Nhiều sản phẩm bị thu hồi, người tiêu dùng gánh thêm nỗi lo trong mùa dịch
Mỗi ngày lại có thêm nhiều thông tin về sản phẩm bị thu hồi có chứa chất độc hại khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại về tính an toàn của các sản phẩm trong mùa dịch.
Nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền, mì khô… trong đại dịch Covid-19 đang ngày càng gia tăng bởi phần lớn người tiêu dùng chuyển sang các bữa ăn tự nấu và dự trữ thực phẩm khô trong thời gian dài. Mì ăn liền với các yếu tố như sự tiện lợi, hương vị, đa dạng về chủng loại và giá cả phù hợp với tất cả các phân khúc người tiêu dùng đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của mặt hàng này. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những sản phẩm này được sử dụng rất nhiều trong cứu trợ cho người dân vùng dịch...
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mặt hàng này dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026. Hiện, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ lớn thứ ba trên thế giới.
Tuy nhiên, mới đây, các thông tin về việc mỳ tôm Hảo Hảo và miến ăn liền Good nhập khẩu của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Acecook) bị thu hồi tại Ireland, mỳ khô của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương (Thiên Hương) bị thu hồi tại Na Uy do liên quan đến chất ethylene oxide đã khiến người tiêu dùng trong nước lo ngại đặt câu hỏi về việc các sản phẩm lưu hành tại Việt Nam có chất lượng như thế nào.
Đặc biệt, sự việc trên cũng đã tạo một hiệu ứng 'domino' từ người tiêu dùng với nhiều ý kiến trái chiều như hoang mang, đòi tẩy chay, cần sớm có thông tin chính thức. Điều này không chỉ tạo tâm lý kích động, hoang mang đối với người tiêu dùng mà hoạt động kinh doanh của các đơn vị phân phối, trung tâm mua sắm, chủ cơ sở kinh doanh, siêu thị mini cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù mì ăn liền, mì khô… là các sản phẩm bình dân giá trẻ, phù hợp trong những ngày giãn cách xã hội, tuy nhiên, trước thông tin nghi vấn có chất gây ung thư chưa được hồi đáp, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang các món ăn khô khác như bánh mỳ, cháo... “cầm cự” trong lúc chờ đợi các cơ quan quản lý đưa ra thông tin chính thức về các sản phẩm trên.
Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, ethylene oxide là chất khí có thể gây ung thư, chủ yếu qua đường hô hấp. Nếu tiếp xúc thường xuyên với ethylen oxide có thể gây kích ứng da, mắt mũi, cuống họng, phổi, gây tổn thương não và hệ thần kinh và sau cùng có thể gây ung thư cho người.
Chia sẻ trên diễn đàn Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, chất ethylene oxide trong các sản phẩm bị thu hồi tại châu Âu vừa qua tuy không gây độc cấp tính, nguy hiểm ngay lập tức nhưng lại có thể gây hại về lâu dài cho sức khỏe. Do vậy, người tiêu dùng trong nước có tâm lý lo ngại là đúng.
Không chỉ riêng với sản phẩm mỳ tôm, nhiều sản phẩm cũng đã được phát hiện chứa các chất cấm vượt ngưỡng quy định. Việc kiểm tra và các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm cũng đã được nâng lên, song việc cần làm là tăng cường hậu kiểm và phải làm thường xuyên, từ quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm…
Trước sự việc trên, Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các đơn vị, người dân cần thận trọng với các thông tin liên quan đến hóa chất trong sản phẩm và chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng.
Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng cả nước đang chờ đợi câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục từ nhà sản xuất. Họ mong muốn rằng, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nói riêng và các công ty sản xuất mặt hàng thực phẩm nói chung cần có sự minh bạch trong vấn đề chất lượng sản phẩm để không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân bởi những sản phẩm trên không chỉ tiện lợi, dễ ăn mà còn là nguồn cứu đói, hỗ trợ người dân chống trọi với đại dịch.