Dạy - học online với học sinh lớp 1: Làm sao để hiệu quả?
Trong tuần vừa qua, nhiều nhà trường đã cho học sinh (HS) lớp 1 chính thức bắt đầu năm học mới 2021-2022. Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh và cả giáo viên, thì việc học trực tuyến đối với lớp 1 khá vất vả. Làm thế nào để có cách dạy và học phù hợp đối với lứa tuổi này? PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện với chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Thụy Anh.
PV: Thưa bà, việc dạy học online cho HS lớp 1 được nhiều giáo viên, phụ huynh đánh giá rất khó khăn. Có quan điểm cho rằng, lớp 1 nên lùi thời gian học lại đến khi học trực tiếp, còn lớp 2 trở lên mới bắt đầu học online. Ý kiến của bà như thế nào?
TS Nguyễn Thụy Anh: Việc học trực tuyến ở Hà Nội có phần dễ thực hiện hơn so với những địa phương tỉnh xa. Cá nhân tôi cũng rất băn khoăn, bởi nếu dịch bệnh kéo dài, cứ để các em nghỉ tràn như thế này, không có hoạt động nào hỗ trợ các em thì cũng rất là thương. Vì các em cũng rất háo hức mong đợi được đi học. Khi đến độ tuổi này, các em đã sẵn sàng cho việc học rồi mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội đó cũng rất đáng tiếc.
Tôi cho rằng với trẻ lớp 1, lớp 2, khi mà các bạn nhỏ mới rời môi trường mầm non lên tiểu học, để làm quen với việc học, những kỹ năng học trong nhà trường, phân biệt giờ học - giờ chơi, lắng nghe, tập trung, viết bài, phát biểu… thì tối ưu nhất vẫn là môi trường học trực tiếp. Không có gì thay thế được sự tương tác, chia sẻ, giữa hoạt động chơi và học, giữa các hoạt động trải nghiệm với các bài học phải cân đối...
Tuy nhiên dịch bệnh là bất khả kháng, chúng ta đành chấp nhận việc học online với HS lớp 1 như là biện pháp đối phó tạm thời. Nhưng cũng cần có những giải pháp, có suy nghĩ để ngay lập tức có thể thích nghi với phương pháp học online. Và chúng ta sẽ phải điều chỉnh nó. Vì nó không phải là học trực tiếp nên các phương pháp tiến hành phải khác; và cách chúng ta thiết kế mỗi bài giảng phải có đặc thù riêng.
Là một chuyên gia giáo dục, rất gần gũi với HS lứa tuổi tiểu học, bà có gợi ý gì về phương pháp dạy học online trong giai đoạn này?
- Với các em lớp 1, lớp 2, các giáo viên nên suy nghĩ trong kế hoạch dạy học, chỗ nào tạm thời ngắt bớt trong thời điểm này, chỗ nào cần tập trung nhiều hơn. Lượng kiến thức có thể co lại một chút, chia nhỏ khoảng thời gian học trong ngày làm sao cho thời lượng vừa đủ để không khiến các em bị phụ thuộc vào công nghệ, cũng như mệt mỏi, căng thẳng nếu như cứ ngồi mãi trước màn hình.
Tôi cũng để ý, theo dõi các em trong thời gian học online năm ngoái, ngay các bạn HS lớn hơn khi phải ngồi trước màn hình lâu là các em cũng không muốn nghe nữa. Do vậy, với các em lớp 1, chúng ta phải lên hẳn phương án hỗ trợ giáo viên chứ không để các thầy cô giáo tự mày mò.
Có thể cùng chuyên gia đưa ra mô hình, 1 buổi học bao nhiêu phút? Trước đây 35 phút giờ có thể co lại 20 phút với những bài khởi động thật tốt. Chỉ cần 3-5 phút nhưng những bài tập, điệu nhảy, vỗ tay, lắc cổ, vươn vai, nhún nhảy… khi đã được khởi động tốt thì học sinh lớp 1 sau đó có thể tập trung rất tốt trong vòng 10-15 phút. Bước tiếp theo, giáo viên ngay lập tức cần tận dụng thời điểm HS tập trung để trình bày nội dung.
Có thể chia 1 tiết học thành 2 phần: Phần trình bày đưa kiến thức mới. Phần làm bài tập củng cố, giáo viên đề nghị HS không cần nhìn màn hình, lúc này màn hình có thể để hình ảnh đẹp, vui nhộn chứ không cần thầy cô giáo hiện trên màn hình và không bắt buộc HS phải nhìn vào màn hình.
HS có thể đi ra khỏi màn hình ngồi vào bàn khác để làm bài tập nhưng đồng thời vẫn nghe giọng của cô, nếu em nào muốn hỏi vẫn có thể chạy đến máy tính hỏi giáo viên.
Thế còn vai trò của phụ huynh, thưa bà?
- Sự hợp tác của phụ huynh trong việc các bạn lớp 1, lớp 2 học online rất quan trọng. Tài liệu để các em viết vẽ, tô màu, giáo viên cần gửi trước cho phụ huynh in sẵn. Với sự hỗ trợ của công nghệ, trình bày bài của giáo viên có thể thiết kế dưới nhiều hình thức đa dạng, lôi cuốn sự chú ý HS. Chúng ta có thể có thêm những thư viện bài giảng được thiết kế sẵn để hỗ trợ giáo viên.
Xen kẽ tương tác với HS, thầy cô vẫn có những clip có độ dài 1-3 phút đưa ra tình huống, câu chuyện kể… Những clip ngắn chứa đựng nội dung kiến thức mới, thầy cô sau đó gửi cho phụ huynh. Phụ huynh có thể cùng HS xem lại ở những thời điểm khác nhau trong ngày chứ không nhất thiết suốt từ sáng tới chiều diễn ra các hoạt động học tập.
Ngoài ra các điệu nhảy, thể dục giữa giờ, đặc biệt nhiệm vụ trải nghiệm, các bài tập gắn liền thực tế cần chú trọng xây dựng.
Bố mẹ cũng cần thiết kế góc học tập có đủ ánh sáng làm sao không ảnh hưởng đến mắt, góc học tập này tương tự chỗ ngồi khi em trên lớp. Góc học tập online sẽ được thiết kế như một không gian riêng, tùy điều kiện gia đình nhưng đảm bảo không để trẻ bị ảnh hưởng bởi đồ chơi, hoạt động sinh hoạt hằng ngày không ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ.
Như vậy, một giáo viên, để dạy trực tuyến hiệu quả cần rất nhiều yếu tố, thưa bà?
- Vai trò của thầy cô rất quan trọng. Trong việc dạy trực tuyến, ngoài chuyên môn, giáo viên còn phải nắm bắt được kỹ thuật công nghệ thông tin. Đây sẽ là thử thách với một số thầy cô, chẳng hạn thiết kế bài giảng làm sao ngắn gọn, hay, giúp HS tập trung. Điều này cần phải có sự tập huấn cho thầy cô.
Ngoài ra, thầy cô cần nghĩ thêm phương án, kịch bản khi dẫn dắt hoạt động học tập. Trên lớp, giáo viên có thể nhắc nhở HS nhưng ở không gian gia đình các em có nhiều sự chi phối, mất tập trung. Do đó, thầy cô có thể vào vai nhân vật nào đó lôi cuốn sự tập trung của các em vào câu chuyện của mình.
Kỹ thuật lôi cuốn sự chú ý, tạo động lực khi các em tham gia lớp học là điều các thầy cô phải để ý hoặc phải được tập huấn kỹ. Có bao nhiêu phương pháp, hôm nay vào vai 1 nhân vật nào đó, hôm sau sẽ đưa ra câu đố để các em suy nghĩ, hôm sau nữa thì có thể đưa ra 1 tình huống hoặc kể câu chuyện chen vào trong quá trình trình bày kiến thức mới.
Trong việc dạy học trực tuyến khâu đánh giá, xếp loại HS sẽ khó khăn hơn so với dạy học trực tiếp. Bà có góp ý gì về vấn đề này không?
- Thời điểm này chúng ta sẽ phải rất linh hoạt, mỗi nhà trường, gia đình phải có cách hỗ trợ con mình vẫn tiếp cận kiến thức mới, vẫn coi như được chia sẻ với thầy cô, bạn bè trong không gian học tập.
Nhưng có điều chắc chắn chúng ta phải điều chỉnh là cách đánh giá học sinh. Thầy cô phải xem xét đánh giá HS lớp 1, lớp 2 như thế nào để tạo động lực cho các con và không gây áp lực với gia đình về chuyện kiểm tra, thi cử.
Theo tôi, sự đánh giá nên dừng lại ở chỗ làm được hay là chưa, có thực hiện hay là không. Chúng ta tạm thời đánh giá những gì các em đã làm được và khen ngợi các em ở những thành tích đạt được đó.
Trân trọng cảm ơn bà!