Nhóm nam sinh viên trồng rau hỗ trợ người dân vùng dịch
Thành phố bất ngờ bị phong tỏa bởi dịch Covid-19, bị mắc kẹt lại khu trọ, lo sợ không có lương thực để dùng suốt mùa dịch, nhóm sinh viên Bách Khoa TP HCM nghĩ cách trồng rau ở bãi đất bỏ hoang, phân phát cho bà con, nhân sức mạnh vượt đại dịch.
Từ người chờ được hỗ hợ...
Những ngày TP HCM thực hiện giãn cách xã hội lần thứ 4, nhiều sinh viên đang học tập tại các tỉnh phía Nam nói chung và tại trường Đại học Bách Khoa TP HCM nói riêng bị mắc kẹt lại thành phố. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm mua nhu yếu phẩm cho bữa ăn hàng ngày.
Suốt những ngày giãn cách, những sinh viên chưa có thu nhập chỉ biết trông chờ vào từng đợt cứu trợ. Nguyễn Đình Tiến, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cường đều đến từ Nghệ An, đợt dịch lần này họ không thể về quê. Dịch bệnh bùng phát nhanh và phức tạp, để bảo vệ cho bản thân và những người xung quanh, họ ngậm ngùi chọn cách ở lại khu trọ. Cả 4 người đều là sinh viên đang học tập tại trường Đại học Bách Khoa TP HCM.
Trước dịch, để có tiền trang trải, lo toan cuộc sống và đỡ đần cho cha mẹ, họ xin đi làm thêm ở một vài nơi. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, hàng quán đóng cửa, mất việc, họ quanh quẩn trong khu trọ chờ những đợt trợ giúp từ chính quyền và Mạnh Thường Quân.
Nguyễn Đình Tiến, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Bách Khoa TP HCM cho biết, những ngày dịch bùng phát tại thành phố, việc mua đồ ăn trở nên khó khăn hơn. Đa phần người dân đều sợ ra ngoài nên họ thường mua lương thực để tích trữ. Có những hôm, Tiến ra siêu thị muộn nên không thể mua thực phẩm, ngay cả gói mì tôm, trái ớt cũng rơi vào tình trạng trống trơn. Các thực phẩm thiết yếu như: sữa, mì, miến… gần như hết sạch.
Đang không biết phải vượt qua khó khăn bằng cách nào, Tiến và các bạn nghe tin nhà trường sẽ có chính sách hỗ trợ đối với những sinh viên bị mắc kẹt lại thành phố. Họ mừng thầm, an tâm phần nào để thực hiện “ai ở đâu, ở yên chỗ đó”. Cứ thế, lần này đến lần khác, họ nhận được sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân. Những thực phẩm thiết yếu được mang đến tận tay giúp họ vượt qua hoạn nạn.
“Những thực phẩm được hỗ trợ có: gạo, mì, nước mắm, xì dầu, sữa, một số loại rau củ quả đã giúp chúng tôi có thể cầm cự lại giữa thành phố. Chúng tôi cảm thấy rất biết ơn và càng có thêm động lực ở yên một chỗ cùng người dân chống dịch”, Tiến chia sẻ.
…đến chủ động sáng tạo để hỗ trợ người dân
Vượt qua khó khăn, biết có nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh giống mình, nhóm bạn trẻ nghĩ cách giúp dân. Với lòng trắc ẩn của thế hệ trẻ đang học tập và làm theo tấm gương của Bác, Tiến cùng nhóm bạn nghĩ cách trồng rau ở khu đất bỏ hoang ngay gần khu trọ.
“Ban đầu, chúng tôi chỉ định trồng để phục vụ cho mình và những người dân sinh sống xung quanh khu trọ, thế nhưng thấy tình hình dịch còn lâu dài, biết nhiều người cũng rơi vào cảnh ‘khó’, chúng tôi nghĩ cách nhân rộng mô hình”, Tiến cho hay.
Cứ thế, tận dụng khoảng đất rộng chừng 2.000 m2 từ một dự án bỏ hoang. Gần 1 tháng nay, đúng 6h30 sáng, Tiến cùng 3 người bạn của mình dậy sớm khai hoang trồng rau trên mảnh đất gần khu trọ, 4h chiều hàng ngày, họ lại tranh thủ nhổ cỏ, bón phân, tưới nước cho những hạt mầm. Chỉ sau khoảng 1 tuần, những bó rau muống, rau cải.. đã lên mầm, tốt um tươi xanh. Đến ngày hái “quả ngọt”, nhóm sinh viên cùng chung tay thu hoạch, sau đó, mang đi tận nơi, hỗ trợ những người dân gặp khó.
“Ai rồi cũng có lúc ốm đau, TP HCM cũng không là ngoại lệ. Mấy ngày nay, trên mọi nẻo đường, mọi vùng quê, mọi tầng lớp nhân dân đều chung tay hướng về Sài Gòn với tất cả yêu thương, chia sẻ, động viên. Chúng tôi, thế hệ trẻ không có gì ngoài sức trẻ nên cũng muốn góp một chút hỗ trợ mọi người”, Tiến tâm tình.
Dù toàn là nam sinh, nhưng nhóm bạn trẻ không gặp nhiều khó khăn trong công việc làm nông. Trong thời gian tới, Tiến và nhóm bạn dự định sẽ gieo thêm mầm cây, hỗ trợ bà con suốt mùa dịch. Hiện, nhóm sinh viên vẫn chờ để thu hoạch vụ mùa chính có: 125 gốc bí đỏ, 250 gốc đậu bắp. Dự kiến, số lượng rau trong vụ chính sẽ phân phát cho các hộ dân sinh sống tại phường Tân Phú, TP HCM và một vài khu vực lân cận.