Không tăng học phí năm học 2021- 2022
Theo tinh thần Nghị định mới Chính phủ vừa ban hành về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, năm học 2021 – 2022 mức học phí của các trường mầm non, phổ thông và giáo dục đại học (ĐH) không được vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí năm học 2020 - 2021. Cùng với đó, là qui định về việc miễn giảm học phí với 19 đối tượng người học.
Chia sẻ gánh nặng học phí
Đón nhận thông tin này, nhiều phụ huynh và học sinh rất vui. Bởi trong đại dịch Covid-19 vừa qua, không chỉ riêng hộ nghèo, mà ngay cả những hộ gia đình khá giả cũng lao đao vì kinh doanh không thuận lợi. Chủ trương không tăng học phí, miễn giảm học phí nhằm chia sẻ gánh nặng với mỗi gia đình.
Ghi nhận thực tế cho thấy, đến nay, Đà Nẵng, Quảng Ninh là những địa phương đầu tiên thực hiện việc miễn 100% học phí năm học 2021 – 2022 cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập, nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, tại Đà Nẵng, học phí sẽ được hỗ trợ trong 9 tháng của năm học 2021-2022, dự kiến hơn 87 tỉ đồng từ ngân sách. Học sinh được giảm học phí theo các chính sách của Trung ương và thành phố sẽ được cấp bù phần hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí công lập. Tương tự tại Quảng Ninh, với chính sách này, sẽ có hơn 222.400 học sinh trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi. Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ trong năm học 2021-2022 sẽ là hơn 138,2 tỶ đồng được lấy từ nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 và nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Trước đó, từ năm học 2020- 2021 TP Hải Phòng đã thực hiện miễn học phí 100% cho học sinh mầm non và THCS theo nghị quyết được HĐND TP này thông qua cuối năm 2019. Riêng học sinh THPT bắt đầu được miễn học phí từ năm học 2021 - 2022.
TP HCM cũng quyết định không tăng học phí ở các cấp học trong năm học mới này để chia sẻ với phụ huynh, học sinh trong lúc khó khăn do dịch bệnh. Tại Bình Định, các trường nghề trong tỉnh đã thông báo không tăng học phí, tiếp tục áp dụng mức học phí của năm học 2020 - 2021 sang năm học 2021 - 2022.
Tăng học phí ĐH có lộ trình
Cùng với khối giáo dục phổ thông, Nghị định mới của Chính phủ cũng qui định mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các trường ĐH công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của năm học 2020 – 2021.
Cụ thể, mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo trình độ ĐH tại các trường công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được theo thành 7 khối ngành tương ứng với từng mức học phí. Mức trần học phí năm học 2021-2022 đối với các khối ngành đào tạo trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quy định từ 980.000 đến 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng.
Việc tăng học phí ĐH cũng đã được qui định theo lộ trình cụ thể. Từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1.200.000 đến 3.500.000 đồng/sinh viên/tháng. Cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Như vậy theo lộ trình, kể từ năm học 2022- 2023 trở đi, mức học phí ở các trường ĐH công lập sẽ tăng trên dưới 200 nghìn đồng/sinh viên/ mỗi năm.
Riêng học phí khối ngành Y - Dược có thể sẽ tăng mạnh hơn trong vòng 5 năm tới. Theo đó, ở năm học 2021- 2022 này, mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo trình độ ĐH tại các trường ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư cũng chia theo 7 khối ngành. Trong đó, học phí cao nhất cũng là các khối ngành sức khỏe khác và Y - Dược với mức học phí mỗi tháng 5,05 triệu đồng/sinh viên.
Mức trần học phí với các trường đào tạo Y- Dược công chưa tự chủ từ năm học 2022-2023 là hơn 24,5 triệu đồng/năm. Như vậy là sẽ tăng 58% so với mức trần hiện nay (mức học phí cao nhất mỗi tháng là 1,43 triệu đồng/sinh viên khối ngành sức khỏe khác và Y Dược).
Thời điểm này, trước thềm năm học mới, nhiều ttrường ĐH trên cả nước đã chính thức thông báo không tăng học phí trong năm học mới. Thậm chí có nhiều trường ĐH ở phía còn thông báo giảm, với các gói hỗ trợ từ 30-100% học phí cho người học có gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo Nghị định 81 của Chính phủ (Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021), khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.