Chống đối người thi hành công vụ: Cần tăng cường xử lý hình sự
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, ngoài việc tuyên truyền pháp luật đến với người dân, cần tăng cường xử lý hình sự, “tội phạm hóa” các hành vi chống đối lực lượng chức năng để răn đe, giáo dục và phòng ngừa các hành vi tương tự trong thời điểm “chống dịch như chống giặc” hiện nay.
“Về sâu xa, các hành vi này thể hiện sự xuống cấp về văn hóa, về đạo đức. Đó là lối sống ích kỉ, chỉ biết mình; một khi lợi ích cá nhân của mình bị xâm phạm, ngăn cản thì nảy sinh tâm lý bức xúc, sẵn sàng phản kháng, chống đối…”
Biểu hiện của sự xuống cấp về văn hóa, coi thường pháp luật
Tình trạng thông chốt, chống đối lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh thời gian thực hiện giãn cách xã hội đang gia tăng rất phức tạp tại các địa phương, đặc biệt là các đô thị đang triển khai áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn chống đối dưới nhiều hình thức như điều khiển phương tiện với tốc độ nhanh qua các chốt; dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; lăng mạ, cản trở việc kiểm soát với lực lượng chức năng… Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng các giấy tờ giả, giấy đi đường giả mua bán tại các chợ đen để đủ điều kiện để đi qua các chốt kiểm dịch.
Trung tá Đào Trung Hiếu cho hay: “Hành vi này gây ra nhiều hệ lụy và hậu quả nghiêm trọng. Thứ nhất là cản trở nỗ lực phòng chống dịch bệnh trong khi tình hình đang rất căng thẳng, đồng thời gây nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ địa bàn này sang địa bàn khác. Đặc biệt là sự đe dọa về sức khỏe, an toàn tính mạng của lực lượng chức năng, xâm hại đến tài sản, cơ sở vật chất của cơ quan nhà nước. Vừa qua cũng đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như lao thẳng xe vào người các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ; hành hung, chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng tại các chốt kiểm dịch…Nhìn chung, tất cả các hành vi này đều thể hiện thái độ coi thường, bất tuân pháp luật của các đối tượng chống đối”.
Về nguyên nhân gia tăng các vụ việc chống đối người thi hành công vụ trong thời gian gần đây, Trung tá Đào Trung Hiếu cũng có những phân tích cụ thể: “Thứ nhất, việc giãn cách xã hội dù muốn hay không cũng đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân từ sinh hoạt thường nhật đến công việc. Việc không được ra đường, không được đến nơi làm việc, đi chợ, thậm chí không có thu nhập…gây nên sự lo lắng, bất an, ức chế nhất định. Việc phải ở trong nhà quá lâu và không được thỏa mãn các nhu cầu về vận động, sinh hoạt bình thường làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người dân nên khi gặp cản trở họ dễ bị kích động dẫn đến phản kháng.
Thứ hai, về nhóm đối tượng bất chấp lệnh cấm để ra đường, do lo ngại về việc bị chặn lại sẽ phải bị xử lý, nộp phạt…nên cách dễ nhất là cho xe chạy vọt qua chốt kiểm dịch bất chấp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của các cán bộ làm việc tại chốt. Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng việc bố trí lực lượng chức năng tại các chốt mỏng nên hành hung, đe dọa, gây khó khăn trong quá trình làm nhiệm vụ”.
Về sâu xa, các hành vi này thể hiện sự xuống cấp về văn hóa, về đạo đức. Đó là lối sống ích kỉ, chỉ biết mình; một khi lợi ích cá nhân của mình bị xâm phạm, ngăn cản thì nảy sinh tâm lý bức xúc, sẵn sàng phản kháng, chống đối, đe dọa, thậm chí tấn công lực lượng chức năng, bất chấp các quy định của pháp luật, sự nỗ lực của cả cộng đồng đang gồng mình chống dịch.
Cần tăng cường xử lý hình sự
Đối chiếu theo quy định của pháp luật, Trung tá Hiếu khẳng định, các hành vi chống đối, thông chốt…trước hết là vi phạm nghiêm trọng các quy định phòng chống dịch bệnh. Các hành vi này có thể bị xử lý hành chính với các tình tiết tăng nặng. Ngoài ra, nếu hành vi chống đối gây ra sự tấn công trực tiếp với các cán bộ chiến sĩ, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch thì còn có thể bị xem xét về hành vi chống đối người thi hành công vụ. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý .
Về hình thức xử lý, Trung tá Đào Trung Hiếu đánh giá: “Hiện nay các cơ quan chức năng cũng đang xử lý rất quyết liệt, không có sự nương tay với những hành động này. Có thể thấy, bất cứ ở đâu khi có các biểu hiện và hành vi chống đối, tấn công lực lượng chức năng thì đều bị khống chế, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định. Các quy định của pháp luật hiện hành nhìn chung cũng đã đủ sức răn đe đối với những hành vi này”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc xử lý nghiêm khắc, nhanh chóng các vụ việc chống đối người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh là việc làm hết sức cần thiết. Đây cũng là một trong những biện pháp để phòng chống dịch bệnh. Thông qua các hình phạt và chế tài xử lý sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật.
Để ngăn chặn tình trạng này, Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho rằng, trước hết phải tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức đối với người dân. Đặc biệt, cần tăng cường sức mạnh trấn áp tại các chốt kiểm dịch. Với những đối tượng phạm tội mang tính quả tang, phải tiến hành khống chế, bắt giữ ngay và xử lý nhanh chóng.
“Tôi đề xuất mọi hành vi chống đối lực lượng chức năng mà có những hành động sử dụng vũ lực, cần phải xử lý hình sự chứ không chỉ xử lý hành chính, “tội phạm hóa” các hành vi chống đối lực lượng chức năng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Còn nếu xử phạt hành chính, phải xử phạt ở khung cao nhất. Khi đó, hình phạt mới nâng cao tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa cho cộng đồng. Tuyệt đối không có chuyện xin xỏ. Khi thấy người khác bị xử phạt nặng, bản thân sẽ tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình, không dám coi thường pháp luật” - Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
“Tôi đề xuất mọi hành vi chống đối lực lượng chức năng mà có những hành động sử dụng vũ lực, cần phải xử lý hình sự chứ không chỉ xử lý hành chính, tội phạm hóa các hành vi chống đối lực lượng chức năng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay”.