Những người đi xây ‘pháo đài xanh’

Tuệ Phương 03/09/2021 08:00

Trong những ngày chống dịch Covid-19, những chốt “vùng xanh” hiện lên như một biểu tượng về sự vững vàng, sự đoàn kết của cộng đồng. Bởi dựng chốt, giữ chốt phần lớn là những người tình nguyện.

Đó có thể là một anh xe ôm, một người bán hàng tạp hoá hay bất kỳ một ai. Nhưng để tạo nên và lan toả tinh thần vì cộng đồng ấy, là những cán bộ Mặt trận, đoàn thể. Vừa gương mẫu tham gia “giữ chốt”, vừa vận động cộng đồng, vừa thực hiện các nhiệm vụ hậu cần, để góp phần giữ vững “vùng xanh”, khoanh chặt “vùng đỏ”, hình thành “pháo đài xanh” trước dịch bệnh.

Cán bộ Mặt trận “giữ lửa” cho mọi người

Hôm nay, anh Ngô Ngọc Hiển, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) dậy sớm hơn mọi ngày. Đó là ngày đầu tiên anh được ra đường sau hơn 10 ngày “an dưỡng” bất đắc dĩ. Điểm đến đầu tiên là một chốt “vùng xanh”.

Hơn 6 giờ sáng, mọi người đã tề tựu đầy đủ, mở chốt, sẵn sàng cho công việc kiểm soát. Anh Hiển hỏi thăm các thành viên của Tổ Covid cộng đồng giữ chốt rồi khẩn trương di chuyển đến một chốt kiểm soát khác.

“Nếu không vào việc, người ngoài cuộc sẽ không hiểu được công việc của “người Mặt trận” trong lúc tham gia chống dịch. Ai cũng có thể bất ngờ trở thành F1, F2, vừa ảnh hưởng đến công việc, vừa ảnh hưởng đến gia đình” - anh Hiển chia sẻ. Là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, việc thường xuyên phải xuất hiện ở “tuyến đầu” là điều đương nhiên. Trong một lần đi phát gạo, anh tiếp xúc gần với một trường hợp F1. Giữa lúc “nước sôi, lửa bỏng” của công cuộc chống dịch, anh trở thành F2, phải cách ly tại nhà.

“Gia đình mình hai vợ chồng đều làm Mặt trận. Thế nên cả hai đều xác định rõ: Một trong hai người có thể thành F bất cứ lúc nào. Thậm chí là F0, vì đi nhiều, tiếp xúc nhiều, toàn ở những khu vực có nguy cơ cao. Cả hai đều xây dựng các “kịch bản” sẵn sàng cho các tình huống để không bị động. Cách ly thì mình làm việc từ xa. Tuyên truyền, vận động qua điện thoại, mạng xã hội. Phải tương tác thường xuyên để “giữ lửa” cho mọi người” - anh Hiển cho biết thêm.

Mai Động chính là địa bàn xây dựng những “vùng xanh” (vùng an toàn) đầu tiên của Hà Nội, bằng việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào. 34 Tổ dân phố quyết trở thành 34 “pháo đài xanh”. Mỗi Tổ dân phố phải tổ chức ít nhất một chốt. Mỗi chốt phải huy động gần chục người thay ca nhau kiểm soát. Mới nghe thì đơn giản, nhưng để huy động mấy trăm con người lên “tuyến đầu” phòng dịch, cần sự tham gia của cộng đồng. Ngoài sự tham gia của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cần những tình nguyện viên. Sự gương mẫu của cán bộ kết hợp với cách vận động, giải thích thuyết phục đã giúp Mai Động duy trì hoạt động liên tục của các chốt suốt một thời gian dài.

Để mọi người yên tâm thực hiện cách ly, thì trước hết phải “cơm no áo ấm”. Mai Động là địa bàn nhiều người thuê trọ, từ sinh viên cho tới lao động tự do. Nhờ bám địa bàn, anh Hiển đã biết được một số người lao động làm thuê phải ăn mỳ tôm cả tuần. Ngay lập tức, Mặt trận phường cùng Tổ dân phố vào cuộc để bảo đảm đời sống cho các lao động tự do đến hết dịch. Xong chuyện “cơm no”, thì còn chuyện “an cư”. Anh Hiển bàn bạc với Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư thuyết phục các chủ nhà trọ hỗ trợ người thuê nhà. Cái ăn đã có cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể lo giúp. Còn chỗ ở phụ thuộc vào các chủ nhà cho thuê. Cái tình, cái lý của người Mặt trận khiến hầu hết các chủ nhà trọ đồng lòng. Có địa bàn, tổng số tiền các chủ nhà trọ miễn, giảm lên tới hơn 100 triệu đồng.

Khi “trong ấm” thì “ngoài êm”, người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng dịch. “Vùng xanh” Mai Động là những “pháo đài xanh” trước dịch bệnh.

Giữ vững “vùng xanh”, khoanh chặt “vùng đỏ”

Người dân “ở yên” là cơ sở để giữ vững những “vùng xanh”, khoanh chặt “vùng đỏ”. Muốn “ở yên”, thì các nhu cầu thiết yếu của người dân cần phải được bảo đảm. Thế mạnh của chị em phụ nữ là chuyện chợ búa, nội trợ. Ở tất cả những địa bàn thực hiện giãn cách, hình ảnh chị em phụ nữ tất bật với những chuyến hàng, hay trong các bếp ăn tập thể cung cấp suất ăn cho tuyến đầu chống dịch.

Chị Lư Thị Luyến - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 4, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) là một người như thế. Suốt những ngày qua, cô cán bộ Hội Phụ nữ trẻ tuổi đời, trẻ tuổi Hội này làm việc xã hội... nhiều hơn việc nhà. Từ khi TP HCM mới thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Chỉ thị 15, người dân trong phường đã thấy chị di chuyển như con thoi giữa các con hẻm trong phường để vừa tuyên truyền phòng, chống dịch, vừa nắm bắt tình hình đời sống của bà con nhân dân, rồi chuyền cơm, tiếp tế thực phẩm… Đến khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các quy định về đi lại của người dân chặt chẽ hơn. Vấn đề cung ứng thực phẩm đặt ra cấp thiết. Ví như những ngày cuối tháng 7, có những thời điểm người dân rất khó khăn trong mua rau xanh. Chị Luyến đã cùng một tình nguyên viên khác làm một nhiệm vụ không ai ngờ đến là hỏi đường... tìm rau.

Tìm đường xuống Long An mua rau không thành, nhưng trên đường về, khi đi qua huyện Bình Chánh, thấy có ao rau muống rộng mênh mông, chị hỏi mua. Nào ngờ ông chủ không bán, cắt cho không chị đem về. Thế là cùng ông chủ ruộng rau tốt bụng, chị và anh Quý - tình nguyện viên đi cùng - phăng phăng xắn quần lội ruộng cắt rau. Tối hôm ấy, hầu hết các hộ gia đình có nhu cầu trên địa bàn phường 4 đều được phân phát những mớ rau “quý như vàng”.

Chị Luyến bảo, từ bé đến lớn, chị chưa bao giờ biết lội ruộng hái rau. Nhưng lúc ấy, không nghĩ gì khác, ngoài việc đem rau về cho bà con trong phường. Khi phường 4 lập các chốt kiểm soát, chị Luyến cùng lúc đóng hai “vai”, vừa tham gia trực chốt, vừa chăm lo, hỗ trợ các gia đình trong khu vực bị phong tỏa, cách ly có nhu yếu phẩm hàng ngày. Chị thu thập thông tin cần mua sắm từ các hộ gia đình, sắp xếp thời gian đi mua mang về đưa đến tận nơi cho từng hộ gia đình.

Những tấm gương như chị Luyến có thể gặp ở bất kỳ con hẻm nào trên địa bàn TP HCM trong những ngày giãn cách xã hội. Ở nhiều địa bàn, các chị em còn tập hợp nấu những suất cơm miễn phí gửi tặng “tuyến đầu” gác chốt, để lực lượng giữ chốt có bữa cơm ngon, bảo đảm sức khoẻ; vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ những gia đình khó khăn, nhất là những hộ ở trọ, hộ neo đơn, bệnh tật... vượt khó.

Vì bình yên của cộng đồng

“Liệu các cán bộ Mặt trận, cán bộ đoàn thể có lo lắng không khi tham gia chống dịch?”. Câu trả lời là “Có”. Vì nếu không may trở thành F1, F2, hay F0, thì không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà cả gia đình, bạn bè và những người tiếp xúc. Nhưng vì trách nhiệm chung, họ nỗ lực để vượt qua.

Đó là câu chuyện của Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Tây, xã Tân An Hội (huyện Củ Chi, TP HCM) Trần Văn Hỏn. Có thời điểm một con hẻm ở ấp Tây bị phong toả do có ca Covid-19, nhưng lúc ấy, là lúc người dân thấy ông Hỏn đi lại... nhiều hơn. Trên chiếc xe máy, ông đèo thêm một chiếc loa thùng di động để phát đi các thông điệp tuyên truyền chống dịch Covid. Một ngày với ông Hỏn trở nên dài hơn. Ông cùng đoàn, hội trực chốt kiểm soát dịch ở điểm phong tỏa, vận chuyển, chăm lo nhu yếu phẩm cho bà con, hỗ trợ, giám sát phòng chống dịch gian hàng giao Hội Cựu chiến binh xã quản lý, vận động hội ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19. Không phải ai cũng biết rằng, ông Hỏn, còn là một thương binh, với những vết thương trên người khi tham gia chiến đấu những năm chiến tranh...

“Chống dịch như chống giặc” là một khẩu hiệu giàu ý nghĩa, bởi thực tế Covid-19 là một “kẻ địch” mạnh, “biến hoá” khôn lường. Việt Nam gặp không ít khó khăn do khả năng tiếp cận vaccine. Nhưng bù lại, chúng ta có thứ “vũ khí” không đâu có được: Đó là sức mạnh của sự đồng lòng, sự đoàn kết. Sức mạnh ấy giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách. Mà hạt nhân của sức mạnh ấy, là những đảng viên, là những cán bộ Mặt trận từ cơ sở, những người đang ngày đêm góp phần bảo vệ những “vùng xanh”, đẩy lùi “vùng đỏ”.

“Gia đình mình hai vợ chồng đều làm Mặt trận. Thế nên cả hai đều xác định rõ: Một trong hai người có thể thành F bất cứ lúc nào. Thậm chí là F0, vì đi nhiều, tiếp xúc nhiều, toàn ở những khu vực có nguy cơ cao. Cả hai đều xây dựng các “kịch bản” sẵn sàng cho các tình huống để không bị động. Cách ly thì mình làm việc từ xa. Tuyên truyền, vận động qua điện thoại, mạng xã hội. Phải tương tác thường xuyên để “giữ lửa” cho mọi người”. (Tâm sự của anh Ngô Ngọc Hiển, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Mai Động (Quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Tuệ Phương