Dừng đến trường, không dừng học
Học trực tuyến là cách hữu hiệu để thực hiện phương châm: “Dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Tại Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: Năm học 2021-2022 là năm học toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, số 1 là chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021- 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu rõ, cần tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.
Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa; xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên.
Lo lắng nhiều hơn của nhiều người đang dồn về lứa học sinh sắp bước vào lớp 1. Một số địa phương như Phú Thọ, Lai Châu, Cao Bằng… tận dụng ngay thời điểm này để cho học sinh lớp 1 tựu trường. Tuy nhiên, không ít địa phương như Bắc Ninh, Hải Dương, Đắk Lắk, Hà Tĩnh... và một số huyện của Bắc Giang đã phải lùi việc cho học sinh lớp 1 tựu trường do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Để xây dựng phương án dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1. Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. Tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh; dành từ 7 đến 10 buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn... sau đó mới triển khai kế hoạch học tập. Trong quá trình triển khai, các trường lưu ý lựa chọn nội dung học tập phù hợp với học sinh ở địa bàn mình, những nội dung chưa thể triển khai sẽ thực hiện bổ sung khi học sinh quay trở lại trường học
Ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết: “Học sinh lớp 1 rất đặc thù khi chưa biết đọc, viết, giáo viên buộc phải tương tác trực tiếp, “cầm tay, nắn chữ” để dạy những chữ cái, chữ số đầu tiên cho các em. Việc dạy học trực tuyến không thể áp dụng máy móc khiến học sinh bị thiệt thòi. Trong mọi trường hợp, chúng ta phải đặt an toàn của học sinh lên trên hết nhưng song song với đó cần đảm bảo quyền lợi được học tập một cách có chất lượng cho các em. Quan trọng nhất là làm thế nào để học sinh lớp 1 được tương tác trực tiếp nhiều nhất với thầy cô giáo”.
Ông Tài nhấn mạnh: Đối với giáo viên việc trước mắt phải chủ động xây dựng kế hoạch môn học, ưu tiên ở lớp 1 cho những môn học mang tính chất nền tảng như môn Tiếng Việt, môn Toán. Còn trong thiết kế các môn học khác, chúng ta tích hợp để làm sao giảm thời lượng để các em dành thời gian cho các môn học mang tính chất nền tảng. Một nguyên tắc nữa là tận dụng thời gian vàng để tăng thời gian học trực tiếp cho các em học sinh lớp 1. Nếu trong điều kiện có thể dịch bệnh kéo dài, học sinh học ở nhà dài chúng ta thực hiện phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Bộ GDĐT đã phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng 51 chủ đề Tiếng Việt lớp 1 tại chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1”, giúp học sinh dễ dàng học âm, học vần). Kho bài giảng gồm 51 số ứng với 51 chủ đề học tập này sẽ được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội để giúp cho các em học sinh trong thời gian ở nhà chúng ta dùng 51 chủ đề học tập này, có thể dùng cho tất cả các bộ sách giáo khoa khác nhau. Và giáo viên, nhà trường cần hướng dẫn phụ huynh trong thời gian ở nhà thì ưu tiên cho học tiếng Việt qua công nghệ này.
“Ở những nơi địa bàn khó khăn, chúng ta đa dạng hóa các hình thức dạy học. Có thể phát phiếu, có thể qua các trao đổi giữa các địa bàn để làm sao duy trì các em trong qua trình tự học. Và chúng ta đều biết, nếu làm khéo, làm tốt đây cũng là cơ hội để giúp các em tự học tập và phối hợp với phụ huynh học sinh gắn kết hơn với chúng ta”, ông Thái Văn Tài nhấn mạnh. “Chúng ta phải tận dụng thời gian vàng để ưu tiên cho học sinh lớp 1, lớp 2. Trường hợp cá biệt, nếu như một địa bàn nào đó mà trong khung thời gian cho phép không thể hoàn thành chương trình năm học được thì địa phương báo cáo với Bộ để nới khung thời gian ra để tiếp tục cho việc này. Chúng ta ưu tiên cho chất lượng, ưu tiên cho độ tuổi, tránh việc làm một cách cơ học và tránh việc làm một cách máy móc dẫn đến việc ảnh hưởng đến chất lượng và tâm lý học tập của các em”.