Nỗi lo trẻ em nhiễm Covid-19
Lâu nay nhiều người chỉ quan tâm đến Covid-19 gây biến chứng nguy hiểm ở người lớn, không thật chú ý đến trẻ em. Tuy nhiên, gần đây số ca SARS-CoV-2 tăng lên, khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng.
Trẻ nhỏ cũng chuyển nặng khi mắc Covid-19
Chị Trần Thị Tình (khu phố Ông Nhiêu, phường Long Trường, Thủ Đức, TP HCM) run rẩy tay chân khi nghe bác sĩ thông báo bé trai 15 ngày tuổi của chị bị nhiễm Covid-19.
Chị Tình cho hay, mấy ngày trước thấy chồng và đứa con gái 3 tuổi sốt, mệt nên chị quyết định đưa cả nhà đi bệnh viện xét nghiệm PCR. Một ngày sau bệnh viện thông báo chồng cùng con gái lớn nhiễm SARS-CoV-2. Hai hôm sau đó y tế phường đến xét nghiệm cho bà và bé trai mới sinh. Kết quả xét nghiệm nhanh, 2 mẹ con cũng dương tính.
Chị Tình chia sẻ: “Người lớn bị mắc Covid-19 đã mệt lắm rồi, trẻ em bị mắc còn lo lắng nhiều hơn. Như con tôi, cháu còn quá nhỏ”.
Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết, có những ngày số lượng bệnh nhi nhiễm Covid-19 vượt qua 100 bệnh nhân. Đáng chú ý, nhiều bé chỉ vài tháng tuổi đã nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình. Thế nhưng, sau đó diễn tiến nặng, bệnh chồng bệnh khiến việc điều trị rất khó khăn. Thậm chí, có nhiều trẻ nguy kịch phải thở máy, can thiệp lọc máu.
Vẫn theo các bác sĩ bệnh viện này, trẻ 12 tháng có bệnh, hoặc thừa cân, suy dinh dưỡng nếu không may thành F0 cũng dễ trở nặng không kém người lớn. Có trường hợp, bệnh nhi ho sốt đúng một ngày đã suy hô hấp phải thở máy, kèm nhiều biến chứng tràn khí màng phổi, viêm phổi bội nhiễm cũng khó lường và đáng dè chừng.
Có trường hợp bệnh nhi một tuổi, vỏn vẹn 8 kg nhưng cần tới 8 y bác sĩ Khoa Nhiễm cùng lúc để hỗ trợ cấp cứu qua cơn nguy kịch. Theo các bác sĩ, khi vaccine vẫn chưa với được đến trẻ em thì các cháu bé chính là một trong những đối tượng yếu thế cần được bảo vệ và nâng niu.
Đặc biệt lưu tâm trẻ thừa cân mắc Covid-19
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tính đến ngày 30/8, thành phố phát hiện và điều trị cho 2.415 trẻ em dưới 16 tuổi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP HCM) cho rằng, trẻ em bắt đầu bị Covid-19 nhiều dần. Trẻ nhiễm Covid-19 không sốt bằng sốt xuất huyết, không căng như tay chân miệng. Có khi trẻ tự hết lúc nào không rõ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, trẻ nào quá thừa cân thì việc mắc cần phải được theo dõi, chăm sóc, điều trị.
HCDC cho rằng, trẻ bị Covid-19 là do trong thời gian này trẻ em được ở nhà, không đi học và có thể bị lây từ người lớn trong gia đình. Vì thế, người lớn cần thực hiện đúng quy định phòng, chống Covid-19 để không lây nhiễm sang cho trẻ em. Các bậc cha mẹ, người lớn trong gia đình cần có trách nhiệm, tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.
Mới đây ngành y tế cũng có hướng dẫn chăm sóc F0 là trẻ em. Theo đó, khuyến khích cho trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600 ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ). Trẻ trên 2 tuổi 500 ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày, đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).
Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường. Tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao. Theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào/ngày. Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào dưới 70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cần được tư vấn cụ thể bởi nhân viên y tế.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với trẻ em F0, nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận lợi cho trẻ em trong thời gian thực hiện cách ly, điều trị cho phép cha/mẹ/người chăm sóc trẻ em được đi cùng trẻ em đến cơ sở cách ly hoặc bệnh viện điều trị. Thậm chí, cho trẻ tự cách ly tại nhà nhưng phải cam kết tự nguyện cách ly cùng trẻ em và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.