Siêu bão Ida càn quét nước Mỹ
Siêu bão cấp 4 Ida đã đổ vào bang Louisiana, Mỹ, kéo theo những trận mưa lớn, gió mạnh và mực nước biển dâng cao. Đây là một trong những cơn bão tồi tệ nhất ở khu vực trong nhiều năm qua, cơn bão này cũng xuất hiện đúng dịp 16 năm cơn bão Katrina đổ bộ, khiến hơn 1.800 người thiệt mạng ở Louisiana.
Mất điện toàn bang, hệ thống y tế bị đe dọa
Bão Ida đổ bộ vào khu vực phía Bắc thành phố New Orleans hôm 29 và 30/8 với sức gió lên tới 170km/h kèm theo mưa lớn. Đến nay, bão Ida đã làm ít nhất 2 người thiệt mạng và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi tâm áp thấp di chuyển qua vùng lân cận Mississippi.
Sau 24 giờ bão Ida đổ bộ, hơn một triệu người tại bang Louisisana vẫn đang phải sống trong cảnh mất điện. Tình trạng mất điện còn lan rộng hơn 200 dặm về phía Bắc. Không chỉ mất điện, nước cũng không có, ảnh hưởng tới 312.000 người ở bang Louisisana. Sở Quản lý khẩn cấp Giáo xứ Jefferson cho biết, một tháp truyền tải điện đã bị sập xuống sông Mississippi.
Trong khi đó, Công ty tiện ích Entergy Louisiana (ELC.N) thông báo, toàn bộ khu vực thành phố New Orleans bị mất điện vì sự cố của tất cả 8 đường dây truyền tải cung cấp điện cho thành phố. ELC.N cảnh báo, khách hàng ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể bị mất điện trong nhiều tuần.
Theo tổng kết của PowerOutage, công ty thu thập dữ liệu từ các công ty tiện ích của Mỹ, hơn 1 triệu khách hàng sử dụng điện ở bang Louisiana và 92.000 người ở Mississippi không có điện để sử dụng. 25.000 nhân viên phải vất vả làm việc để khôi phục lại các đường dây.
Karnofsky Shop, cửa hàng thu âm nhạc jazz hàng đầu ở New Orleans, trở thành một đống gạch sau cơn bão, trong khi những mái nhà từ các tòa nhà bị hư hại khác nằm rải rác trên đường phố. Bênh cạnh đó, việc bão Ida đổ bộ đúng vào thời điểm bang Louisiana đang quay cuồng vì sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã gây căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của bang, khi ước tính khoảng 2.450 bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện.
Sở Y tế bang Louisisana cũng xác nhận việc mất điện tại Hệ thống Y tế khu vực Thibodaux ở Lafourche Parish, phía Tây Nam New Orleans, buộc các nhân viên y tế phải hỗ trợ thở bằng tay cho các bệnh nhân khi họ được chuyển đến cơ sở khác.
Thống đốc bang Louisiana John Bel Edwards nêu rõ: "Trước hết cần ưu tiên điện cho bệnh viện, để những người đang trong phòng cấp cứu và thở máy tiếp tục được chăm sóc y tế. Đây là điều cực kỳ quan trọng bất kể lúc nào, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay". Theo ông Edwards, 4 bệnh viện trên toàn bang đã phải sơ tán.
“Tôi phải liên tục nhắc nhở mọi người rằng dù muốn hay không, chúng ta vẫn đang ở trong môi trường Covid-19. Đó là môi trường cực kỳ khó khăn, bởi 100% số ca nhiễm mà chúng ta ghi nhận đều do biến chủng Delta”, ông Edwards nói. Mặc dù vậy, những đánh giá ban đầu đã cho thấy rằng, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Louisiana phần lớn đã thoát khỏi thiệt hại thảm khốc.
Một thông tin tích cực nữa là hệ thống đê điều, tường chắn lũ trị giá 14,5 tỷ USD được dựng lên sau cơn bão Katrina 16 năm trước dường như đã vượt qua cuộc thử thách lớn đầu tiên. Cơ quan Bảo vệ lũ lụt Đông Nam Louisiana cho biết, hệ thống này đã hoạt động như thiết kế và không có trục trặc gì xảy ra. Các con đê liên bang dường như đã trụ vững.
Mặc dù Ida suy yếu trên đất liền, nó vẫn đe dọa sẽ tạo ra lốc xoáy ở Louisiana và cảnh báo triều cường vẫn được áp dụng cho các bờ biển Vịnh Mississippi và Alabama.
Ban bố tình trạng thảm họa
Ngày 31/8, Tổng thống Joe Biden ban bố tình trạng thảm họa ở Louisiana nhằm giúp bang này huy động các nguồn lực liên bang để khắc phục hậu quả cơn bão. Cho phép Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) điều phối tất cả các nỗ lực cứu trợ thảm họa. Đến nay, FEMA đã cử 3.600 nhân viên và 3,4 triệu bữa ăn đến khu vực bị bão tàn phá.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia cho biết, họ đã điều động hàng nghìn nhân viên cũng như tàu thuyền và các phương tiện có thể điều hướng các con đường bị ngập lụt cùng 34 máy bay trực thăng để giải cứu những người mắc kẹt do lũ lụt.
Trong một cuộc họp báo, Thị trưởng New Orleans, ông Cantrell cho biết: "Chúng tôi không có một Katrina khác và đó là điều mà chúng tôi nên biết ơn. Tuy nhiên, tác động của Ida cũng rất nghiêm trọng". Ông Cantrell cũng tìm cách trấn an thành phố chịu nhiều tổn hại sau bão Katrina bằng tuyên bố: “Sẽ không ai bị bỏ rơi, bởi các quan chức thành phố sẽ rà soát từng khu phố để đánh giá thiệt hại và hỗ trợ những người bị thiệt hại”.
Theo Thống đốc bang Louisiana Edwards, số người chết có thể sẽ tăng lên, hiện bang đã triển khai 1.600 nhân viên phục vụ công tác tìm kiếm và cứu nạn.
Trong khi đó, các quan chức địa phương và các tình nguyện viên cứu trợ thảm họa của "Hải quân Cajun" đã tăng tốc đến thành phố nhỏ Houma, nơi các tình nguyện viên phát hiện được một số người bị mắc kẹt trong nước lũ.
Cùng với đó, Cảnh sát trưởng Giáo xứ Jefferson Joe Lopinto cho biết, ông đang điều phối một đội tàu để giải cứu ước tính khoảng 400 người ở Lafitte, một cộng đồng ngư dân cách New Orleans khoảng 40 km về phía Nam. 40 người khác đã vượt qua cơn bão và dường như an toàn trên hòn đảo nhỏ có tuyến đê Grand Isle, chỉ cách nơi Ida đổ bộ tối đa vài dặm.
Thị trấn LaPlace, bên hồ Pontchartrain, cũng chịu thiệt hại nặng nề, với những ngôi nhà bị cây cối đè bẹp và bị bao vây bởi nước. Người dân lội qua dòng nước lũ để chăm sóc cho người thân. Anh Madeline Brewer, 30 tuổi, cho biết ngay sau khi được quân đội giải cứu hôm 30/8: “Bầu trời đen kịt và những gì bạn có thể nghe thấy là một cơn lốc xoáy. Có cả một cái cây đã bay qua".
Bão Ida gây hiện tượng triều cường và gió mạnh đã khiến dòng chảy của sông Mississippi bị đảo ngược, một hiện tượng theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) là “cực kỳ hiếm gặp”. Các nhà nghiên cứu thủy văn đánh giá, hiện tượng này cũng đã xảy ra khi cơn bão Katrina đổ bộ vào bang Louisiana 16 năm trước.