Chạy nước rút với thời gian ‘vàng’
Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” tại TP HCM, hàng loạt giải pháp quyết liệt đã và đang được thực hiện. Chính quyền và nhân dân TP đồng lòng, quyết tâm kiểm soát dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phải chiến đấu và chiến thắng
Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, đợt bùng phát thứ tư dịch bệnh Covid-19 đã không còn đơn giản ở góc độ y tế, an sinh, mà ghê gớm hơn nữa là có thể gây suy giảm cả nền kinh tế.
Ngày đầu tiên trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lập tức dẫn đầu đoàn công tác Trung ương vào tâm dịch lớn nhất nước để kiểm tra, thăm hỏi đời sống người dân. Ông đã đến tận những khu dân cư, khu phố đang là “vùng cam”, “vùng đỏ” để tận mắt chứng kiến, cũng như nhắc nhở địa phương về công tác chống dịch.
Tại những nơi đến thăm, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại thời gian nước rút mà TP HCM cần tận dụng để thực hiện quyết liệt, xét nghiệm diện rộng để khoanh vùng, phát hiện F0, tăng tốc điều trị, triển khai đồng bộ tiêm vaccine cho người dân, từ đó đảm bảo tiến độ đề ra. “Chúng ta vừa làm, vừa động viên nhân dân, muốn nhanh phải chấp hành nghiêm. Chịu khổ 5, 10, 20 ngày còn hơn chịu khổ cả năm”, Thủ tướng nhắn nhủ tới chính quyền và người dân tại các khu dân cư đến kiểm tra.
Mệnh lệnh phải chiến đấu và nhất định phải chiến thắng. Trong đó, ba vấn đề cơ bản, cấp thiết được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra, coi chính quyền cấp phường, xã, thị trấn là khâu then chốt để quyết định thành bại của cả cuộc chiến với đại dịch Covid-19, đang leo thang phức tạp.
Trong điều kiện giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đó”, chính quyền cơ sở phải đảm bảo là đầu mối chủ động hỗ trợ y tế cho người dân. Đây là chỉ đạo và yêu cầu cấp thiết được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại nhiều điểm đến trong cuộc thị sát và kiểm tra đầu tiên tại TP HCM về công tác chống dịch Covid-19.
Thủ tướng lý giải, khi người dân tuân thủ việc ở nhà để phòng chống dịch, nguyên tắc chính quyền phải là đầu mối để mọi người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất. “Người dân cần tiếp cận y tế thì hỏi ai? Vấn đề là người dân có biết không? Người dân cần là cần cái này”, Thủ tướng nhấn mạnh và cũng đã phê bình một số chủ tịch phường tại TP Thủ Đức chưa “thực hiện nhiệm vụ tới nơi tới chốn” trong công tác này.
Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng nhấn mạnh, hệ thống chính quyền cơ sở phải gắn chặt với dân, coi nhân dân là động lực cũng là nhân tố để quyết định thành bại của cuộc chiến với dịch bệnh. “Chiến thắng Covid-19 là chiến thắng của dân. Chiến thắng dịch hay không do dân quyết định nên dân phải tham gia”, Thủ tướng nhấn mạnh khi kiểm tra công tác chống dịch tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị mọi nguồn lực, nhất là cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm để không một người dân nào thiếu đói hoặc thiếu thốn về nhu yếu phẩm mà không được hỗ trợ. “Quan trọng nhất lúc này là người dân không thể thiếu ăn”, đó là câu nói hết sức xúc động của Thủ tướng khi đến kiểm tra công tác cung ứng hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.op Mart thuộc phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức.
Trong ngày đầu tiên đi thị sát công tác phòng chống dịch tại TP HCM trên cương vị Trưởng ban chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã đi thăm hơn 10 điểm gồm các cơ sở y tế, điểm bán hàng, điểm an sinh và khu dân cư, đã cho thấy tâm huyết và sự kỳ vọng rất lớn của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP HCM, với thời hạn quyết định cả chiến dịch được chỉ đạo đến ngày 15/9 tới đây.
Ba việc cần làm ngay
Số ca nhiễm Covid-19 mới không ngừng gia tăng trong nhiều ngày qua. Đáng chú ý, theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, trong ba ngày liên tiếp cuối tháng 8 năm nay (26-28/8), trong tổng số 619.553 mẫu xét nghiệm nhanh đã thực hiện, TP HCM phát hiện đến 19.484 mẫu dương tính, chiếm 3,1% số mẫu xét nghiệm.
Không chỉ tăng số ca mới, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng thừa nhận một thực tế áp lực điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 lên ngành y tế thành phố là rất lớn. Tuy nhiên, may mắn là thành phố cũng được sự chi viện của trung ương và Bộ Y tế nên đến giờ này có thể đảm bảo được công tác điều trị cho bệnh nhân ở tầng 2 và tầng 3, trong khi tiếp tục mở rộng ở tầng 1.
Các bác sĩ, chuyên gia ngành y tế thành phố đã chỉ ra ba vấn đề mà TP HCM cần làm ngay trong thời điểm “nước rút” hai tuần còn lại (đến 15/9) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để có thể cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Trong đó, BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho rằng, đầu tiên là việc làm sao tách được F0 ra khỏi cộng đồng. Kế đó, phải nắm chặt nhóm F1 và phải tìm cho ra người nào sắp chuyển thành F0, để không lây được cho người khác, nhất quyết không lây lan thêm ra trong cộng đồng. Cùng đó là tách những F0 có biểu hiện nặng để theo dõi thật là sát, điều trị cho đúng.
BS Trương Hữu Khanh khuyến nghị ngành y tế thành phố phải đưa được vaccine đến cộng đồng. Bởi vì, cho dù có làm tốt việc tách các đối tượng F0 ra khỏi cộng đồng thì virus SARS-CoV-2 một thời gian sau cũng sẽ xuất hiện.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cũng đề nghị để đảm bảo một chiến thắng của “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 thì “cứu cánh” quyết định vẫn phải là giải pháp về vaccine. Bởi vì chỉ có vaccine mới tạo nên miễn dịch chủ động.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: TP HCM cần tận dụng “thời gian vàng” để đẩy nhanh tiến độ rà soát, tổ chức các đội tiêm lưu động, kết hợp với xét nghiệm, để tiêm vét theo từng khu, cụm dân cư nhằm đạt được mục tiêu tiêm cơ bản 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, đến nay thành phố đã có hơn 5,3 triệu người được tiêm mũi 1 và 223.026 người tiêm mũi 2. Các quận, huyện có tốc độ tiêm mũi 1 cho người đủ 18 tuổi trở lên đạt tỉ lệ cao trên 80% gồm: Quận 3, 4, 5, 7, 10, 11, huyện Cần Giờ, quận Phú Nhuận. Từ nay tới thời điểm 15/9, thành phố sẽ quyết tâm cao nhất để nhiều người dân được tiếp cận vaccine, qua đó tạo miễn dịch chủ động cho cộng đồng.