Sẵn sàng cho việc học từ xa
Thời gian đầu, dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành giáo dục xác định, dạy học trực tuyến đã trở thành việc lâu dài, vừa để thích ứng, vừa triển khai chuyển đổi số để phát triển. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trước thềm năm học mới 2021-2022.
Chủ động học trực tuyến
Trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, ngành Giáo dục đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu chất lượng và đảm bảo an toàn cho thầy và trò. Với những địa phương đang thực hiện giãn cách hoặc tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát ổn định thì phương án học trực tuyến và học qua truyền hình vẫn đang là giải pháp tối ưu nhất.
Tại Hà Nội, nhiều trường đã triển khai học trực tuyến từ đầu tháng 8. Thời điểm đó, một số ý kiến phụ huynh đề xuất nên lùi lại thời gian học trực tuyến với khối lớp 1 vì lo lắng các con chưa làm quen với chữ viết thì việc học sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, đến ngày 6/9 là hết hạn áp dụng giãn cách xã hội lần thứ 3, nhưng nếu tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội được kiểm soát thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay được. Vì vậy, các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả các khối lớp, coi đây là giải pháp ổn định trong thời gian đầu của năm học 2021-2022. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường.
Tương tự, TP HCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng… cũng đã xác định sẽ bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, Sở GDĐT Đà Nẵng xác định trong khoảng 2 tuần đầu tiên, việc dạy, học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ. Sau đó, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy và học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Tại Bắc Ninh, các khối lớp đều tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19. Riêng đối với khối lớp 1 và lớp 2. tuần đầu năm học, giáo viên lựa chọn các nội dung làm quen cùng thầy cô và các bạn trong lớp, xây dựng các video clip giới thiệu về trường, lớp. Bên cạnh đó, tạo tâm thế cho các em sẵn sàng học tập khi được đến trường.
Cần sự vào cuộc của các địa phương
Bộ GDĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022 với yêu cầu chủ động khắc phục tác động của dịch Covid-19, lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Theo hướng dẫn này, các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh lớp 1, lớp 2.
Thời khóa biểu phải bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học; thời điểm tổ chức học trong ngày, trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh. Trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn các em học qua chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” trên kênh VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam, phát sóng từ ngày 6/9/2021.
Phương án đã có, vấn đề làm sao triển khai trong thực tiễn đạt hiệu quả thì cần sự vào cuộc của các địa phương và từng gia đình. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết năm học 2021 - 2022 có gần 200.000 em đến trường, trong đó học sinh hoàn cảnh khó khăn trên 14.000 em. Số học sinh bị ảnh hưởng Covid-19 (F0, F1, F2, trong khu cách ly phong tỏa) là 695 em. Hiện tỉnh đang huy động hỗ trợ các đối tượng học sinh, không để các em thiếu dụng cụ, sách giáo khoa khi trở lại trường học sau dịch Covid-19.
Vĩnh Long cũng chia thời gian học chính thức của học sinh các khối lớp làm 3 đợt, trong đó, muộn nhất là khối mầm non, tiểu học 20/9, lớp 9 và 12 bắt đầu từ 6/9, khối lớp khác từ 13/9. Phương án học từ xa gồm học trực tuyến hoặc học qua truyền hình cũng đang được địa phương chuẩn bị kịch bản chi tiết để đảm bảo không bị động nếu học sinh phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh.
Dịch bệnh tại một số địa phương có thể còn phức tạp và kéo dài, không loại trừ những bất ngờ khó lường nên không thể cứ trì hoãn năm học mới được. Học trực tuyến, học qua truyền hình là giải pháp thích nghi tốt nhất với tình hình hiện tại.
Ngay cả trong trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp, việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ, bổ sung rất tốt. Bởi trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục, những phương án dạy học từ xa cần được duy trì và phát huy để thầy và trò làm quen, thích nghi và sẵn sàng học tập trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ triển khai mạnh hơn trong thời gian tới việc tăng cường kho học liệu số, các bài giảng trên truyền hình và các hoạt động hỗ trợ khác. “Bộ cũng sẽ điều chỉnh lại nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh”- Bộ trưởng khẳng định.