Về việc Ireland thu hồi các lô sản phẩm của Acecook: Phải rõ trách nhiệm
Cơ quan an toàn thực phẩm của Ireland đã thu hồi các lô sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam do phát hiện thuốc bảo vệ thực vật Ethylene Oxide không được phép sử dụng tại châu Âu. Về việc này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Các cơ quan có trách nhiệm cần làm rõ xem sai đúng đến đâu.
PV: Cá nhân ông có đánh giá như thế nào về vụ việc này và động thái của các cơ quan chức năng trong nước?
Ông Vũ Vinh Phú: Khi xảy ra vụ việc trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) xác minh, làm rõ thông tin phản ánh mì Hảo Hảo có chứa chất cấm và kịp thời thông tin tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất, đồng thời làm rõ sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm trên để đánh giá sự xuất hiện của chất Ethylene Oxide.
Đặc biệt, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện phân phối trong nước, kiểm tra xác minh, làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi đánh giá các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc rất nhanh chóng và có trách nhiệm.
Lúc này, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng cần hết sức bình tĩnh. Về phía nhà sản xuất cần thu hồi sản phẩm, ngừng ngay dây chuyền sản xuất nếu có vấn để, xem xét thấu đáo để tìm nguyên nhân. Bởi sức khỏe của người dân là vấn đề quan trọng nhất.
Bước tiếp theo, cơ quan chức năng cần làm gì, thưa ông?
- Các cơ quan có trách nhiệm như tôi đã đề cập ở trên cần làm rõ xem sai đúng đến đâu? Trách nhiệm thuộc về ai theo đúng quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh. Người dân và doanh nghiệp luôn tin tưởng vào kết luận của các cơ quan chức năng, do đó cần làm rõ nguyên nhân và công bố để mọi người biết. Bên cạnh đó, người dân cũng cần bình tĩnh, vì đây là thương hiệu lớn được xuất ra thị trường quốc tế nên cần đánh giá cẩn trọng.
Phải làm rõ nguyên nhân là chủ quan, khách quan hay có yếu tố nào tác động? Vì vậy các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để giải quyết. Đặc biệt cần sớm làm rõ nguyên nhân vì nó có sự lan tỏa, có thể làm ách tắc các sản phẩm khác, vì Acecook không chỉ mỗi sản phẩm mì Hảo Hảo mà còn có các sản phẩm khác.
Hàng hóa thường được kiểm nghiệm rất kỹ trước khi xuất khẩu. Nhưng Ireland lại phát hiện ra chất cấm. Vậy ông nghĩ có bỏ sót gì trong khâu tiền kiểm?
- Từ vụ việc trên, cho thấy các thương hiệu sản xuất thực phẩm khác cũng phải tự kiểm tra, xem xét lại quy trình sản xuất của mình, không được chủ quan. Hiện Bộ Y tế có cho phép hậu kiểm, không tiền kiểm như trước đây nữa. Nhưng quan điểm cá nhân tôi cho rằng chúng ta cần phân loại. Ví như cái cốc, bát, đĩa có thể hậu kiểm, còn đồ thực phẩm thiết yếu nên tiền kiểm theo lô. Tuy nhiên cần tiền kiểm nhanh chóng, chính xác để không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Giả sử nếu phát hiện có chứa chất cấm thì kịp thời ngăn chặn trước khi sản phẩm ra thị trường. Bởi nếu hàng triệu sản phẩm này ra thị trường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Thưa ông, từ vụ việc mì tôm Hảo Hảo cho chúng ta bài học gì về đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa trước khi xuất khẩu?
- Theo tôi, chúng ta phải nghĩ đến nguyên nhân sâu xa là bảo vệ sản xuất trong nước cho có uy tín. Tại một số nước họ coi sản xuất là kỷ luật tự giác, không phải “ai đánh roi vào lưng mới làm” mà làm rất nghiêm chỉnh.
Mọi thứ đều có tính lan tỏa, lan tỏa đẹp thì chậm nhưng lan tỏa xấu lại rất nhanh.
Trân trọng cảm ơn ông!