Một trí thức cách mạng, một nhà giáo yêu nước
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), trong gia đình một nhà nho yêu nước. Gia đình ông có bảy anh chị em, nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại năm, ba người con gái và hai người con trai là Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho.
Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời Trường tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào Trường Quốc học Huế. Tháng 4/1927 tại Trường Quốc học Huế diễn ra một cuộc bãi khóa rầm rộ với quy mô lớn. Nguyễn Chí Diểu bị tên giám thị Pháp chú ý, coi là kẻ cầm đầu những cuộc đấu tranh bãi khóa ở trường, nên đuổi học. Ông liền bàn với Nguyễn Khoa Văn tiếp tục tổ chức bãi khóa để phản đối việc Diểu bị đuổi học. Cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc học Huế lan rộng ra khắp các trường ở Huế và phát triển thành cuộc tổng bãi khóa. Ông bị bắt rồi bị đuổi học, phải trở về quê nhà. Mùa hè năm 1928, ông trở lại Huế, bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng. Tại Huế, Nguyễn Chí Diểu giới thiệu ông đến làm việc ở Quan Hải Tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương do Đào Duy Anh sáng lập và báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây ông có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng. Đặc biệt là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc viết từ Pháp gửi về. Đầu tháng 10/1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bị bắt và bị giam ở nhà lao Thừa phủ (Huế). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, ông được trả tự do nhưng lại bị công sứ Pháp tại Huế không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut. Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937. Từ năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp “Notre voix” (Tiếng nói của chúng ta), “Le Travail” (Lao động), biên tập các báo “Tin tức”, “Dân chúng”. Tháng 5/1939, ông nhận dạy môn Lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội.
Ngày 3/5/1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng ông Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Bác Hồ. Chỉ sau một thời gian ngắn, Bác Hồ đã thấy ông là người có nhiều triển vọng nên liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và cử ông đi học quân sự tại căn cứ địa Diên An. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong năm này và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Năm 1941 ông cùng Bác Hồ trở về Cao Bằng. Sau đó ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng. Ngày 22/12/1944, theo hướng dẫn của Bác Hồ, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ và trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở hàng đầu trong cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Do những cống hiến lớn lao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được thưởng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước.
Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và liên tiếp 6 kỳ sau. Cuộc đời của ông qua các cuộc kháng chiến cứu nước với nhiều cương vị khác nhau: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật...
Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức cách mạng, một nhà giáo yêu nước nên Võ Đại tướng đã dành rất nhiều tình cảm và tâm trí để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam, phát triển nền giáo dục và khoa học trong công cuộc đổi mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình. Nếu trong chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng với khả năng nhìn thấy điểm yếu và tấn công điểm yếu của kẻ địch thì trong thời bình, người trí thức ấy lại tìm ra những thế mạnh nổi trội của nền kinh tế. Ngoài chiến lược về nông nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đề xuất một chiến lược về kinh tế biển và khoa học kỹ thuật về biển. Trong đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành miền công nghiệp thủy sản trù phú. Cái nhìn ấy cũng đã cách đây hơn 30 năm và giờ đây chúng ta cũng đang đi những bước đầu tiên về phía biển…
Ngay từ năm 1985, Đại tướng đưa ra những kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới quản lý trong khoa học và giáo dục, trong đó ông nhấn mạnh đến việc phải có chế độ trả công cho lao động khoa học tương xứng, chấm dứt việc thang lương của thầy cô giáo, kỹ sư… lại thấp hơn cả thu nhập của thầy bói, thầy cúng. Đòi hỏi phải xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, trong đó việc tôn trọng trí thức, khuyến khích nhân tài đã được đại tướng dày công xây dựng trong một bản chiến lược công bố từ tháng 1/1989, đến nay đã được gần 20 năm nhưng vẫn chưa bao giờ vơi đi tính thời sự.
Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ hưu ở tuổi 80. Tuy nhiên, tâm huyết và trí tuệ của ông thì chưa bao giờ ngừng nghỉ.
GS Hoàng Tụy từng kể: Sáng kiến về bản kiến nghị chấn hưng giáo dục do nhóm 24 nhà khoa học - trí thức gửi lên chính phủ năm 2004, chính là lấy ý tưởng từ bản kiến nghị của Đại tướng gửi đến nhóm. Sau khi công bố, bản kiến nghị đã có một tiếng vang lớn, và một số những thay đổi về phân ban, chức danh phó giáo sư, giáo sư... đã được Bộ Giáo dục thực hiện theo đề xuất của bản kiến nghị.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: “Cần phải coi chiến lược con người, “tất cả cho con người và tất cả vì con người” có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những nhiệm vụ lớn lao có tầm quan trọng chiến lược trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội là đào tạo con người phát triển toàn diện, có tinh thần làm chủ và năng lực làm chủ, có tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có trình độ văn hoá và khoa học ngày càng cao, nắm vững kỹ thuật và công nghệ sản xuất, kể cả công nghệ và kỹ thuật cổ truyền, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, có cả những công nghệ hiện đại nhất…”
Đại tướng cho rằng, giáo dục là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật; nội dung giáo dục bao giờ cũng kết hợp chặt chẽ với phương pháp sư phạm. Vì thế, nội dung và phương pháp dạy - học cần hướng cho học sinh suy nghĩ về các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương,… để khi đi vào đời sống không bỡ ngỡ, không sống theo tập quán cũ… mà tích cực tham gia vào cuộc sống mới. Bên cạnh đó, theo Đại tướng, nhân tố quyết định đối với chất lượng giáo dục là đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục. Vì thế, cùng với việc bồi dưỡng trình độ văn hoá, khoa học và năng lực giảng dạy, nghệ thuật sư phạm cho giáo viên, cần chú ý thích đáng tới việc bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, lòng say mê thiết tha yêu nghề, năng lực… và khả năng vận dụng tri thức và kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Mặt khác, vấn đề chăm lo đời sống giáo viên có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Các nhà trường cần đặc biệt chú ý nghiên cứu những hình thức thích hợp để tổ chức sản xuất, cải thiện đời sống cho giáo viên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển khoa học - kỹ thuật. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, được Đảng, Nhà nước giao làm Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, dù công việc rất mới mẻ, nhưng Đại tướng đã đi sâu, đi sát từng nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ. Thành tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những đề đạt, ý kiến với Đảng và Nhà nước. Nhờ đó mà Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từng bước đưa khoa học kỹ thuật Việt Nam sánh kịp trình độ các nước trong khu vực và thế giới. Trong công việc nào ông đều để lại dấu ấn sâu đậm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4/10/2013. Riêng đối với tôi may mắn vì đã được gặp Đại tướng nhiều lần. Cũng như đối với các nhà khoa học khác, tôi luôn được Đại tướng động viên và nhắc nhở làm tốt công việc nghiên cứu cùng với việc phổ biến kiến thức khoa học.