Không để ‘nhờn thuốc’
Trong lúc cả nước một lòng chống dịch Covid-19, thì cũng thật đáng tiếc và đáng giận khi có một số đối tượng chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng xấu tới cuộc chiến chống dịch. Những đối tượng “yêng hùng” này đã nhận được sự lên án của toàn xã hội. Nhưng như thế là chưa đủ, cần phải xem xét mức độ của từng hành vi để xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Thật đau lòng khi có đối tượng lao cả xe máy vào người đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch bệnh hòng “thông chốt”. Lại có đối tượng tấn công người làm nhiệm vụ bằng mũ cứng, bằng dao. Đó là những hành động vô cùng nguy hiểm. Nhiều đối tượng không chấp hành khi được yêu cầu kiểm tra, dùng những lời lẽ kích động mạt sát, chửi bới người thi hành công vụ. Có đối tượng lại “nhân danh” mình thế này thế nọ, tự cho mình đặc quyền, thách thức, dọa nạt người làm nhiệm vụ. Cũng từng có đối tượng cả gan đánh nhân viên y tế tại chốt kiểm soát, tại nơi lấy mẫu xét nghiệm.
Những đối tượng ngông cuồng ấy đã bị xử lý phạt hành chính, có đối tượng bị đình chỉ công tác, có đối tượng bị truy tố. Nhưng, như đã nói, nhìn chung mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Và cũng vì thế nhiều đối tượng khác không rút kinh nghiệm, vẫn “lộng hành”, làm càn.
Muốn sớm dập dịch thì đòi hỏi mọi người đều phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định đặt ra. Quy định là chung cho tất cả mọi người, không ai là ngoại lệ. Quy định được cơ quan có thẩm quyền đặt ra là để kiểm soát chặt chẽ, không cho dịch bệnh lây lan, từ đó mới có thể áp dụng hiệu quả các biện pháp dập dịch. Nếu không tuân thủ quy định, không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát thì không thể tránh khỏi dịch bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác, ngày càng lan rộng. Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lập ra “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”, “vùng xanh” với các mức độ kiểm soát khác nhau. Những quy định bắt buộc ấy dựa trên thực tế tình hình để mọi người cùng thực hiện.
Một người tự cho mình cái quyền không chấp hành, nhiều người cũng cho mình cái quyền ấy thì làm sao kiểm soát được dịch bệnh, làm sao dập được dịch bệnh. Việc chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh sẽ phá hủy những nỗ lực cũng như thành quả của công tác chống dịch.
Cần phải nhận thức sâu hơn nữa về nguy cơ và hậu quả của dịch Covid-19, cũng như phải hiểu đúng để triệt để tuân thủ những quy định phòng, chống dịch. Phải nhận thức được rằng, mỗi hành động chấp hành quy định của mình cũng là vì cộng đồng, vì cuộc chiến chống dịch sớm thành công. Ngược lại, mỗi hành vi không chấp hành quy định cũng rất có thể sẽ gây họa cho cộng đồng.
Những người đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm tra, đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm... họ làm là vì ai? Câu trả lời rõ ràng là họ làm vì cộng đồng, vì sức khỏe của người dân. Từng thành viên tại các chốt kiểm soát, các thành viên nhóm lấy mẫu xét nghiệm, các thành viên Tổ Covid cộng đồng... đều là những người từng giờ, từng ngày đối diện với lây nhiễm. Thực tế cho thấy, trong số họ cũng không ít người đã bị virus SARS-CoV-2 tấn công.
Những người đang đối diện với nguy cơ dịch bệnh cần phải được tôn trọng. Không thể vì bức xúc cá nhân hoặc vì bất cứ lý do gì tự cho mình cái quyền xúc phạm họ, chống người thi hành công vụ, không chấp hành quy định phòng, chống dịch.
Dịch bệnh bùng phát, chỉ có chung sức đồng lòng mới khống chế được sự lây lan, nhất là với biến thể Delta vô cùng nguy hiểm như hiện nay. Những đối tượng chống người thi hành công vụ trong dịch bệnh là những kẻ lạc lõng, vi phạm pháp luật.
Chính vì thế, một lần nữa xin được nhắc lại, cùng với việc lên án những hành vi chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch, thì rất cần chế tài nghiêm, phạt nặng, kể cả việc nhanh chóng truy tố và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ có như vậy mới không tồn tại những bức xúc xã hội; nỗ lực và thành quả phòng, chống dịch Covid-19 mới không bị phá hỏng và không còn tình trạng“nhờn thuốc”.