Họ đã chiến đấu như thế ở tâm dịch
Trong những tháng ngày dịch bệnh Covid-19 căng thẳng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, câu chuyện về các y bác sĩ, nhân viên y tế gác lại chuyện riêng, xung phong vào điểm nóng khiến chúng ta ấm lòng và tin tưởng rằng “cuộc chiến” sẽ sớm kết thúc. Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, các y bác sĩ đã cho thấy hết lòng vì cộng đồng, sẵn sàng “Nam tiến” chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Chúng ta sẽ vượt qua đại dịch
Đại dịch không khác gì một cơn bão quét tràn qua những miền trù phú của đất nước. Những phố phường không bóng người chỉ có tiếng còi hú của xe cứu thương, cảnh sát. Những cánh đồng bỏ hoang cho dù cái đói có thể ập đến bất cứ lúc nào. Những khuôn mặt người dân từ anh công an, trật tự đến cô thanh niên tình nguyện đều toát lên sự căng thẳng.
Cậu công nhân chắc chỉ hơn con trai tôi mấy tuổi, trên đường về Đắk Lắk đi vào vùng phong toả lúc nào không biết. Vậy là chẳng thể quay ra vì tiến lên có một chốt chặn khác, quay về lại gặp anh công an để cậu ta vượt qua lúc trước. Cậu bảo chẳng có tiền trả nhà trọ, đi về là lựa chọn cuối cùng. Tôi có giải thích, cháu mới đi được vài chục cây số đã thế này, vậy sao về được quê nhà hàng trăm cây số với bao nhiêu chốt gác? Bình tĩnh ở lại, chú công an đã lưu số cháu rồi, đêm nay sẽ có một gia đình đùm bọc cháu trong khu phong toả. Lén rút ít tiền dúi vào tay, lúc bước vào xe nhìn lại vẫn thấy cháu ngồi bệt bên lề đường, đầu gục xuống.
Hình ảnh đó ám ảnh tôi đến tận lúc này. Covid-19 là thứ virus ghê sợ nhất vì nó không màu, không mùi không vị nên đã len lỏi khắp mọi nơi trên trái đất này cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó có thể đánh tan hoang những “con rồng con hổ” của nền kinh tế thế giới, hay đơn giản hơn là hại biết bao mảnh đời khốn khổ đã ở sát miệng của vực sâu.
Những ai coi thường SARS-CoV-2 như một trận cúm mùa chắc cũng đã hiểu chỉ một chút chủ quan, bao gia đình đã trả một cái giá quá đắt. Cũng không thể trách họ vì chưa có trong lịch sử, đã có ai chứng kiến bao giờ mà tiên lượng với dự báo.
Nhưng, tôi đã có niềm hy vọng chúng ta sẽ vượt qua được đại dịch. Đó không phải là máy móc, trang thiết bị, thuốc men hay sự phát triển của khoa học mà đó vẫn là những ánh mắt. Từ vị giám đốc trung tâm y tế huyện quyết tâm xây dựng bệnh viện tầng 3 hồi sức bệnh nhân nặng và nguy kịch, cho đến những y bác sĩ đã vật lộn trong tâm dịch hàng tháng trời nhưng vẫn khẳng định: “em vẫn ổn”.
Chúng ta sẽ ổn vì Covid-19 không thể chiến thắng được chúng ta!
BS Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc (Bệnh viện E): Mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc
Hơn 1 tháng trôi qua trong tâm dịch, cùng tham gia điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, những bệnh nhân phải thở máy xâm nhập, lọc máu nhân tạo, thậm chí là ECMO đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm và nhiều bài học sâu sắc.
Ngày nhận quyết định lên đường cũng là lúc tâm trạng lo lắng trong tôi xuất hiện. Mười mấy năm làm hồi sức, điều trị và chứng kiến muôn vàn bệnh tật, cả những bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi cảm thấy nhiều lo lắng như lần này. Lo lắng việc nhà còn chưa trọn vẹn, lo lắng cho mẹ và vợ phải gánh lên vai những việc mà lẽ ra bản thân mình cần xử lý, lo lắng cho mấy đứa nhỏ ngày nào cũng chờ bố.
Bệnh dịch lây lan mà tôi chưa từng có kinh nghiệm, chưa từng học qua sách vở, chỉ biết rằng nó dễ lây, nguy hiểm, tử vong nhiều và đã làm cho cả thế giới hoang tàn, kiệt sức.
Lo lắng khi mình chưa từng có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19, kinh nghiệm trên thế giới chưa nhiều, mọi người vẫn đang vừa làm vừa dò dẫm.
Thế nhưng, đi chống dịch mà. Đó là nhiệm vụ của người thầy thuốc. Khi dấn thân vào nghề bác sĩ, chúng tôi luôn sẵn sàng điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân, bất kể là bệnh nhân mắc bệnh nhẹ hay nặng. Đó là mệnh lệnh từ trái tim người bác sĩ.
Trước khi lên đường, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện đã dặn dò chúng tôi phải luôn công tác tốt, luôn giữ vững hình ảnh tốt đẹp của Bệnh viện E, không chỉ với đồng nghiệp mà còn đối với người bệnh, nhất là người bệnh nặng như ở khoa Hồi sức tích cực.
Tôi cũng rất quyết tâm, đã hứa với thầy rằng chúng em không ngại khó, ngại khổ, sẽ hết lòng cứu chữa người bệnh nhằm chia sẻ bớt khó khăn, vất vả cho các đồng nghiệp.
Chúng tôi tin sẽ chiến thắng dịch bệnh để trở về nhà.
TS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội Nhi Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Giảng viên bộ môn Nội, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Chiến thắng trong một ngày gần nhất
So với thời điểm chúng tôi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang, tình hình dịch bệnh ở TP HCM nguy hiểm và phức tạp hơn rất nhiều. Là Trưởng đoàn hỗ trợ của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam gồm 239 thầy trò, có nhiệm vụ quản lý chung cả đoàn, xử lý sự cố và đảm bảo an toàn, chuyên môn tốt nhất cho cả đoàn, tôi không tránh khỏi tâm lý lo lắng cho các học sinh của mình bởi sự lây lan của biến thể Delta.
Mặc dù vậy, thật vui và tự hào khi thấy các học trò của mình chịu khó và đầy nhiệt huyết. Với nhiệm vụ được giao là lấy mẫu, truy vết, nhập liệu, hỗ trợ tiêm chủng, tham gia tổ phản ứng nhanh, tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân ở các khu cách ly bệnh nhân F0, một ngày thành viên đoàn chúng tôi làm 3 đến 4 ca, có hôm tăng ca làm đến 3 giờ sáng, hoặc có nhóm trực cả đêm, tuy nhiên, sinh viên vẫn nói với tôi rằng, nỗi vất vả này không thấm tháp gì so với các đồng nghiệp ở những Trung tâm hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19.
Tính đến nay, đã hơn 1 tháng chúng tôi làm việc tại TP HCM, những ngày căng mình chống dịch cùng các lực lượng y tế khác trong cả nước thật vất vả, cam go. Ở nơi tâm dịch mới thấy thấm thía được đời sống bà con khổ cực và bị chịu ảnh hưởng đến cùng cực chỉ vì con virus nhỏ bé. Và cũng ở nơi đây mới càng thấy con người TP HCM tuyệt vời và hào sảng. Có một mạnh thường quân thường xuyên hỗ trợ cho đoàn chúng tôi khi ở TP HCM tâm sự, gần như cả gia đình chị lây nhiễm SARS-CoV-2, vậy mà chị vẫn làm mọi cách để có thể hỗ trợ thêm cho công tác của các y, bác sĩ. Người dân TP HCM là vậy, dù trong hoàn cảnh căng thẳng nhưng cũng suy nghĩ cho người khác trước khi cho bản thân. Cầu mong người thân của chị sớm bình phục!
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bắc Giang, hết thời gian cách ly là tôi xung phong lên đường vào TP HCM tiếp tục làm nhiệm vụ. Những chuỗi ngày ngắn ngủi được gần gia đình, vợ và 2 cô con gái bé nhỏ thật ngắn ngủi. Cũng may, gia đình hết sức thông cảm, động viên cho bản thân lên đường hoàn thành nhiệm vụ. Nỗi nhớ gia đình, vợ con cũng chỉ được gửi gắm sau khi hoàn thành công việc qua điện thoại.
Mong muốn lớn nhất của bản thân ngay bây giờ là Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh, và đó cũng là niềm tin của tôi. Một ngày gần đây chúng ta sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh!
BS Bùi Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang: Nương tựa vào nhau như một gia đình
Đã hơn 3 tháng nay tôi chưa về nhà, ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch tại chính Bắc Giang quê hương mình, tôi tiếp tục xung phong tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại miền Nam cùng các đồng nghiệp. Là một người con Bắc Giang, trực tiếp tham gia chống dịch từ những ngày chỉ có 1 vài ca mắc cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi thấu hiểu được sự đáng sợ của dịch bệnh này. Chúng tôi đã có những ngày thức trắng để làm sao cố gắng kiểm soát được dịch bệnh một cách nhanh nhất. Khi tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang ổn định, không còn ca mắc trong cộng đồng, số F0 khỏi bệnh ngày càng cao thì qua thời sự, báo đài, tôi biết được tình hình dịch bệnh tại miền Nam bắt đầu diễn biến phức tạp. Tôi hiểu được cần có những người có kinh nghiệm điều trị, kinh nghiệm chống dịch sẵn sàng tham gia hỗ trợ. Tôi nghĩ tôi là một trong những người như vậy, bởi thế, tôi cùng các đồng nghiệp đã xung phong lên đường, tiếp tục vào tâm dịch với tâm thế “cả nước vì Bắc Giang, Bắc Giang vì cả nước”.
Tại Long An, chúng tôi nhận nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 cùng các đồng nghiệp khác. Thời tiết nóng bức của mùa hè cộng thêm bộ đồ bảo hộ kín mít, toàn thân chúng tôi như rã rời sau mỗi ca trực.
Vất cả như vậy, nhưng cũng có những niềm vui, mỗi tối, khi hoàn thành nhiệm vụ, được gọi điện thoại cùng gia đình, chồng con là mọi vất vả dường như tan biến. Vui hơn khi người bệnh tại đây rất thương và thấu hiểu công việc của các y bác sĩ, chúng tôi cũng là những người nhà duy nhất của họ. Mọi người nương tựa vào nhau như một gia đình để cùng vượt qua dịch bệnh. Có lẽ, những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những ngày tháng này đều là về bệnh nhân, niềm vui tột độ khi giành được tính mạng của người bệnh tưởng chừng như đã “về thế giới bên kia”, nhưng cũng có nỗi buồn đau đớn khi bệnh nhân ra đi dù chúng tôi đã làm mọi cách.
Thế nhưng, tôi có niềm tin rất mãnh liệt rằng chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, cũng như Bắc Giang đã làm được, miền Nam cũng sẽ làm được trong một ngày gần nhất.
TS. BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai): Có những lúc không còn khái niệm về thời gian
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nước ta thực sự khắc nghiệt khi dịch lây lan rộng khắp, số ca mắc lớn, số ca nặng và nguy kịch rất cao. Khối lượng cơ sở vật chất, số lượng nhân viên y tế và chuyên gia đi hỗ trợ các tỉnh thành phía Nam với quy mô chưa từng có phần nào phản ánh mức độ phức tạp của dịch bệnh hiện nay tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Mặc dù vậy, dù ở bất kỳ trận chiến nào, những người lính áo trắng chúng tôi cũng đều sẵn sàng tinh thần cao nhất, xông pha vào chỗ khó nhất, điều trị cho những người bệnh nặng nhất.
Với chúng tôi, không có khái niệm về một ngày làm việc bởi chiến lược điều trị, tiếp nhận bệnh nhân thay đổi từng giờ, từng phút. Tất cả hệ thống đều trực chiến 24/7 và tranh thủ luân phiên nghỉ ngơi để đảm bảo sức khoẻ tốt nhất cho công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Mỗi ca trực, chúng tôi xử lý hàng trăm ca bệnh nặng, một núi công việc từ trực tiếp điều trị cho tới hỗ trợ chuyên môn các cơ sở y tế, cập nhập thông tin về bệnh nhân cho người nhà của họ, giúp họ ổn định tâm lý.
Thật may mắn khi anh em chúng tôi vẫn giữ được tinh thần vững vàng đến thời điểm hiện tại, bởi lẽ, với áp lực của công việc và sự đè nặng về tâm lý mỗi khi bệnh nhân không qua khỏi là rất lớn. Chúng tôi đòi hỏi nhau làm thế nào để điều trị bệnh nhân tốt nhất, để cứu được nhiều bệnh nhân nặng hơn nữa, đó là mong mỏi của tất cả những người thầy thuốc ở thời điểm này.
Mặc dù vậy, rào cản về ngôn ngữ là khó khăn không hề nhỏ, đôi khi các bác sĩ hay nhân viên y tế không hiểu bệnh nhân muốn nói gì, có lúc người bệnh hay người nhà nói một tràng, chúng tôi vẫn không hiểu và phải hỏi lại từ đầu, cố gắng lắng nghe để đáp ứng yêu cầu của họ. Trong một núi công việc, bối cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy mà có thể ngồi bình tĩnh lắng nghe cặn kẽ cũng cần một sự kiên nhẫn vô cùng to lớn.
Tôi hoàn toàn không còn khái niệm về ngày tháng nữa, chỉ biết chiến đấu và hy vọng.
Điều dưỡng Hoàng Thị Diễm - Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Hết dịch tôi sẽ trở về!
Ngay sau khi Khoa nhận được Quyết định của Bộ Y tế về việc điều động nhân lực y tế hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP HCM, tôi đã xung phong và viết đơn tình nguyện tham gia. Tại đây, tôi cùng các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ điều trị, cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 ở BVĐK Gò Vấp.
Chúng tôi làm việc theo ca, trung bình 8 tiếng/ca và thực hiện 3 không: không ăn, không uống nước, không đi vệ sinh để đảm bảo luôn có lực lượng y tế làm việc 24/24 giờ và áp dụng tối đa mọi biện pháp phòng dịch. Trong điều kiện thời tiết nóng bức lại mặc thêm bộ bảo hộ kín mít nên sau mỗi ca làm việc, đôi bàn tay ai cũng nhăn nheo, tê cứng. Trên người không còn chỗ nào khô ráo, khuôn mặt hằn lên vết tì của khẩu trang, của mũ và toàn thân rã rời. Những hôm ca đêm, mỗi khi quá mệt mỏi, chúng tôi tranh thủ nghỉ mệt trong chớp nhoáng. Chúng tôi thay nhau chăm sóc, giúp đỡ người bệnh và coi họ như chính những người thân của mình vậy. Khó khăn, vất vả là thế nhưng vì những người bệnh đang nằm bất động trên giường và những người thân đang đợi ở quê nhà, chúng tôi đang cố gắng và sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa. Hạnh phúc lớn nhất đối với chúng tôi là những khi bệnh nhân được nhận quyết định ra viện. Mỗi ngày số người khỏi bệnh tăng lên, số ca mắc mới giảm đi thì đó là minh chứng chúng ta đang dần chiến thắng dịch bệnh để trở về nhà.
Những cuộc điện thoại về cho gia đình có lẽ là giây phút tôi mong chờ nhất mỗi ngày. Bao mệt nhọc, vất vả tan đi khi được nhìn thấy các con và giọng nói ấm áp của chồng. Hết dịch tôi sẽ trở về!