Nỗi lo thiếu trang thiết bị học tập đầu năm học mới
Chỉ còn ít ngày nữa năm học mới sẽ bắt đầu nhưng những bất cập xoay quanh việc học sinh sẽ học trực tuyến ngay đầu năm học mới vẫn nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Những bất cập đó không chỉ dừng lại ở việc con thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập mà nhiều gia đình, nhất là những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 còn đang bộn bề lo âu khi không có khả năng trang bị máy tính, thiết bị học cho con trong quá trình học trực tuyến.
Không đủ thiết bị học online
Tỉnh Nghệ An đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An không tổ chức khai giảng riêng từng trường vào sáng 5/9.
Thay vào đó, tỉnh chỉ tổ chức lễ khai giảng tại một điểm duy nhất ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh-Truyền hình Nghệ An. Ngay sau ngày khai giảng, bắt đầu từ ngày 6/9, tất cả các trường học trên toàn tỉnh sẽ triển khai dạy học trực tuyến.
Trong điều kiện dịch bệnh, việc dạy học trực tuyến là việc làm bất khả kháng hiện nay. Để chuẩn bị cho năm học mới, những ngày này, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) tập trung tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên. Dù tâm thế đã sẵn sàng nhưng thầy Trần Hoàng Thượng, Hiệu trưởng nhà trường không giấu những lo âu.
Theo thầy Thượng, qua rà soát điều kiện thiết bị học trực tuyến của học sinh toàn trường, phần lớn các em chỉ có điện thoại thông minh kết nối 4G hoặc lắp sim mạng, chỉ có 20% học sinh có máy tính.
“Nhà trường đang vận động các gia đình mua hoặc mượn máy tính, điện thoại thông minh để phục vụ cho việc học trực tuyến trong năm học mới. Đối với các em không thể có máy tính, thiết bị học online, nhà trường lên phương án dạy học trực tiếp cho những học sinh này sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh trở lại trường”, thầy Thượng cho hay.
Không riêng vùng nông thôn như huyện Đô Lương, ngay tại Thủ đô Hà Nội, nhiều gia đình đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 cũng đang lo lắng về việc học online của con trước thềm năm học mới.
Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng (36 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) là lao động tự do tại chợ đầu mối Long Biên. Từ ngày chợ này bị phong tỏa do dịch Covid-19, vợ chồng chị không có việc để làm. Thu nhập từ nghề chỉ đủ cho anh chị lo ăn từng ngày chứ không có tiền dành dụm.
Chị Hằng có 2 con trai đang học tại Trường Tiểu học Phúc Tân (quận Ba Đình). Chị Hằng cho biết, năm học trước, giai đoạn phải học trực tuyến, hai anh em phải học chung nhau bằng điện thoại của mẹ. Có hôm trùng giờ học thì một đứa học, một đứa ngồi không. Năm nay, dịch bệnh khiến cuộc sống gia đình chị thêm đảo lộn. Đến thời điểm này, chị còn không có đủ tiền mua sách giáo khoa, chứ chưa dám nghĩ tới có tiền triệu mua máy tính hoặc thiết bị học online cho con.
Cũng như gia đình chị Hằng, gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền (32 tuổi) có 2 con nhỏ đang theo học tại Trường Tiểu học Đức Giang (quận Long Biên). Trước thời gian Hà Nội chưa giãn cách xã hội, vợ chồng chị Huyền làm nghề may tại nhà. Giãn cách kéo dài khiến gia đình chị Huyền không có việc làm từ ngày 1/5 đến nay và đã phải bán toàn bộ máy móc để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
“Các con sắp vào năm học mới nhưng chúng tôi không có tiền sắm thiết bị học tập cho con. Tôi cũng đã liên hệ với bạn bè mượn máy tính cũ nhưng chưa được. Tôi rất lo không biết con sẽ học online bằng cách nào?”, chị Huyền tâm sự.
Gỡ khó về học phí, thiết bị học tập
Chuẩn bị bước vào năm học mới trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Bộ GDĐT đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị khẩn trương chỉ đạo các sở GDĐT sẵn sàng các phương án tổ chức dạy học, tăng cường các biện pháp chống dịch trong trường học.
Đối với địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GDĐT đền nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở GDĐT hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục chủ động, linh hoạt; huy động các nguồn lực tăng cường cho các nhà trường về hạ tầng công nghệ thông tin và các điều kiện cần thiết để tổ chức hiệu quả việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; có biện pháp thiết thực hỗ trợ các đối tượng học sinh khó khăn thiếu phương tiện học tập.
Đồng thời thực hiện kịp thời việc miễn, giảm học phí đối với các đối tượng học sinh theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt quan tâm đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên thuộc khu vực có ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19.
Chia sẻ với học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến thời điểm này, một số địa phương trên cả nước đã áp dụng việc miễn, giảm học phí cho học sinh năm học mới 2021-2022.
Theo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, thành phố đã đồng ý miễn học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 cho học sinh các trường công lập. Ở trường ngoài công lập, học phí do trường thỏa thuận với phụ huynh. Hiện ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh cũng đang ra sức kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng, chia sẻ với các em học sinh khó khăn, không có thiết bị để học trực tuyến.
Tại tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ 100% học phí cho 222.000 học sinh trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021-2022 với kinh phí dự kiến khoảng 138 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp hiện nay, việc ban hành chính sách hỗ trợ học phí nêu trên sẽ giúp phụ huynh đỡ khó khăn, động viên và khuyến khích học sinh trước thềm năm học mới.