc học này có thể bắt đầu và kết thúc năm học với thời gian riêng, chậm hơn bậc học phổ thông. Trong thời gian trẻ chưa thể đến trường, các cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên xây dựng phim ngắn hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng với sự tham gia của phụ huynh.

Kế hoạch là vậy, nhưng hiện ngành giáo dục TP HCM đang đứng trước một năm học mới ngổn ngang. Bên cạnh tình hình dịch bệnh, năm học này ngành giáo dục TP HCM còn tăng 30.939 học sinh, trong đó bậc mầm non tăng 5.140 em, tiểu học tăng 31.517 học sinh, THPT tăng 1.015 học sinh. Riêng bậc THCS giảm 6.733 em. Toàn thành phố có khoảng 1,71 triệu học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên).

Theo Sở GDĐT TP HCM, học sinh tăng mạnh ở cấp tiểu học, tập trung tại những nơi đang đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao như: TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, quận 12, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Học sinh tăng nhưng thành phố năm nay gần như không xây thêm trường. Do ảnh hưởng từ Covid-19, tiến độ xây dựng các công trình trường học bị đình trệ. Hiện các công trình xây mới, sửa chữa đều chậm tiến độ, không kịp cho ngày khai giảng.

Mặc dù đã chuẩn bị nhiều kế hoạch, nhưng diễn biến dịch bệnh như hiện nay, việc thực hiện học online cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân có nhiều. Trong đó, việc thiếu máy tính, thiết bị học tập trực tuyến là câu chuyện đang làm “đau đầu” nhiều bậc phụ huynh. Ở thành phố với hơn 10 triệu dân như TPHCM, số người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không phải ít. Dịch bệnh lại khiến nhiều gia đình lâm cảnh thất nghiệp, không có nguồn thu. Chính vì thế, việc trang bị máy tính cho con không phải chuyện dễ. Khi nghe thành phố thông báo sẽ dạy trực tuyến cho tất cả học sinh trong thời gian đầu năm học, nhiều gia đình đứng ngồi không yên. Chị Huỳnh Thanh Thảo (Q. Phú Nhuận, TP HCM) cho biết, chị có 2 con, con đầu lên lớp 3, con út năm nay vào lớp 1. Vợ chồng chị đều là công nhân, Covid-19 đã đẩy anh chị vào tình thế thất nghiệp hơn 2 tháng nay. “Tiền ăn còn phải tằn tiện, giờ tiền đâu để mua máy tính cho con học online”, chị Thảo băn khoăn.

Trường hợp của chị Thảo không phải cá biệt. Có gia đình có 3 con, câu chuyện máy tính học online càng căng thẳng. Cũng có gia đình như anh Trần Đức Huy (huyện Nhà Bè) có thể mua thêm máy tính cho con, nhưng hiện TP HCM đang phong tỏa nghiêm ngặt nên không thể ra ngoài chọn mua máy tính cho con. “Đặt mua online cũng không dễ”, anh Huy cho biết.

Đó là chưa kể, nhiều phụ huynh ở nhà nhưng vẫn phải làm việc, mà khi con học cần dùng máy tính thì sao? Những câu chuyện này, đang khiến nhiều gia đình “ngồi trên đống lửa” để tìm cách thích ứng.

3. Câu chuyện học trực tuyến không chỉ là câu chuyện của Hà Nội và TP HCM. Các tỉnh, thành ở miền Nam như Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau… hay các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An… học online cũng đang khiến nhiều gia đình lo lắng tìm cách thích nghi.

Nhưng, những khó khăn đang dần được tháo gỡ, bởi trong bối cảnh hiện nay, học trực tuyến là biện pháp khả thi nhất, để bảo vệ sức khỏe học sinh nói riêng, và người dân nói chung. Còn chuyện thiếu thiết bị hay chưa mua được sách giáo khoa đều có thể khắc phục bằng cách này hay cách khác.

Nhóm Phóng viên