Nên làm gì để dịp Quốc khánh trở nên đặc biệt khi đang giãn cách?

Lan Anh 01/09/2021 09:15

Năm nay, dịp Quốc khánh 2-9 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 bùng phát nên không có những kế hoạch du lịch, dã ngoại hay tụ tập giao lưu, gặp gỡ, thay vào đó là khẩu hiệu “Ở nhà cũng là yêu nước”.

Dịp Quốc khánh đặc biệt

Trong nhiều năm trở lại đây, khi đất nước đổi mới với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì liên tục ở mức cao, thì nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 luôn là một dịp nghỉ cuối cùng của mùa hè trước khi các em học sinh bước vào năm học mới. Thường thì là một chuyến du lịch, thăm người thân dài hoặc ngắn tùy theo điều kiện, không thì cũng có một buổi giao lưu liên hoan với người thân, bạn bè mừng Tết Độc lập. Hình ảnh quen thuộc là các khu vui chơi, điểm du lịch, nhà hàng ăn uống, sân bay, nhà ga… chật kín người trong dịp nghỉ lễ.

Nhưng năm nay, cả nước đang trong tâm thế phòng dịch Covid-19 hết sức nghiêm ngặt. Nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thậm chí thêm các giải pháp siết chặt hơn nữa. Không có du lịch mà là “ai ở đâu thì ở đó”.

Năm nay, dịp Quốc khánh 2/9 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 bùng phát nên không có những kế hoạch du lịch, dã ngoại hay tụ tập giao lưu, gặp gỡ, thay vào đó là khẩu hiệu “Ở nhà cũng là yêu nước”.

Nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP và thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trong dịp Quốc khánh 2-9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành TP chỉ đạo các lực lượng thực hiện nghiêm việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch; tổ chức chế độ trực theo dõi, nắm bắt tình hình, giải quyết công việc phát sinh trong dịp nghỉ lễ.

TP Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, chấn chỉnh việc cấp giấy phép đi đường của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức; các phương tiện lưu thông, kể cả xe cứu thương, xe công vụ, xe container... được cấp phép "luồng xanh", không để lợi dụng, vi phạm quy định phòng, chống dịch; kiểm tra các doanh nghiệp không thuộc nhóm sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, yêu cầu chấp hành nghiêm việc cấp giấy đi đường và phê duyệt phương án sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch; kiên quyết xử lý và cho tạm dừng hoạt động những đơn vị không chấp hành nghiêm quy định.

Ảnh minh họa.

Không có giao lưu liên hoan mà thậm chí như ở TP Hồ Chí Minh còn “đi chợ hộ” với những nhu cầu tối thiểu, khuyến khích lối sống tối giản để chung tay cùng chính quyền các cấp chống dịch. Không cần phải nhìn vào con số thống kê về số bệnh nhân mắc mới và tử vong, những thay đổi nêu trên cũng cho chúng ta thấy đất nước đang căng mình trong một cuộc chiến cam go, khốc liệt để chống lại dịch bệnh. Chính vì thế, ngày Quốc khánh không còn là dịp vui chơi mà nổi bật trở lại với ý nghĩa ngày thể hiện lòng yêu nước.

Năm nay, vào dịp lễ lớn của dân tộc, đội ngũ nhân viên y tế - những “chiến sĩ áo trắng” vẫn đang ngày đêm căng mình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, hàng đoàn y, bác sĩ từ khắp mọi miền vẫn tiếp tục lên đường chi viện cho các vùng tâm dịch.

Lực lượng quân đội, công an đã được tăng cường về miền Nam tham gia chống dịch, hỗ trợ chăm lo đời sống nhân dân trong những ngày khó khăn. Cùng với đó là các lực lượng thanh niên tình nguyện, phụ nữ, cựu chiến binh, dân quân, các tổ Covid cộng đồng… cũng đang kề vai sát cánh để bảo vệ những “vùng xanh”, thu hẹp những “vùng đỏ”.

Nhiều tổ chức, cá nhân, các nhóm thiện nguyện cũng đã đóng góp công sức, tiền của vào việc ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch và giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn do bị phong tỏa, cách ly.

Làm gì trong ngày 2/9 mùa giãn cách

- Đọc sách mùa Covid-19

So với ngày 2/9 những năm trước, năm nay có khác biệt bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, mọi người ở nhà phòng, chống dịch. Các hoạt động vui chơi, giải trí, du dịch đều tạm ngưng hoạt động.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh việc sử dụng các thiết bị thông minh và các kênh truyền thông để giải trí, nhiều người, nhiều gia đình chọn cách đọc sách để trau dồi, tích lũy kiến thức, có thêm hiểu biết về tăng cường sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh. Đây là một món ăn tinh thần có giá trị, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực cũng như nâng cao văn hóa đọc cộng đồng.

Có thể kể đến những cuốn sách như: Con đã về nhà - Ký họa cách ly dịch Covid (Nguyễn Tăng Quang); Nhật ký mùa dịch (nhiều tác giả); Đại dịch tim không đập thình thịch - Corona: Từ A-Z (BS Trương Hữu Khanh); Chẩn trị Covid-19 bằng Đông Tây y (Jeffrey P.Kahn); Cẩm nang phòng bệnh mùa virus (nhiều tác giả); Đi qua hai mùa dịch (Dy Khoa)… Đặc biệt, cuốn sách Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể của BS Ngô Đức Hùng giúp bạn đọc có một cái nhìn đúng đắn về dịch bệnh và hơn hết là cảm nhận được sâu sắc về con người, về tình người trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành.

- Sáng tạo rạp chiếu phim mini

Nếu bạn là một tín đồ của phim điện ảnh, hãy thử tận dụng khoảng thời gian này để tạo nên một rạp chiếu phim thu nhỏ tại nhà. Việc xem phim không chỉ giúp đầu óc của chúng ta trở nên thư thái hơn mà còn góp phần bồi dưỡng tình yêu đối với cái đẹp, tái tạo nguồn năng lượng tích cực cho mỗi cá nhân trong gia đình.

Ảnh minh họa

Trong mùa giãn cách, để thỏa mãn sở thích xem phim tại nhà, chúng ta có thể tìm mua các loại máy chiếu mini giá cả phải chăng từ một số trang ứng dụng mua sắm trực tuyến. Ở tại nhà, chúng ta sẽ tiến hành kết nối máy chiếu với các ứng dụng xem phim, từ đó phóng to lên tường nhà hoặc miếng vải treo màu trắng là tương tự như rạp chiếu phim.

Trong tình huống không thể mua sắm đầy đủ thiết bị, chúng ta hoàn toàn có thể xem phim từ ti vi, ipad hoặc laptop. Cùng với đó, bạn hãy tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm thú vị, bằng cách tự tay làm thêm một vài món ăn vặt, pha chế một ly mocktail/cocktail để thêm cảm giác thích thú cho cả nhà khi thưởng thức phim.

- Nấu ăn cho gia đình dịp 2-9

Dịp nghỉ lễ 2-9 là cơ hội để gia đình, bạn bè tụ họp. Đây cũng là dịp để bạn trổ tài làm những món ngon chiêu đãi người thân và khách khứa. Có thể chế biến các món liên quan kể đến như gỏi cuốn, lẩu, hải sản, gà cá ...

Ảnh minh họa.

Ngày 2-9 năm nay, mỗi người, mỗi nhà ở yên tại nhà cũng là yêu nước. Với mỗi “công dân mạng”, lan truyền thông tin tích cực, không chia sẻ thông tin sai trái để góp phần chống dịch cũng là yêu nước. Khi mỗi gia đình trở thành một “pháo đài” yêu nước thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng Covid-19.

Lan Anh