Lửa thử vàng!

H.Vũ 04/09/2021 07:00

Kể từ khi bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với sự lây lan của biến thể Delta, cuộc chiến chống dịch của đất nước bước vào giai đoạn mới, quyết liệt hơn rất nhiều. Tới thời điểm này 62/63 tỉnh thành trên cả nước có ca mắc Covid-19. Số người mắc mới, số người phải điều trị tăng mạnh cùng đó là số ca tử vong. Đây chính là giai đoạn “lửa thử vàng”, càng làm sáng ngời ý chí, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam.

Từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19

Đợt dịch lần thứ 4 thực sự là “lửa thử vàng” đối với hệ thống y tế Việt Nam. Qua đó cũng cho thấy sự quyết liệt của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ Trung ương tới cơ sở. Thực tế qua thiên tai, địch họa càng cho thấy sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị. Từ 29/4 đến nay đã có hơn 340 ngàn người mắc Covid-19 trải dài tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Sự tăng nhanh số ca lây nhiễm do chủng mới Delta gây ra ở đợt dịch lần này đã “đánh” thẳng vào các khu công nghiệp, tập trung vào 5 địa phương phía Nam là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, đang tạo nên những áp lực lớn cho công tác chống dịch. Có những lúc, yếu tố bất định, khó lường của dịch bệnh tưởng chừng sẽ chao đảo nền kinh tế nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những giải pháp thích hợp khống chế và từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid 19.

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh và rất nguy hiểm, song với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, bước đầu chúng ta đã khoanh vùng, cơ bản kiểm soát được tình hình. Hiện nay cả nước chúng ta đang hướng về TP HCM và một số tỉnh phía Nam, chia sẻ, động viên, góp công sức để cùng nhau phòng, chống dịch bệnh bùng phát lần thứ 4.

Cùng với kết quả phòng, chống dịch, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 5,64%, được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín nâng hạng triển vọng tín nhiệm quốc gia từ “ổn định” lên “tích cực”; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân cơ bản ổn định.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại chung cư Lê Thành (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM). Ảnh: Uyên Phương.

Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Báo cáo được Mặt trận tổng hợp chính là “lời dân nói”. Nhìn vào bức tranh chống dịch thấy những mảng sáng, tối đan xen. Nhưng người dân hoàn toàn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước khi trong 6 tháng đầu năm, dù bị ảnh hưởng lớn của dịch, GDP vẫn đạt mức 5,64% là tín hiệu khá lạc quan về những giải pháp mà Chính phủ đặt ra: “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

“Việc làm đầu tiên” của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được bắt đầu bằng việc Chính phủ đã thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. Mà trọng tâm là đưa ra các giải pháp về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng cuối năm gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Qua đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại năm 2021. Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng bởi bên cạnh việc chống dịch, chăm lo cho sức khỏe nhân dân thì buộc phải phát triển kinh tế để có nguồn lực chống dịch, đảm bảo cuộc sống người dân.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 thích ứng với tình hình; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết, qua đó đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Điển hình chính là việc Chính phủ lập tức ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Đây có thể coi là một sự “cởi trói” tạo sự linh hoạt cho công tác phòng, chống dịch khi cho phép các địa phương chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn. Đặc biệt tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết

Trong bất cứ cuộc điện đàm quốc tế nào, vấn đề được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu Chính phủ luôn quan tâm đến là vaccine. Bằng uy tín và những nỗ lực ngoại giao của mình, các nhà lãnh đạo đã làm hết sức mình để có được số lượng lớn vaccine nhanh nhất, nhiều nhất. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập tổ công tác của Chính phủ về “ngoại giao vaccine”. Chính phủ cũng đặc biệt ưu tiên vaccine cho TP HCM và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An..., nơi dịch có diễn biến phức tạp. Sự ưu tiên đó cũng là hướng đến bảo vệ các thành quả sản xuất kinh doanh của đất nước, mà đằng sau của đứt gãy chuỗi sản xuất là người lao động.

Mọi hành động của Chính phủ và cả hệ thống chính trị đều hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Những chính sách trong chống dịch, trong phát triển kinh tế là minh chứng rõ nét về một Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết.

Những gói hỗ trợ, những biện pháp về cứu trợ người dân và doanh nghiệp khó khăn với các chính sách tài khóa như: hoãn, giãn, miễn các khoản thuế, giãn trả nợ của ngân hàng cũng chính là những liều “vaccine” giúp doanh nghiệp trụ lại qua mùa dịch.

Thước đo của lòng dân là sự hành động, hành động, và hành động. Và nó cũng là hy vọng về một Chính phủ quyết tâm, mạnh mẽ hơn nữa để “thực hiện mục tiêu kép” trong thời gian tới. Khi dân tin, đồng hành, vào cuộc thì công tác phòng, chống dịch ắt sẽ thành công.

Trước những giải pháp được Chính phủ đưa ra, PGS.TS Hoàng Văn Cường (ĐBQH đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã đặt ra những giải pháp chiến lược. Bên cạnh những biện pháp phòng, chống dịch vẫn được thực hiện, trong đó có giãn cách xã hội được triển khai kịp thời, phù hợp thì Chính phủ đã đề ra những giải pháp mang tính tầm nhìn chiến lược đó là “chiến lược vaccine” nhằm tăng nguồn vaccine để tiêm cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.

H.Vũ