Xuất khẩu tiểu ngạch đối diện rủi ro
Con số thống kê cho biết, kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa qua các cặp cửa khẩu biên giới chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt nhóm hàng nông, lâm thủy sản có sự tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, hoạt động giao thương vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tiểu ngạch. Điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho thương nhân và các DN.
Những ngày vừa qua, với động thái tăng cường kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, nhiều cặp cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc có thời điểm đã bị gián đoạn do phía Trung Quốc điều chỉnh quy trình kiểm dịch đối với người, phương tiện và hàng hóa qua cửa khẩu. Thực tế đó khiến quá trình thông quan diễn ra chậm, lượng hàng hóa ùn tắc tăng cao, gây ra nhiều thiệt hại cho DN xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, mặc dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản sang Trung Quốc thời gian qua vẫn tăng mạnh, song quá trình giao thương hiện cũng đang đối mặt không ít khó khăn, vướng mắc khi phía Trung Quốc kiểm soát 100% lô hàng trái cây của Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn. Thời gian qua, Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa… đối với mặt hàng nông sản, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước tình hình đó, giới chuyên gia đề xuất, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, DN, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả chú trọng công tác đóng gói bao bì nhãn mác; thực hiện truy xuất nguồn gốc và ký kết hợp đồng chính thức để xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây, nông sản sang Trung Quốc.
Hiện nay, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang hình thức chính ngạch đang được Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, DN rốt ráo thực hiện, hướng đến hoạt động xuất khẩu bền vững, đồng thời tạo thuận lợi cho việc thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa và phương tiện, đặc biệt tại cửa khẩu khu vực biên giới.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, thực tiễn cho thấy hàng hóa xuất khẩu chính ngạch thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch) tại các cặp chợ đường biên. Bởi vậy, Bộ Công Thương khuyến khích các DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Trường hợp vì lý do khách quan chưa thể chuyển ngay sang hình thức này, các thương nhân, DN chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng về địa chỉ tiêu thụ...
Tại Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, cần triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nhất là phát triển công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn. Cùng với đó, các địa phương khu vực biên giới cần nghiên cứu đề xuất chính sách đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là đô thị và công nghiệp thương mại; Kịp thời, chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, DN các nước chung biên giới. Đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, hạn chế thấp nhất, tiến tới xóa bỏ xuất khẩu tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.