Trở về từ tâm dịch
Chưa bao giờ trên hành trình trở về quê hương, tôi lại bắt gặp nhiều cảm xúc đến thế. Sau những gương mặt che kín bằng kính và khẩu trang, trong những giọng nói vừa thân quen vừa xa lạ là những tâm trạng ngổn ngang, rời khỏi TP HCM trong nỗi nuối tiếc, trông mong, chờ đợi sớm đến ngày trở lại. Ngày đó, dịch bệnh được kiểm soát, ngày đó đất nước chiến thắng đại dịch, cuộc sống người dân được trở lại bình thường…
Hành trình về nhà
Trên chuyến bay 0 đồng này, thân quen bởi lẽ chỉ toàn người dân xứ “nẫu” miền Trung quê tôi. Thậm chí còn có người cùng huyện, cùng xã, cùng làng. Nhưng dù biết cùng quê mà chẳng ai dám nói chuyện với ai để bảo đảm phòng dịch. Tôi tìm thấy trong từng ánh mắt của bà con là niềm mong mỏi được trở về quê hương Bình Định.
Ngày 22/8, đúng 1 ngày trước khi TP HCM áp dụng giãn cách nghiêm ngặt, sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều bà con đã đến từ lúc 6h sáng. Trong số họ, lác đác những người tay xách nách mang, ôm con nhỏ ngồi đợi trong những bộ đồ bảo hộ đóng kín.
Gần 11h trưa, gần 200 người mặc trong đồng phục bảo hộ màu xanh đi vào phía bên trong sân bay, xếp thành hàng trong khu vực đợi. Chẳng thể phân biệt được ai. Ai già ai trẻ, chỉ có thể đoán dựa vào bước chân nhanh hay chậm, lưng thẳng hay đã còng, thấp hay cao mà đoán số tuổi. Phụ nữ thì dựa vào cái bụng để đoán có bầu không, bầu bao nhiêu tháng.
Nhận ra một người quen, là anh Đồng Trần Việt Ái, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định, đang loay hoay tìm cách giúp cho từng người một có đầy đủ giấy tờ. Bởi lẽ rất nhiều trường hợp là người già, không biết sử dụng điện thoại, mà không có người thân đi kèm. Tôi tiến đến gần anh mong hỏi đôi điều nhưng anh không có phút nào rảnh rỗi.
Không thể không thấy mồ hôi đang nhễ nhại sau lớp đồ bảo hộ đang che kín toàn thân thành viên đại diện cho bà con đồng hương Bình Định sống ở TP HCM này tạm xa rời thành phố. Mồ hôi chảy xuyên qua chân mày, chảy xuống mắt, mặn chát sau lớp kính chắn giọt bắn của anh và những người trong Ban Tổ chức.
“Trường hợp này không có chứng minh nhân dân phải làm sao?”
“Trời ơi, bà con đứng cách ra 2 mét, có đồ bảo hộ chưa, có giấy xét nghiệm âm tính chưa?”
“Sao giờ này mới đến?! Vào làm thủ tục nhanh, khử khuẩn toàn thân chưa?”
Là những câu nói được anh Hà Thế Trung, một trong những người trong Ban Tổ chức chuyến bay 0 đồng đưa người dân về quê hương Bình Định, thường xuyên lặp lại trong lúc chạy tới chạy lui hỗ trợ bà con làm thủ tục.
Ngồi kế bên tôi, bà Nguyễn Thị Hiệp (56 tuổi, TP Quy Nhơn) vừa lau nước mắt vừa kể: “Cô làm ăn trong Sài Gòn đã gần 10 năm nay, xa nơi này cũng buồn lắm. Nhưng dù gì về quê như thế này là biết mình may mắn hơn những người còn đang khó khăn mắc kẹt lại. Đây là một việc làm thiết thực và ý nghĩa vô cùng của tỉnh Bình Định, giúp giảm tải số lượng người ở thành phố trong lúc dịch bệnh thế này.
Cô còn có mẹ già gần 90 tuổi, biết cô mất việc làm, không còn tiền nên bà cứ gọi điện lại nói, về đi con. Nhưng về lúc này mà con cháu còn ở kẹt lại thì cũng không yên tâm được”.
Chị Bùi Thị Như Ý (37 tuổi, Hoài Xuân, Hoài Nhơn) có thai 28 tuần, chia sẻ: “Tôi mừng lắm, biết nói làm sao để cảm ơn Ban Tổ chức và tỉnh nhà. Thực sự ở lại thành phố lúc này với vợ chồng tôi quá khó khăn, tôi lại đang có thai cho nên cuộc sống chật vật lắm. Tôi biết còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn tôi, mong bà con mình sống bình an qua đại dịch và sớm được về với gia đình”.
Ở nơi kia có một cụ già trong số hành khách chuyến bay 0 đồng này. Ông Đặng Mạnh (83 tuổi, Ân Đức, Hoài Ân), ngồi bệt xuống nền gạch sân bay, giọng rưng rưng chưa hết mừng rỡ: “Chuyến bay nghĩa tình quá, ý nghĩa quá. Nghe tin được về quê là tôi thức nguyên đêm, nên giờ cũng hơi mệt.
Biết nói gì bây giờ, tôi cảm động muốn khóc, tôi mừng lắm, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến toàn thể Hội đồng hương và lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đặc biệt đến bà con làm ăn ở TP HCM”.
Điệu Bài Chòi trên chuyến bay đặc biệt
Máy bay cất cánh. Ít phút sau đèn báo hiệu phát âm thanh máy bay đã đạt được độ cao chuẩn. Sau lưng tôi, một bé gái khóc nhè kêu mẹ, người mẹ trẻ hơn 30 tuổi vội vàng vỗ lưng, âu yếm: “Nín đi con, sắp về đến nhà rồi. 7 ngày cách ly xong là được về với ngoại. Ngoại cho con cưỡi trâu và làm con châu chấu bằng lá dừa cho con nữa”. Đứa bé im lặng, ngả vào vai mẹ ngủ yên bình.
15 phút trôi qua. Có vẻ chẳng ai ngủ được lúc này, tôi nhìn sang hàng ghế bên cạnh, một cặp vợ chồng ôm 2 đứa con nhỏ đang nhìn ra những cụm mây treo như ngóng đợi từng giây máy bay hạ cạnh xuống sân bay Phù Cát.
Không gian yên ắng đến ngạt thở. Bỗng, ở hàng ghế thứ 6, trước tôi 2 băng, một giọng ca bài chòi vang lên. Giọng Tuy Phước đặc sệt. Tuy hơi khan nhưng còn chắc nịch, mạnh mẽ đầy khí khái người Bình Định, nghe giọng tôi đoán chắc đã qua thất thập. Ông hát một trích đoạn trong bài chòi “Kể về Bình Định quê tôi”:
“Ai về xứ Nẫu quê tôi,
Sẽ thấy nàng Tô Thị đứng đợi vọng phu,
Mắt trông/ ra biển (ơ) mịt mù,
Sương chang nắng táp, ngàn thu lưu truyền…”.
Giọng nghe chan chát nằng nặng khiến vài người ngồi gần ngoái lại nhìn, có người mỉm cười, có người vỗ tay, còn tôi nghe sóng mũi mình cay cay. Là quê hương, là tiếng gọi của quê hương Bình Định vẫn thủy chung, son sắt, nghĩa tình.
Người Bình Định “cực chẳng đã” mới phải xa thành phố này. Nhưng tất cả vẫn mang ước hẹn một ngày gặp lại một Sài Gòn -TP HCM mạnh mẽ hơn, phát triển hơn.
Anh Đồng Trần Việt Ái, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP HCM, Chủ tịch Hội đồng hương Quy Nhơn: Trong đợt đại dịch này Hội đồng hương đã làm 3 việc. Thứ nhất là vận động quyên góp tiền để trợ cấp cho bà con người Bình Định đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP HCM gặp khó khăn từ 1,5 triệu đến 4 triệu đồng/người. Tổng cộng số tiền gần 1 tỷ đồng. Thứ hai là tiếp nhận và phân phát hơn 3.000 phần quà nghĩa tình từ quê hương Bình Định chuyển vào cho hơn 3.000 bà con. Thứ ba là tổ chức 7 chuyến bay, đưa gần 1.400 người trở về quê. Đó là người già, phụ nữ có thai, các em học sinh trở về đi học, người vào TP HCM trị bệnh.
Anh Phan Văn Phúc - Thành viên BCH Hội đồng hương An Nhơn tại TP HCM: Kêu gọi giúp đỡ với danh nghĩa học sinh An Nhơn 1, những ngày vừa qua chúng tôi đi khắp thành phố trao những phần quà cứu trợ cho bà con từ lúc dịch bùng phát. Cùng hỗ trợ gồm có anh Đồng Trần Việt Ái, anh Trần Như, anh Hà Thế Trung, anh Phạm Đình Chi và một số anh chị em trong Hội đồng hương Bình Định luôn có mặt ở sân bay hỗ trợ tỉ mỉ chi tiết cho bà con từ trang phục bảo hộ, khai báo y tế, đồ đạc chuẩn bị, dẫn qua an ninh vì rất nhiều bà con chưa từng đi máy bay.
Đây là chủ trương rất nhân đạo của UBND tỉnh Bình Định và Hội đồng hương Bình Định tại TP HCM. Dự kiến còn 3 chuyến bay nữa, nhưng TP HCM đang tạm dừng tất cả phương tiện theo Chỉ thị 16. Đây là một khó khăn lớn đối với công tác đưa bà con về quê. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cùng nhau kiến nghị lên các ban ngành để tìm cách tạo điều kiện để bà con còn kẹt lại ở Sài Gòn được về quê trong những chuyến bay tiếp theo, hoặc phương tiện khác trong điều kiện phòng chống dịch bệnh cho phép.
Ngân sách từ nguồn xã hội hóa, từ các mạnh thường quân nên bà con được hỗ trợ chuyến bay 0 đồng, chi phí ăn uống, chăm sóc y tế đều được tỉnh tài trợ. Về khu cách ly tại các doanh trại quân đội có các ban chỉ huy quân sự tỉnh lo, bà con chỉ tốn chi phí test Covid-19.