Bộ Y tế nói gì về ‘dược liệu địa long’ có thể phòng, chống Covid-19?

Lan Anh 29/08/2021 15:25

Chiều ngày 29/8, Bộ Y tế khẳng định, chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần Địa long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị Covid-19 của Địa long.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 do biến chủng Delta gây ra đang diễn biến rất phức tạp ở nước ta hiện nay. Lợi dụng tâm lý người dân về việc tìm kiếm các sản phẩm có tác dụng phòng, chống Covid-19.

Một số cá nhân sử dụng mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, chia sẻ những thông tin không chính xác, không có căn cứ khoa học, chưa được kiểm chứng về tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19 của dược liệu Địa long trong thời gian qua.

Dược liệu Địa long. Ảnh minh hoạ.

Theo Dược điển Việt Nam thì dược liệu Địa long (tên khác: Giun đất) là toàn thân đã phơi hay sấy khô của con Giun [Pheretima aspergillum (E. Perrier), Pheretima vulgaris.Chen., Pheretima gitillelmi (Michaelsen), hay Pheretima pectinifera họ Cự dẫn (Megascolecidae). Loại đầu tiên là Quảng địa long, 3 loại còn lại là Hồ địa long.

Cách chế biến: Loài Quảng địa long được thu hoạch từ mùa xuân đến mùa thu. Hồ địa long được thu hoạch vào mùa hạ. Dùng lá Nghể răm ngâm nước, đổ lên mặt đất, bắt lấy giun đất bò lên. Loại bỏ những con giun đất có bệnh. Làm sạch nhớt. Kẹp thẳng giun đất vào que nứa, mổ bụng ngay lập tức, moi bỏ phủ tạng và đất, lau sạch, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp. Địa long có vị mặn, tính hàn. Quy vào các kinh can, tỳ, phế, bàng quang. Công năng thanh nhiệt, trấn kinh, thông kinh lạc, bình suyễn, lợi niệu.

Chủ trị: Sốt cao bất tỉnh, kinh giản co quắp, đau khớp, chân tay tê bại, bán thân bất toại, trúng phong ho suyễn do phế nhiệt, phù thũng, tiểu ít, cao huyết áp. Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 4,5 - 9 g, dạng bột. Thường phối hợp trong các bài thuốc.

Đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần Địa long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị Covid-19 của Địa long.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả người dân không tự ý mua, sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu theo lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh tiền mất tật mang.

Diễn viên Angela Phương Trinh từng chia sẻ nội dung “nuốt địa long 5 ngày hết Covid-19”.

Trước đó, báo Đại Đoàn Kết đã có trao đổi với PGS.TS Phạm Vũ Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền về vấn đề này. PGS.TS Phạm Vũ Khánh khẳng định, về nguyên tắc, y học cổ truyền có khả năng “tham gia” chữa trị triệu chứng cho bệnh nhân Covid-19 nhưng không thể để người bệnh tự chữa được. Bởi đây là bệnh cấp tính, người bệnh cần được bác sĩ có chuyên môn khám, tư vấn và kê đơn thuốc.

Trong đó, “địa long” là một vị thuốc Đông y có có thể dùng làm tan huyết, chống đông máu rải rác. Tuy nhiên, không thể tự ý dùng một cách tràn lan, có thể gây nguy hiểm. Bởi bản thân địa long là chất có tính hàn, khi sử dụng cần dùng kèm với một số loại thuốc khác, hơn nữa “thể nhiệt” thì mới được dùng các loại thuốc có tính hàn.

PGS. TS Phạm Vũ Khánh cũng thông tin thêm, đối với việc dùng địa long tươi chữa bệnh Covid-19 là nghiêm cấm, rất có hại. Nhiều người nhiễm Covid-19 có những triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đại tiện lỏng mà dùng địa long thì tình trạng bệnh càng nặng thêm rất nhiều.

“Không thể tự ý sử dụng địa long, nếu muốn sử dụng, người bệnh cần được xét nghiệm, khám cụ thể về tình trạng đông máu và các chỉ số khác. Nếu trong trường hợp có thể sử dụng cũng cần dùng đúng liều lượng và người bệnh phải được theo dõi hàng ngày bởi đây là bệnh cấp tính, không thể dùng dài ngày như những loại bệnh mãn tính” - ông Khánh khuyến cáo.

Lan Anh