Âm nhạc lan tỏa năng lượng tích cực

Minh Quân (thực hiện) 01/09/2021 08:00

Với vai trò là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, âm nhạc đang lan toả nguồn năng lực tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9), Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có những chia sẻ về nỗ lực “vượt khó” của âm nhạc trong giai đoạn khó khăn này.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Thưa nhạc sĩ, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, những văn nghệ sĩ, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc đã có những đóng góp gì vào công cuộc phòng, chống dịch?

- Thời nào cũng vậy, âm nhạc với sức mạnh lan tỏa nhanh nhạy và sâu rộng trong công chúng, luôn sát cánh đồng hành cùng dân tộc trên mỗi chặng đường cách mạng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Covid-19 đã diễn biến phức tạp khó lường, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, giới văn nghệ sĩ cả nước đã có nhiều đóng góp tích cực, đã có nhiều sáng tác mới để chia sẻ động viên kịp thời quân và dân ta trên mặt trận chống dịch.

Từ tháng 4/2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng, chống Covid-19 và đã thu được trên 200 tác phẩm. Hội đã kịp thời tuyển chọn 100 ca khúc chất lượng và xuất bản một tập ca khúc với tiêu đề “Niềm tin” và sau đó đã xây dựng một chương trình nghệ thuật trực tuyến “Niềm tin - chúng ta là người chiến thắng”. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ và ghi nhận của công chúng, tạo được tiếng vang trong xã hội.

Kể từ đầu năm nay, khi làn sóng dịch lần thứ 4 lan tràn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng và để góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch. Chỉ hơn một tuần cuối tháng 7/2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về.

Ông đánh giá thế nào về số lượng cũng như chất lượng các ca khúc tham gia cuộc phát động?

- Đây là một con số rất lớn trong một thời gian rất ngắn. Điều đó chứng tỏ ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của các nhạc sĩ đối với công cuộc chống dịch, với quyết tâm chia sẻ những giá trị tinh thần với nhân dân, với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bác sĩ, những người dân trong vùng dịch. Từ hơn 400 tác phẩm đó, Hội đồng Nghệ thuật - Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn 20 ca khúc để dàn dựng thu âm, ghi hình, dựng thành clip, với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, cùng các nghệ sĩ như NSND Quốc Hưng, ca sĩ Lan Anh, Tùng Dương… kịp thời gửi tới đồng bào, chiến sĩ và đặc biệt các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch vào cuối tháng 8.

Trong điều kiện giãn cách xã hội thì Hội có rất nhiều khó khăn, nên các nhạc sĩ, nhạc công, các kỹ thuật viên phòng thu… đã vượt qua những khó khăn, lao động ngày đêm vượt thời gian để làm sao có được những sản phẩm về âm nhạc kịp thời giới thiệu với công chúng. Thực sự xúc động và cảm ơn các nhạc sĩ, các nhà thơ, các ca sĩ biểu diễn đã phối hợp với Hội để cùng đoàn kết chung sức chung lòng cùng với nhân dân cả nước quyết tâm chiến thắng đại dịch. Đây cũng là tình cảm chia sẻ của giới văn học nghệ thuật cả nước gửi tới đồng bào, chiến sĩ cũng như là quyết tâm của Hội cùng sát cánh với đất nước trong trận đánh quyết định nhằm chặn đứng và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Chương trình Âm nhạc trực tuyến “Tiếng hát át Covid”.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khởi động cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu”, ông có thể chia sẻ thêm về cuộc vận động hết sức ý nghĩa này?

-Đây là một chủ trương rất kịp thời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đặc biệt là hướng tới người lao động, hướng tới công đoàn viên. Trong giai đoạn hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch đối với xã hội và các hoạt động văn học nghệ thuật rất nặng nề, hầu như các hoạt động về biểu diễn, sân khấu, các nhà hát đều ngừng trệ. Các nhạc sĩ sáng tác cũng như phổ biến tác phẩm ca khúc giờ đây không tổ chức để dàn dựng thu thanh được, hầu như tất cả các phòng thu đều đóng cửa theo nguyên tắc 5K, thì bằng phương thức làm việc trực tuyến, các nhạc sĩ sáng tác rồi gửi bài cho các ca sĩ thể hiện để tuyên truyền trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, đời sống của văn nghệ sĩ, đặc biệt những văn nghệ sĩ thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn, trước khó khăn chung của cả nước thì giới văn học nghệ thuật Việt Nam cũng tìm ra được hướng đi, cách giải quyết để có thể khắc phục những khó khăn cho bản thân, gia đình, góp phần bằng những sản phẩm tinh thần, những sáng tác mới, tích cực giúp đỡ, động viên toàn quân và dân cả nước trong công cuộc phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Khó khăn nhưng quyết tâm chúng ta đã làm được, với trách nhiệm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện. Đến giữa tháng 10/2021, Ban tổ chức sẽ chọn lọc và phổ biến một số ca khúc, động viên và tập hợp thêm được nhiều ca khúc nữa, bằng cách tận dụng những quỹ hỗ trợ sáng tạo, sự tự nguyện của các ca sĩ, nhạc công để âm nhạc ngày một lan tỏa sâu rộng…

Tôi tin rằng, cuộc thi này sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ của các nhạc sĩ, ca sĩ cả nước. Việc cổ động phòng, chống Covid-19 còn có đề tài nữa là tâm tư nguyện vọng của những người hiện nay trên tuyến đầu và yêu cầu về mặt tinh thần họ muốn gì, những người nuôi con nhỏ, mất công ăn việc làm, những người phải về quê, tâm tư nguyện vọng của những người lao động… để chúng ta hướng tới vào đó, sẽ trở thành những bài hát tâm tình, những bài hát san sẻ yêu thương. Đề tài mở rộng, thể loại âm nhạc sẽ phong phú và đa dạng hơn.

Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam, với truyền thống Âm nhạc đồng hành cùng dân tộc, Hội nhạc sĩ Việt Nam vừa khởi động loạt chương trình “Tiếng hát át Covid” vào 9h50 ngày 3/9 trên fanpage hoinhacsi.vn; MUCA Media và Tạp chí điện tử: vanhoavaphattrien.vn.

Minh Quân (thực hiện)